Như đã nói ở kỳ trước, ngôi mộ nằm giữa đường vào làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) án ngữ ngay trước nhà anh Nguyễn Văn Doanh.
Theo lời anh Doanh, trước đây, khu vực này là toàn là ao chuôm, với một gò đất có 5 ngôi mộ tổ của các dòng họ trong làng Đồng Kỵ.
Làng Đồng Kỵ có lịch sử 600 năm và có tới 33 dòng họ, chia làm 4 giáp, mỗi giáp có 8 dòng họ. Tuy nhiên, một số dòng họ không còn người nối dõi, hoặc chuyển đi nơi khác sinh cơ, nên chỉ còn 30 dòng họ. Lớn nhất là dòng họ Dương, riêng suất đinh là 1.700 người.
Các dòng họ đều có gia phả. Dòng họ Dương lập nghiệp lâu đời nhất ở Đồng Kỵ được 18 đời, dòng họ Lê 17 đời, họ Nguyễn ở Đồng Kỵ được 16 đời.
Ngôi mộ án ngữ trước nhà anh Nguyễn Văn Doanh |
Khu vực chỗ nhà anh Doanh ở vốn là nghĩa địa cổ, là nơi chôn cất các ông tổ của các dòng họ. Tuy nhiên, thời gian quá lâu, nên hầu hết đã bị thất lạc, chỉ còn lại 5 ngôi mộ tổ của 5 dòng họ trong làng.
Năm dòng họ này đều xây cất mồ mả tổ tiên khang trang, thành một khu vực riêng biệt, trên gò đất giữa cánh đồng. Con đường nhỏ từ làng ra khu mộ cổ này cũng biến thành đường tắt để đi từ trong làng ra phía ngoài.
Khoảng 40 năm trước, dân làng nắn lại con đường nhỏ đó, thì con đường xuyên qua gò đất, qua các ngôi mộ. Năm 1997, chính quyền địa phương lấp cánh đồng, chặt cây đa, phân lô bán nền, lập nên khu phố.
Theo lời người dân, thời điểm đó, ngôi mộ của họ Dương xây dựng kiên cố, to nhất trong số 5 ngôi mộ tổ. Họ Dương cùng với họ Nguyễn nhất định không chuyển mộ.
Đến năm 1998, chính quyền làm đường, trong họ Dương xảy ra tranh cãi, bởi người thì yêu cầu chuyển cụ đi, chứ không thể để cụ nằm chềnh ềnh giữa đường hít bụi, nghe tiếng ồn, người thì nhất định không đồng ý di chuyển, bởi cụ đã nằm đó mấy trăm năm, không thể thích là chuyển được.
Thế nhưng, không hiểu do trùng khớp thế nào, mà thời điểm đó, họ Dương xảy ra rất nhiều chuyện không may. Một số người trong họ Dương bỗng ốm đau, bệnh tật không rõ nguyên do. Một số thì tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thậm chí có người đang đi ngoài đường bị tấm tôn ở đâu bay đến đâm trúng phải nằm liệt.
Đặc biệt, thời điểm đó có một số đại gia họ Dương ở làng phá sản. Đại diện dòng họ này đi coi bói, thầy phán do để mộ tổ cụ giữa đường, nên mới gặp vận hạn.
Ngôi mộ nằm giữa đường làng Đồng Kỵ đã 17 năm |
Sau khi nghe thầy bói phán, dòng họ Dương đã chuyển ngay mộ tổ đi nơi khác, dành đất cho chính quyền làm đường. Riêng ngôi mộ của dòng họ Nguyễn thì vẫn kiên định nằm giữa đường suốt 17 năm qua.
Có một điều kỳ lạ, đó là, dù 17 năm trôi qua, ngôi mộ nằm chềnh ềnh giữa đường, song chưa hề có vụ tai nạn chết người nào liên quan đến ngôi mộ cả.
Trong khi, nhiều vụ va quệt xe cộ ở đường vào Đồng Kỵ dẫn đến chết người, thì chưa hề có vụ nào thương tích khi va quệt ở đoạn đường có ngôi mộ.
Người dân ở làng đều biết đến sự hiện diện của ngôi mộ, nên tránh xe từ xa, nhưng người lạ vào làng, thì không để ý, nên đâm vào mộ liên tục. Thế nhưng, tất cả các vụ đâm vào mộ đều không có thiệt hại gì về người và tài sản.
Thậm chí, có vụ, đang đêm, anh Doanh nghe tiếng rầm, xoẹt xoẹt. Anh tức tốc chạy ra, thấy xe một nơi, người một nẻo. Thế nhưng, cậu thanh niên kia chẳng việc gì, tự đứng dậy dựng xe đi tiếp.
Cậu thanh niên kia còn kể, cậu say rượu, phóng rất nhanh, không nhìn thấy mộ, nên đâm thẳng vào, bắn cả người lên không trung.
Đã có nhiều vụ đâm xe vào mộ nhưng chưa gây thương tích cho ai |
Nhiều vụ đâm xe mạnh như thế, nhưng người chẳng hề hấn gì, cũng là điều khó lý giải.
Ngoài việc đâm trực diện vào mộ, thì xảy ra khá nhiều vụ đâm vào nhau, do những người lái xe máy đi nhanh, gần đến nơi, phát hiện ra ngôi mộ, thì luống cuống không biết đi vào bên nào, dẫn đến va quệt. Tuy nhiên, cũng chưa có vụ nào gây thương tích cả.
Theo ông Vũ Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ, chính quyền đã thực sự “chào thua” trong việc thuyết phục dòng họ Nguyễn di chuyển ngôi mộ.
Chính quyền đã tạo mọi điều kiện như cấp đất chỗ đẹp nhất ở nghĩa trang, hỗ trợ toàn bộ kinh phí để di dời, xây dựng mộ, nhưng họ Nguyễn trong làng vẫn không đồng ý di chuyển mộ.
Dòng họ lấy lý do mộ đã quá lâu đời, sợ không còn xương cốt, hoặc xây không đúng địa điểm để từ chối di chuyển. Chính quyền phường đã đồng ý cho dòng họ đào rộng, đào sâu tùy ý, bốc đi bao nhiêu đất cũng được, nhưng vẫn không ăn thua.
Người dân trong làng cũng gửi đơn kiện suốt nhiều năm ròng, nhưng chính quyền cũng không biết phải làm thế nào, vì đây là vấn đề tâm linh, mà công trình giao thông lại chỉ ở cấp độ phường, xóm, nên không cưỡng chế được.
Theo một cán bộ tổ dân phố, thì đã có mấy chục đoàn đến từng nhà trong họ Nguyễn vận động di chuyển mộ để đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, nhưng chẳng ăn thua gì. Chính quyền nói thế nào, họ cũng không nghe.
Thậm chí, thuyết phục nhiều quá, họ còn nổi cáu bảo rằng, sao khi làm đường không tránh ngôi mộ tổ của họ ra, lại làm đường qua, để rồi đẩy ngôi mộ tổ đã nằm đó 400 năm ra giữa đường.
Thế là, ngôi mộ tổ của dòng họ này “nhảy” ra giữa đường là lỗi của chính quyền, chứ không phải của họ Nguyễn.
Vị cán bộ tổ dân phố này cũng cho biết, trong dòng tộc họ Nguyễn cũng đã có đến hàng chục lần họp lên họp xuống về việc di dời ngôi mộ, song vẫn không thống nhất được.
Họ cũng đã tiến hành biểu quyết, nhưng số không đồng ý chuyển vẫn thắng áp đảo. Lý do chính là một số người sợ đụng vào mộ tổ có thể ảnh hưởng đến chuyện tâm linh.
Sau suốt 17 năm “cãi vã”, giữa chính quyền và dòng họ Nguyễn không tìm được tiếng nói chung, thì đã có một số ý kiến đề xuất làm… cầu vượt qua ngôi mộ. Người dân Đồng Kỵ rất giàu có, nên họ chỉ góp mỗi người một móng tay là đủ làm cái cầu vượt. Tuy nhiên, phương án ấy thật buồn cười, nên không thể thực hiện được.
Chính quyền chỉ biết tiếp tục vận động, còn việc có di chuyển ngôi mộ hay không phụ thuộc vào họ Nguyễn. Rốt cục, cả làng Đồng Kỵ, đặc biệt là những hộ dân ở đoạn đường có ngôi mộ hứng chịu hậu quả nhiều năm qua và không biết còn kéo dài đến bao giờ.
Theo VTC