Trước đây, khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến, người bệnh được chi trả ở các mức 30%, 50% và 70% chi phí theo hạng bệnh viện nhưng mới đây Luật bảo hiểm y tế đã được thay đổi.
Kể từ ngày 1/1/2015, khi điều trị vượt tuyến Trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40% khi nằm viện nội trú; người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán. Điều này đồng nghĩa với việc khi đi khám bệnh vượt tuyến ở tuyến tỉnh và tuyến Trung ương người bệnh sẽ phải chi trả mọi chi phí.
Đến nay, luật mới đã có hiệu lực gần một tuần. Tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số lượng người đến khám và chữa bệnh khá đông. Trong đó, có không ít người dân đến từ các tỉnh để điều trị.
Người dân ở các tỉnh vẫn lên bệnh viện tại TP.HCM để chữa trị
Bà Trần Thị Hà (59 tuổi, tỉnh An Giang) cho biết, bị bệnh bướu cổ hơn 5 năm nay. Trước đây bà có đến bệnh viện tỉnh điều trị nhưng cảm thấy bệnh tình không thuyên giảm. Người thân khuyên bà nên lên bệnh viện Ung bướu để chữa trị xem tình hình thế nào bởi bệnh viện tỉnh không phải là chuyên khoa ung bướu.
Bà gom góp ít tiền, từ khuya đã bắt xe ôtô lên thành phố. Trên đường đi, bà cứ nghĩ mình có bảo hiểm y tế thì sẽ đỡ được đống tiền khi khám và chữa bệnh. Thế nhưng vừa tới bệnh viện, bà rầu rĩ khi biết theo quy định mới bảo hiểm không chi trả cho những người vượt tuyến.
Bà Hà chia sẻ: “Ở bệnh viện tỉnh, chỉ khi bệnh nhân quá nguy kịch thì mới cấp giấy chuyển viện. Trong khi đó, những người bệnh như tôi thì bệnh viện tỉnh không phải là chuyên khoa. Tôi nghĩ, bệnh viện tỉnh sẽ không chữa trị tốt những bệnh như thế này. Thế mà khi tôi tự lên TP.HCM chữa trị thì lại không được bảo hiểm hỗ trợ”. Im lặng trong giây lát, bà nói: “Kiểu này thì tôi phải mang bệnh dài dài rồi”.
Trong khi đó, ông Dương Văn Tám (47 tuổi, tỉnh Tây Ninh) cho hay ông đã bị bệnh tim hơn chục năm. Chừng hai năm trở lại đây, ông thường lên bệnh viện 115 (TP.HCM) để điều trị. Dù thời gian điều trị chưa dài nhưng ông cảm thấy sức khỏe tốt hơn rất nhiều. Do đó, ông quyết định tiếp tục điều trị tại đây.
Lần khám gần đây nhất, ông nhận được thông tin với trường hợp của ông, từ nay bệnh nhân sẽ không được bảo hiểm hỗ trợ.
“Đối với những người giàu có, 30% chi phí điều trị có thể là không nhiều. Riêng đối với người nghèo như tôi thì rất lớn. Nếu không được bảo hiểm hỗ trợ, chắc tôi phải trở về điều trị tiếp tại bệnh viện tỉnh. Nhưng ở đó thuốc không đầy đủ, tôi sợ bệnh tình lại trở về như cũ”, ông Tám rầu rĩ nói.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, nhiều bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, quy định mới chưa phù hợp với hoàn cảnh của người dân. Bên cạnh những trường hợp vượt tuyến dù bệnh tình chưa đến mức nghiêm trọng thì quy định mới là có hiệu quả.
Đối với những trường hợp đã điều trị tại bệnh viện tỉnh không thuyên giảm và họ lên bệnh viện tuyến trên khám, chữa; đặc biệt là đối với những người bệnh muốn tìm đến các bệnh viện chuyên khoa, nếu bảo hiểm không hỗ trợ nữa thì người dân sẽ thiệt thòi nhiều.
Ngoài ra, nhiều người dân lại đặt ra câu hỏi nếu có một người dân từ ngoài Bắc vào Nam chơi, hoặc ngược lại, chẳng may tự nhiên đổ bệnh phải nhập viện thì không lẽ họ phải trở về bệnh viện đã đăng ký để chữa trị thì mới nhận được sự hỗ trợ của bảo hiểm? Điều này có vẻ không hợp lý cho lắm. Nhiều người dân mong muốn cơ quan chức năng có quy định linh động để người dân nộp bảo hiểm không bị thiệt thòi.
Nhiều người dân kêu bị thiệt thòi với quy định mới
Các bệnh viện cho biết, do việc thực hiện quy định mới được áp dụng nên số lượng người dân đến khám và chữa bệnh ngoại tuyến chưa có sự thay đổi nhiều, chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân phản ứng gay gắt.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho rằng, trong thời gian tiếp theo, số lượng người dân khám và chữa bệnh vượt tuyến sẽ giảm. Nhưng, sau đó một khoảng thời gian, khi các bệnh viện tuyến dưới không còn đáp ứng được đủ nhu cầu thì mọi chuyện lại trở về như cũ.
Bác sĩ tại bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay, theo ghi nhận, số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh viện vượt tuyến chủ yếu là có nhu cầu cần thiết. Do đó, với quy định mới được thực hiện có thể sẽ ảnh hưởng nhiều đến các bệnh nhân ngoại tỉnh.
Khi được hỏi, nhiều chuyên gia cho hay, quy định mới có sự học hỏi của nước ngoài, được cải tiến. Xem qua thì có vẻ là rất hay nhưng ở nước ngoài, bác sĩ gia đình khá phát triển. Chỉ khi nào bệnh tình vượt mức điều trị của bác sĩ gia đình thì bác sĩ sẽ giới thiệu vào bệnh viện.
Riêng ở Việt Nam, bác sĩ gia đình còn hiếm, cơ sở vật chất ở các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh dù được trang bị nhưng vẫn chưa được đồng bộ. Do đó, quy định mới xem ra vẫn chưa phù hợp với điều kiện trong nước ở hiện tại.
Theo Khampha