Nghi án hối lộ in tiền polymer
Ngày 20/11/2009, Cảnh sát Australia đã tiến hành khám xét trụ sở và nhà riêng của các lãnh đạo Công ty Securency (là công ty sản xuất vật liệu polymer dùng để in tiền polymer) để phục vụ điều tra nghi án công ty này hối lộ để thắng các hợp đồng in tiền polymer tại nhiều quốc gia, trong đó có VN.
Ngay sau đó, Văn phòng chống tội lừa đảo Anh, cảnh sát liên bang của Australia, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia cũng tiến hành điều tra đối với các cá nhân liên quan. Cảnh sát các nước đồng loạt tiến hành nhiều vụ khám xét bắt giữ tại Malaysia, Thụy Sĩ, Anh, Australia liên quan tới các nhân viên của Securency bị tình nghi dính líu đến nghi án chi các khoản hoa hồng khổng lồ để có được hợp đồng in tiền ở các quốc gia khác ngoài Australia.
Phía VN, sau khi có những thông tin cáo buộc liên quan đến hợp đồng in tiền polymer, ngày 25/11/2009, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cũng đã phối hợp với cơ quan tư pháp Thụy Sĩ để làm rõ thông tin Công ty Securency đưa hối lộ trong hợp đồng cung cấp chất nền in tiền polymer của VN.
Các cơ quan chức năng của VN đã phối hợp chặt chẽ với phía Australia nghiêm túc tiến hành điều tra vụ việc và đã không phát hiện thông tin, tài liệu, chứng cứ nào liên quan đến việc tham nhũng của các quan chức VN.
Đến năm 2012, Tòa án của Australia và của Vương quốc Anh cũng đã có phán quyết cho rằng những cáo buộc liên quan đến việc một số công dân Australia và Vương quốc Anh hối lộ quan chức trong đó có quan chức VN là vô căn cứ. Tuy nhiên, về vụ này, vẫn có 5 viên chức của Securency bị truy tố hình sự về tội hối lộ quan chức nước ngoài.
Đáng chú ý, ngày 19/6/2014, Tòa án tối cao bang Victoria (Australia) lại ban hành một lệnh kiểm duyệt liên quan đến vụ in tiền polymer có nêu tên một số quan chức cấp cao nước ngoài, trong đó có VN.
Đến ngày 8/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN lúc đó là ông Lê Hải Bình đã nhấn mạnh: “Đây là việc làm có dụng ý xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự cá nhân lãnh đạo, đất nước VN cũng như quan hệ giữa VN và Australia”.
Trả lời về việc này, Chính phủ Australia đã cho rằng các cá nhân được đề cập tên trong lệnh kiểm duyệt liên quan đến vụ in tiền polymer không phải là đối tượng trong trình tự tố tụng vụ án. Việc lệnh cấm đề cập tới tên các cá nhân cũng không có nghĩa cho rằng họ có sai phạm mà là để bảo vệ các quan chức cấp cao này khỏi nguy cơ bị ám chỉ không có cơ sở (đây là nội dung Tuyên bố giải thích công khai của Đại sứ quán Australia tại VN trên trang web của Đại sứ quán này).
Tuyên bố của Đại sứ quán Australia trên trang web. Ảnh: Vietnamnet
Công ty Nhật hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam
Đầu năm 2014, nhiều tờ báo Nhật Bản đã đồng loạt đưa tin về chủ tịch một hãng tư vấn Nhật Bản thừa nhận hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA.
Cụ thể, ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch công ty tư vấn đường sắt JTC (Japan Transportation Consultants - là nhà thầu dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1) thừa nhận hành vi đưa hối lộ trong cuộc thẩm vấn với cơ quan điều tra Tokyo. Đáng chú ý, sau hơn hai năm triển khai, giá trị hợp đồng tư vấn với JTC đã tăng từ 900 tỷ đồng lên hơn 1.226 tỷ đồng.
Ông Tamio Kakinuma cho biết: Để đổi lấy một gói thầu dự án ODA tại Việt Nam trị giá 4,2 tỷ yên, công ty đã "lại quả" cho quan chức 80 triệu yên (tương đương 780.000 USD hoặc hơn 16 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại).
Có 5 cái tên quan chức nhận hối lộ được ông Kakinuma khai ra, trong đó có một quan chức cấp cao của Đường sắt Việt Nam.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng ngay sau đó đã đánh giá thông tin về việc hối lộ mà báo chí Nhật đưa là rất nghiêm trọng. Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Tư pháp Nhật đề nghị trao đổi thông tin chính thức để làm sáng tỏ sự việc.
Đầu tháng 5/2014, sau hơn một tháng điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét với 6 người gồm: ông Trần Quốc Đông (50 tuổi, Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam) và 5 cán bộ của Ban Quản lý các dự án Đường sắt thuộc Tổng công ty, gồm Phạm Hải Bằng (45 tuổi, Phó giám đốc), Phạm Quang Duy (39 tuổi, Phó giám đốc), Nguyễn Nam Thái (37 tuổi, Trưởng phòng Dự án 3), Trần Văn Lục (56 tuổi, nguyên Giám đốc), Nguyễn Văn Hiếu (52 tuổi, Giám đốc). Các bị can bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngày 1/10/2014, Nhật thông báo đã đưa ra xét xử cựu Chủ tịch Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) - Tamio Kakinuma, 65 tuổi; Cựu Giám đốc điều hành JTC Tatsuro Wada, 67 tuổi; Cố vấn Koji Ikeda, 58 tuổi với cáo buộc vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh tại Tòa án Tokyo.
Ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch công ty tư vấn JTC, Nhật Bản.
Theo Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật (cấm các công ty của nước này cung cấp tiền hoặc lợi ích cho công chức các nước khác) mức phạt tối đa cho tội danh này là 5 năm tù giam và phạt 5 triệu yên. Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nào về kết quả xét xử này. Đến nay, Việt Nam cũng chưa đưa vụ án này ra xét xử.
Bê bối nhận hối lộ “bôi trơn” tại dự án Đại lộ Đông Tây
Vụ hối lộ quan chức Việt Nam của công ty PCI (Pacific Consultants International - Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương) Nhật Bản là vụ việc nổi đình đám trong năm 2008 tại Việt Nam, liên quan đến việc đưa hối lộ của một số quan chức công ty PCI với Ban Quản lý dự án PMU tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là với ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc Ban Quản lý PMU Đông - Tây.
Liên quan tới việc đấu thầu dự án Đại lộ Đông - Tây tại Thành phố Hồ Chí Minh, báo chí Nhật đưa tin 4 người Nhật là Masayoshi Taga, Kunio Takasu, Haruo Sakashita và Tsuneo Sakano đã nhận chuyển cho một quan chức cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh số tiền hối lộ 820.000 đôla để thắng thầu dự án phát triển cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn ODA của Nhật trong thành phố.
Dự án Đại lộ Đông - Tây có tổng chiều dài 21,9km, được khởi công 31/1/2005, bắt đầu từ quốc lộ 1A huyện Bình Chánh và kết thúc tại xa lộ Hà Nội (quận 2) với tổng chiều dài toàn tuyến gần 22km. Dự án có hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn lớn nhất Đông Nam Á. Dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 10.000 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại từ ngân sách thành phố.
Khi đó, với cương vị Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây, ông Huỳnh Ngọc Sĩ được cho là đã không làm đúng nhiệm vụ được giao, làm lợi cho phía nhà thầu Nhật Bản để nhận hối lộ 262.000 USD.
Ông Sĩ bị tuyên mức án chung thân, sau đó được giảm xuống 20 năm tù.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18/10/2010, HĐXX xác định có đủ căn cứ kết luận bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ phạm tội nhận hối lộ được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 279 Bộ luật hình sự và cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng gây hậu quả xấu, tuyên phạt ông Sĩ tù chung thân. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ kháng cáo.
Ngày 1/9/2011, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận một phần đơn kháng cáo, tuyên giảm hình phạt từ chung thân xuống còn 20 năm (mức cao nhất của án tù có thời hạn) đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ về tội nhận hối lộ.
Nghi án công ty Mỹ hối lộ y khoa
Ngày 3/11/2014, Việt Nam lại tiếp tục chấn động với nghi án về hối lộ quan chức Việt Nam trong lĩnh vực y khoa qua công bố của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Bộ Tư pháp Mỹ.
Công bố cho biết, trong thời gian từ năm 2005 - 2010, công ty thiết bị và nghiên cứu y tế của Mỹ Bio-Rad đã hối lộ số tiền 7,5 triệu USD tại Nga, Thái Lan và Việt Nam và thu về 35 triệu USD tiền lợi nhuận trái phép.
Công ty Bio-Rad bị cáo buộc sử dụng những nhân vật trung gian ở Việt Nam và Thái Lan để giành được các hợp đồng mua bán nhờ những khoản hối lộ và tiền hoa hồng bất hợp pháp qua việc bán các sản phẩm cho các nhà phân phối Việt Nam với giá rẻ. Những nhà phân phối này sẽ cắt phần chiết khấu từ việc bán rẻ để hối lộ.
Theo tài liệu mà SEC công bố, từ năm 2005 đến 2009, đại diện ở Việt Nam của hãng cho phép thực hiện việc hối lộ để được thuận lợi kinh doanh. Trong một email nội bộ, đại diện này nói với nhân viên tài chính ở Singapore rằng việc trả tiền cho bên thứ ba là vi phạm đạo đức kinh doanh của hãng, nhưng Bio-Rad sẽ mất 80% doanh thu nếu không làm như vậy.
Bio-Rad được thành lập năm 1952 ở Berkeley, bang California, có nhân lực hơn 7.800 người. Doanh thu của công ty này vào năm 2013 đạt mức 2,1 tỷ USD. |
Mỹ là nước cấm các công ty kinh doanh ở nước ngoài có hành vi hối lộ bất kể vì lý do gì. Công ty vi phạm chẳng những bị phạt rất nặng mà đôi khi còn bị kết tội hình sự.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã ra lệnh ngừng hoạt động đối với Bio-Rad trong thời gian Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành một cuộc điều tra hình sự. Với quyết định phạt này, công ty sẽ không bị điều tra hình sự nữa theo luật chống tham nhũng nước ngoài do đã thành khẩn khai báo hành vi vi phạm của các công ty con và hỗ trợ điều tra.
Tuy nhiên, Bio-Rad phải nộp phạt 55 triệu USD cho hai cơ quan trên. Trong đó, 40,7 triệu USD từ doanh thu bán hàng cho SEC và hơn 14,3 triệu USD cho Bộ Tư pháp. Bio-Rad cho biết công ty đã chấm dứt hợp đồng với các nhân viên tham gia các vụ hối lộ, đồng thời cam kết không để xảy ra điều tương tự trong tương lai.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Bio-Rad thoát khỏi truy tố hình sự chủ yếu nhờ công ty này đã tự nguyện tiết lộ các hành vi sai trái cho chính phủ và hợp tác điều tra trên tinh thần thiện chí.
Về phía Việt Nam, ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã ký công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị mở cuộc điều tra thông tin về việc này, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, điều tra thông tin để xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm.
Ngày 6/11, Bộ Y tế cũng có thư gửi đại diện đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ điều tra làm rõ thông tin về nghi án trên. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có văn bản gửi giám đốc các sở y tế, giám đốc các bệnh viện trực thuộc yêu cầu rà soát việc mua sắm thiết bị từ công ty này. Thanh tra Bộ Y tế cũng đã vào cuộc xem xét, kiểm tra những đơn vị đã mua sắm thiết bị của công ty này. Hiện vẫn chưa rõ những cán bộ, quan chức nào của Việt Nam đã nhận hối lộ trong vụ này.
Theo Pháp Luật TP.HCM