Trải lòng của hai người đàn bà đẹp có chồng phạm tội nghiêm trọng

Thứ năm, 18/12/2014, 14:40
Hai người đàn bà không quen biết nhau, có cuộc sống hoàn toàn khác nhau, nhưng họ có điểm giống nhau là cùng liên quan trực tiếp đến hai vụ án hình sự là tâm điểm của dư luận thời gian gần đây.

Chị Đặng Ngọc Lan, vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

Một người liên quan đến vụ án với vai trò đồng phạm. Một người liên quan đến vụ án do hành vi không tố giác tội phạm. Nhưng vì tính nhân đạo của pháp luật nên cả hai đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại phiên xử chồng mình, hai người đàn bà này đã có những phút trải lòng đúng với suy nghĩ của họ.

1. Chị Đặng Ngọc Lan, SN 1972, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B (viết tắt là Công ty B&B) là vợ của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, Chủ tịch Hội đồng quản trị của sáu công ty khác do bị cáo Kiên lập ra. Bị cáo Kiên bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 30 năm tù về bốn tội: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo bản án sơ thẩm, chị Lan, Tổng Giám đốc Công ty B&B được Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty B&B ủy quyền ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB thực hiện các hợp đồng đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sau khi trừ chi phí vốn và phí ủy thác, Công ty B&B thu được số tiền lãi hơn 100 tỷ đồng.

Do biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong sáu tháng đầu năm 2009, để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, chị Lan đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái Nguyễn Đức Kiên là chị Nguyễn Thúy Hương. Nhưng do Công ty B&B không có đăng ký ngành nghề kinh doanh "nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài" nên hợp đồng ủy thác giữa chị Hương và Công ty B&B được xác định là không hợp pháp.

Căn cứ theo quy định của pháp luật thì Công ty B&B phải nộp thuế hơn 25 tỷ đồng từ số tiền lãi hơn 100 tỷ đồng thu được. Song, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của công ty cho chị Hương thụ hưởng để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì chị Lan chuẩn bị sinh con.

Vì chính sách nhân đạo của pháp luật nên cơ quan điều tra thấy chưa cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chị Lan với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện hành vi phạm tội. Điều đó cho thấy, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra luôn đặt ra vấn đề đảm bảo tính nhân đạo, hay nói cách khác là cơ quan điều tra tìm căn cứ gỡ tội cho người có hành vi vi phạm chứ không chỉ chú trọng buộc tội họ.

Nhưng trong quá trình xét xử sơ thẩm, Tòa sơ thẩm đã đề nghị cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm của chị Lan, chị Hương và đề nghị xử lý hành vi vi phạm của họ theo quy định pháp luật vì có hành vi giúp sức tích cực cho bị cáo Kiên thực hiện hành vi trốn thuế.    

Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Lan một lần nữa phải trả lời HĐXX những vấn đề liên quan đến việc Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác trái pháp luật để thực hiện hành vi trốn thuế. Chị Lan vẫn thừa nhận mình là người ký hợp đồng này, còn có đúng pháp luật hay không thì chị bảo là không biết.

HĐXX hỏi: "Khi vụ án xảy ra, chị có nghĩ mình là đồng phạm với Kiên không?". Nghe câu hỏi này, chị Lan đã khóc: "Thưa tòa, quả thực là tôi không hiểu nhiều về Luật Doanh nghiệp nên tôi hành động cũng vì niềm tin vào anh Kiên. Nhưng tôi đủ nhận thức để hiểu rằng, khi mình đã ký vào bất kỳ văn bản gì thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều đó. Tôi tuy mang danh là Tổng Giám đốc công ty, nhưng chủ yếu ở nhà làm công việc của phụ nữ và nuôi dạy con. Tất cả các hoạt động điều hành công ty này đều do anh Kiên thực hiện. Chỉ những văn bản, giấy tờ gì liên quan đến chức danh Tổng Giám đốc công ty thì tôi mới ký. Nhưng trước khi ký, tôi đều hỏi anh Kiên và phải được anh Kiên cho phép tôi mới thực hiện. Rất mong Tòa hiểu cho tôi điều này. Tôi không dám nghĩ có một ngày sẽ là đồng phạm với anh Kiên".

Lực lượng Công an dẫn giải bị cáo Nguyễn Đức Kiên về Trại tạm giam sau phiên xử.

Không bàn đến việc chị Lan hiểu ít hay hiểu nhiều về hoạt động kinh doanh của chồng, nhưng nghe những gì chị trải lòng ở phiên xử thì có thể thấy, niềm tin chị dành cho chồng lớn đến mức nào khi chị "hồn nhiên" ký vào các văn bản liên quan đến tài chính, tiền tệ mà lại ký bằng "niềm tin" với chồng, chứ không biết sau đó chồng sẽ điều hành nội dung trong văn bản mình đã ký ra sao? Với một người thương trường dày dặn như "doanh nhân Kiên" thì quả là khó trách chị Lan đã quen sống trong sự chở che, bao bọc.

Quãng thời gian vừa qua và những ngày tiếp theo, có lẽ chị Lan vẫn chưa thể quen với sự thiếu vắng một điểm tựa tưởng như rất vững chắc(?). Nhưng với những gì đã trải lòng ở phiên xử chồng mình, nhiều người tin chị có thể từng bước vượt qua khó khăn trước mắt để khẳng định chính mình trong cuộc sống. Mình phải là mình, bất kể hành động gì cũng là để bảo vệ mình thì mới tránh được "tai bay vạ gió".

2. Chị Nguyễn Thị Hằng, SN 1979, trú tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là vợ bị cáo Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường, vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 19 năm tù giam về hai tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Kết quả điều tra xác định, sau khi phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ, nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền không đúng theo quy định của ngành Y khiến chị Huyền tử vong, Tường đã thông báo sự việc này cho chị Hằng. Sau đó, Tường cùng đồng phạm là Đào Quang Khánh và chị Hằng ngồi chung trên ôtô và chở xác chị Huyền ra bờ sông để vứt xác phi tang.

Biết rõ việc Tường và Khánh bàn nhau làm điều thất đức, chị Hằng đã nhiều lần can ngăn Tường không được vứt xác nạn nhân xuống sông nhưng Tường không nghe mà quyết thực hiện hành vi phạm tội. Chị Hằng là người chứng kiến cảnh chồng mình vứt xác nạn nhân xuống sông. Sau khi gây án, chị Hằng cùng chồng đi gửi ôtô vào bệnh viện và cùng nhau về nhà. Cơ quan điều tra xác định, chị Hằng biết rõ sự việc này nhưng không tố giác tội phạm. Tuy nhiên pháp luật luôn mở lượng khoan hồng cho những người biết ăn năn, hối cải nên không xem xét trách nhiệm đối với chị Hằng trong vụ án này.

Chị Nguyễn Thị Hằng, vợ bị cáo Nguyễn Mạnh Tường.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Tường và bị cáo Khánh quanh co, đổ thừa trách nhiệm cho nhau về việc, người này bảo người kia ném xác nạn nhân xuống sông, không ai chịu nhận tội là chủ mưu thực hiện hành vi ném xác nạn nhân xuống sông để phi tang. Lúc này, vai trò của nhân chứng duy nhất chứng kiến hành vi này là rất quan trọng. Nhân chứng ấy chính là chị Hằng.

Khi HĐXX hỏi về vấn đề này, chị Hằng đứng lặng người ít giây. Xung quanh chị lúc này là gia đình nhà chồng và gia đình nhà bị cáo Khánh - người làm thuê cho chồng chị đã tích cực giúp đỡ chồng chị gây ra tội lỗi tày trời. Mọi cặp mắt đang hướng về chị để chờ lời khai của chị xem có lợi cho ai. Hơn ai hết, chị Hằng là người biết rõ điều này. Là người hiểu biết, sống có trách nhiệm nên trước sự mất mát quá lớn của một gia đình mà kẻ gây ra sự mất mát ấy chính là chồng chị nên lương tâm không cho phép chị nói điều gian dối.

"Thưa HĐXX, chồng tôi đã nhờ Khánh đưa thi thể nạn nhân đi phi tang ở sông", chị Hằng nói vừa đủ nghe nhưng từng chữ đều rõ ràng, rành mạch. Đây là tình tiết được HĐXX đặc biệt để tâm, bởi chị Hằng không chỉ là nhân chứng trực tiếp chứng kiến sự việc này mà chị Hằng còn là vợ của bị cáo Tường. Trả lời xong, chị Hằng lại đứng lặng người. Đôi bàn tay xoắn chặt vào nhau như thể cố kìm nén một nỗi đau mà chị đã và đang phải giấu kín trong lòng.

Không chỉ chị Hằng mà hầu hết những người tham dự phiên tòa này đều thấy lặng người về tình tiết mà chị Hằng vừa khai. Thật không dễ gì để người vợ nhiều năm chung sống có thể nói ra sự thật mà điều đó lại bất lợi cho chồng mình. Nhưng biết làm sao khi mà chính chồng chị đã bỏ ngoài tai lời khuyên của chị để gây ra tội ác tày trời để rồi bị cả xã hội lên án về hành vi vô nhân tính.

Trước khi Tường và Khánh thực hiện hành vi phi tang xác nạn nhân xuống sông, chị Hằng đã đúng khi nhiều lần can ngăn chồng không được làm thêm điều thất đức. Nhưng chỉ can ngăn thôi mà không có hành động quyết liệt hơn thì không đủ, vì cho dù chị Hằng không muốn nhưng hậu quả của hành vi phạm tội vẫn xảy ra.

Người ta vẫn trách rất nhiều về việc nếu chị Hằng cương quyết ngăn chặn việc làm tội lỗi của chồng thì chắc chắn hậu quả của vụ án không lớn đến vậy. Giá như lúc ấy, chị Hằng đặt mình vào hoàn cảnh của gia đình nạn nhân khi họ vừa mất con, vừa mất xác thì chắc hẳn chị sẽ đủ bản lĩnh để ngăn chặn hành vi tội ác của chồng. Điều đó không chỉ là việc làm phục thiện mà còn giúp cho chồng chị được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để giảm nhẹ hình phạt khi Tòa lượng hình.

Với hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với xã hội và gia đình nạn nhân, gây phẫn nộ trong dư luận nhân dân, Tường đã phải nhận một bản án nghiêm khắc là điều đương nhiên. Nhưng dư luận sẽ sẻ chia và cảm thông hơn nhiều nếu trong bản án phạt tù bị cáo Tường về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh… có vài dòng "ghi công" chị đã ngăn chặn kịp thời hành vi nguy hiểm của chồng, để nạn nhân xấu số được trở về đất mẹ với thân thể vẹn nguyên. Nhìn chị Hằng với đôi mắt buồn rười rượi và đôi chân nặng trĩu bước ra khỏi phòng xử án, mọi người đều hiểu, chị sẽ còn ân hận nhiều bởi sự thiếu quyết liệt của mình khi không kịp thời ngăn chặn tội ác.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn