Lý do Hà Nội cấm khách bộ hành qua cầu Nhật Tân

Thứ ba, 06/01/2015, 10:33
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lý giải việc cấm người dân đi bộ qua cầu Nhật Tân.

Cầu Nhật Tân chính thức được khánh thành trong niềm háo hức của đông đảo người dân thủ đô. Sở GTVT Hà Nội cũng đã ra thông báo về việc hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông qua cây cầu này.

Theo đó, người đi bộ, xe súc vật kéo bị cấm qua cầu. Xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện chỉ được phép hoạt động từ 22h00 đến 5h00 sáng ngày hôm sau và theo làn tuyến quy định.

Sở GTVT Hà Nội khuyến cáo, khi gió cấp 6 trở lên, xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện không được qua cầu.

Lý do Hà Nội cấm khách bộ hành qua cầu Nhật Tân
Nhiều người tiếc nuối vì không được đi bộ lên cầu Nhật Tân.

Được coi là điểm nhấn cho cảnh quan của Thủ đô Hà Nội, việc cấm khách bộ hành qua cầu Nhật Tân khiến nhiều người tỏ ra tiếc nuối. Thậm chí, có ý kiến cho rằng quy định này của Sở GTVT là bất hợp lý.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội.

Ông Tân cho biết, bản thân ông cũng muốn tất cả mọi người, mọi phương tiện đều có thể đi qua được cầu Nhật Tân.

Tuy nhiên, việc người dân đi bộ và các phương tiện thô sơ qua một cây cầu có độ cao như cầu Nhật Tân là rất nguy hiểm.

Ngoài việc dễ gây ra va chạm giao thông, những trường hợp này rất dễ bị gió thổi bay. Chính vì vậy, Sở GTVT buộc phải cấm người đi bộ và một số phương tiện để đảm bảo an toàn.

Lý do Hà Nội cấm khách bộ hành qua cầu Nhật Tân
Đi bộ, xe đạp lên cầu Nhật Tân dễ bị gió thổi bay.

"Việc người dân đi bộ lên cầu là không đảm bảo an toàn. Việc cấm người đi bộ chính là để đảm bảo tính mạng cho người dân, vì người dân chứ không phải vì lý do gì khác”, ông Tân nói.

Ông Tân cho biết thêm, ngay cả một người đi xe máy trên đường quốc lộ trong điều kiện gió mạnh cấp 5, không cẩn thận là có thể bị thổi bay chứ chưa nói tới việc đi trên cầu và đặc biệt là đối với người đi bộ.

“Đã có trường hợp người dân chết vì bị gió thổi bay ở cầu Thanh Trì. Việc người dân đi bộ qua những cây cầu cao như vậy là rất nguy hiểm.

Cầu Thăng Long có thiết kế cho người đi bộ trên tầng 2 nhưng chúng tôi vẫn cấm cũng vì lý do này. Cầu Long Biên và một số cây cầu khác người đi bộ vẫn có thể qua vì các cây cầu này ở một độ cao khác”, ông Tân cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Tân, trước khi qua cầu Nhật Tân thì người dân nên theo dõi thông tin thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có gió cấp 6 trở lên, xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện không qua cầu để đảm bảo an toàn.

Theo quan sát của phóng viên, mặc dù đã có quy định cấm, nhưng ngay sau khi khánh thành, rất nhiều người dân vẫn kéo nhau lên cầu Nhật Tân để chụp ảnh, vui chơi.

Trong khi đó, tại đường Võ Nguyên Giáp, người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3 – 4, đi ngược chiều, lấn làn… diễn ra phổ biến ngay sau thời điểm thông xe.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói: “Hiện các công trình mới khánh thành nên mới xảy ra tình trạng đó. Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Mình nhắc nhở, uốn nắn rồi dần dần thì tình hình sẽ ổn định, người dân sẽ tuân thủ".

Theo VTCnews

Các tin cũ hơn