TP.HCM: Xới lại các giải pháp tăng thuế, tăng phí để hạn chế xe cá nhân

Thứ ba, 06/01/2015, 08:17
Sở GTVT vừa báo cáo UBND TP.HCM về tình hình thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở GTVT đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế sở hữu và sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP.HCM.

Số lượng xe gắn máy đăng ký tại TP.HCM khoảng 5,5 triệu chiếc.

Ngoài phát triển vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT cũng đề xuất đối với các giải pháp về hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân sẽ dùng các chế tài về kinh tế như thuế xăng dầu, lệ phí đường và phí đỗ xe để giảm bớt việc đi lại bằng xe riêng vì càng đi nhiều càng phải trả tiền.

Cụ thể:

- Đánh thuế nhiên liệu: Nhiều quốc gia đã đánh thuế nhiên liệu và dùng nguồn thu này phục vụ cho các mục tiêu giao thông vận tải. Thuế này có thể do chính quyền cấp trung ương, cấp tỉnh hoặc cấp địa phương thu.

- Thu phí ra vào trung tâm thành phố: Thu phí phương tiện cá nhân lưu thông vào nội đô theo khu vực, thời gian nhằm hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông.

- Tăng phí dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực nội đô: Tăng mức phí dịch vụ trông giữ phương tiện (ôtô, xe gắn máy) trong khu vực nội đô, khu vực trung tâm các thành phố. Mức thu thực hiện lũy tiến theo giờ và theo khu vực trong nội đô.

- Hạn chế lưu thông: Hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trên một số trục chính hoặc trên một số tuyến nhất định vào giờ cao điểm, kết hợp với biện pháp tăng tần suất của phương tiện công cộng và ưu đãi giá vé đối với hành khách tại thời điểm kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Tăng cường các tuyến đường một chiều đối với phương tiện cá nhân. Tổ chức phân tách làn dành riêng cho xe máy và làn xe thô sơ trên các tuyến đường ra vào nội thành có đủ điều kiện về mặt cắt ngang.

- Giới hạn biển số xe: Căn cứ vào biển đăng ký xe để hạn chế lái xe ở một số khu vực vào một số ngày nhất định trong tuần nhằm giảm số lượng ôtô được sử dụng. Biện pháp này có thể được áp dụng cho một số loại xe nhất định, một số khu vực nhất định vào những thời điểm cụ thể trong ngày hoặc là cả ngày. Tuy nhiên về dài hạn thì đây không phải là một biện pháp tối ưu.

Về hạn chế sở hữu phương tiện cá nhân, Sở GTVT đề xuất  thành phố kiến nghị Chính phủ cần áp dụng các biện pháp về kinh tế như thuế mua hàng, thuế nhập khẩu, phí đăng ký sử dụng ở mức cao và quy định về hạn mức.

Cụ thể như:

- Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại phương tiện cá nhân; tăng phí trước bạ phương tiện cá nhân đăng ký mới; tăng phí đăng ký phương tiện cá nhân đăng ký mới;

- Thu phí môi trường: Đây là khoản phí mà người sử dụng phương tiện cá nhân phải trả cho việc sử dụng phương tiện cá nhân gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn...

- Quản lý phương tiện đăng ký mới: Cấp quotar (số lượng phương tiện được cấp có giới hạn trên cơ sở phù hợp với sự phát triển kết cấu hạ tầng hàng năm), chỉ cho cấp đăng ký phương tiện ở mức giới hạn/năm. Việc sở hữu phương tiện thông qua đấu giá. Cùng với việc phải bỏ tiền mua phương tiện, chủ sở hữu phương tiện còn phải đóng tiền bảo hiểm, các loại thuế, phí..., đặc biệt phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe. Tại khu vực nội đô các thành phố lớn, điều kiện để sở hữu phương tiện xe ôtô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe.

Theo quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, dự kiến năm 2020 sẽ có khoảng 2,8 – 3 triệu ôtô (trong đó xe con chiếm khoảng 50%). Vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh có thể xem xét đưa ra hệ thống hạn ngạch để hạn chế số lượng ôtô bán ra và đi đăng ký.

Theo Lao động

Các tin cũ hơn