Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ sự băn khoăn đối với những quy định về quân hàm, cấp bậc tướng tá khi thảo luận dự thảo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân sửa đổi ngày 6/11.
Địa bàn trọng điểm, vị trí ưu tiên là tướng?
“Vì sao chúng ta lại phong tướng nhiều như vậy? Thời chiến chúng ta có 36 tướng thế mà vẫn đánh tan những đế quốc ghê gớm như Nhật, Pháp, Mỹ. Vậy thời nay nhu cầu phong tướng của chúng ta là gì? Phải chăng phong tướng nhiều để lãnh đạo quân đội tốt hơn? Nếu tăng cường cho sức mạnh quân đội thì chúng ta có thể phong tướng gấp 10 lần ngày xưa, tức là 360 tướng, phải chăng quân đội chúng ta mạnh gấp 10 lần?” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói và thẳng thắn cho rằng “phong nhiều tướng chưa chắc đã được dân đồng tình”.
Chia sẻ ý kiến trên, ĐB Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) cũng phản ánh rằng khi tiếp xúc cử tri rất phàn nàn là tại sao việc phong quân hàm cấp tướng nhiều thế.
“Khe hở của chúng ta dẫn đến phong quân hàm cấp tướng nhiều là do quy định “ở địa bàn trọng điểm, vị trí ưu tiên thì cấp bậc có thể cao hơn một bậc. Cuối cùng thì hầu như tất cả trưởng công an quận, huyện ở một số địa phương đều là đại tá và tất cả giám đốc công an cấp tỉnh đến giờ không còn đại tá nữa. Cuối cùng thì tất cả 63 tỉnh, thành đều trở thành trọng điểm hết…” - ông Thịnh phân tích và đề nghị “bịt kín” lỗ hở này bằng những quy định cứng trong luật chứ không cho ngoại lệ, đặc biệt gì nữa.
Tâm tư và xúc động, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho hay cả nước còn đó hàng triệu gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh... phải chịu đựng nỗi đau, vật vã chống chọi lại thương tật nhưng QH không có luật nào dành cho họ.
“Tôi tha thiết mong QH hãy nhìn vào sự hy sinh của hàng triệu gia đình để cân nhắc, nhìn vào họ để quyết định. QH cũng không nên làm mất thêm nhiều thời gian, tiền của của nhân dân nữa mà hãy cân nhắc thấu đáo thông qua dự luật ngay trong kỳ họp này” - bà Dung đề nghị.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thẳng thắn cho rằng “phong nhiều tướng chưa chắc đã được dân đồng tình”. Ảnh: CTV
Giảng dạy, kinh doanh sao lại cần tướng?
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, khi trình, cơ quan soạn thảo đề xuất chủ nhiệm khoa Mác-Lênin, chủ nhiệm khoa Quân chủng là thiếu tướng. Nhưng quá trình thẩm định lại đề nghị giảm xuống là đại tá nên ban soạn thảo kiên trì bảo vệ và đề nghị đưa ra xin ý kiến QH.
“Ban soạn thảo chúng tôi rất tâm tư… Ai cũng muốn về chỉ huy quân sự, làm tư lệnh, chỉ huy, huấn luyện, lăn lộn thực tế… chứ anh em không muốn ở lại trường. Học giỏi mới được ở lại trường nhưng ở lại trường thì anh em tâm tư. Vì chấp hành nhiệm vụ nên anh em ở lại, ra trường cùng nhau, anh về đơn vị lên mấy bậc quân hàm rồi anh thầy giáo vẫn thế. Nếu QH cho phép giữ lại thì chúng tôi rất mừng” - ông Thanh bộc bạch.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng khoa Mác-Lênin ở Học viện Quốc phòng được xem là nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước, trang bị cho người học tư duy tầm chiến lược. “Khoa Mác-Lênin mà không được coi trọng bằng các khoa khác thì các thế lực xấu có thể xuyên tạc rằng chúng ta đã có phần phai nhạt tư tưởng Mác-Lênin. Vì vậy tôi đề nghị trần quân hàm chủ nhiệm khoa Mác-Lênin là thiếu tướng” - ông Phương nói.
Không đồng tình với ý kiến trên, ĐB Thuyền cho rằng giảng dạy thì người ta cần hàm giáo sư, tiến sĩ chứ không phải tướng. “Tôi nghĩ những đơn vị giảng dạy cần rà soát lại cho phù hợp. Hay như các đơn vị kinh tế mà vẫn phong tướng thì không ổn. Đối với các đơn vị này, có thể phong người đứng đầu cấp đại tá là được. Tướng là do nhu cầu tác chiến chứ không phải sản xuất kinh doanh. Cần cân nhắc để hạn chế phong tướng” - ông Thuyền nói.
ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cũng cho rằng đối với các nhà trường hàm cấp tướng cũng cần nhưng không phải tuyệt đối. Vì vậy không nhất thiết phải quy định phong cấp tướng ở đây. “Nếu chúng ta làm theo cách này thì giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia TP.HCM phải là ủy viên Bộ Chính trị bởi vì ông ta toàn dạy ủy viên Bộ Chính trị hay sao?” - ông Thành thắc mắc.
Khống chế cấp tướng quân đội không quá 415
“Các đồng chí giải quyết thế nào để khi chúng tôi là ĐB về giải thích cho cử tri thì họ thông suốt. Còn nếu xác định phong tướng để giải quyết chính sách thì chúng ta nên tách tiền lương ra khỏi quân hàm, để những người không được phong tướng họ được tăng vượt khung thì tốt hơn. Ngày xưa một ông tướng thì anh em còn biết, nghe thiếu tá là ghê gớm lắm rồi, giờ tướng nhiều quá. Đề nghị có sự cân nhắc để chúng ta giới hạn việc phong tướng để nhân dân đồng tình” - ông Thuyền nói.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét, theo dự thảo thì tổng số cấp tướng không giảm mà tiếp tục tăng. “Mong muốn giảm tướng xuống nhưng đề nghị lại tiếp tục tăng lên” - ông Sơn nói và khẳng định Bộ Chính trị khống chế cấp tướng Bộ Quốc phòng không quá 415, nếu tiếp tục nâng sẽ phá vỡ các vị trí khác. Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trước khi thông qua.
Quân đội có ba đại tướng, công an có một Tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý hai dự thảo luật liên quan, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng việc quy định quân hàm đại tướng với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và của Tổng tham mưu trưởng là phù hợp. Bởi Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Ngược lại, Ủy ban Thường vụ QH không tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc thêm một hàm đại tướng cho Thứ trưởng thường trực Bộ Công an. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH đồng ý với đề nghị nâng trần cấp bậc hàm đối với giám đốc Công an TP Hà Nội, Công an TP.HCM lên trung tướng. Phải quy định điều kiện giáng cấp Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), luật đã quy định về thăng cấp bậc thì phải đi kèm cả quy định giáng chức sĩ quan không hoàn thành nhiệm vụ, mắc vi phạm. “Sáng nay, tôi nghe tin bộ đội biên phòng một tỉnh đình chỉ cùng lúc bảy sĩ quan vi phạm. Nhiều địa phương tình hình an ninh trật tự phức tạp, vi phạm pháp luật kéo dài nhưng người đứng đầu ở địa bàn đó không bị trách nhiệm gì cả. Biên giới Việt-Trung hàng lậu sang nhiều thế mà công an, bộ đội biên phòng, chức năng địa phương có bị trách nhiệm gì không, nếu không thì tình hình buôn lậu mãi mãi như thế. Phải quy định điều kiện giáng chức, giáng cấp” - ông Nam đề nghị. |
Theo Pháp luật TP.HCM