Hộp đen máy bay QZ8501 vừa được trục vớt hôm 12/1 vẫn nguyên vẹn và còn ở trong tình trạng tốt.
Ông Supriyadi, điều phối viên của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia Indonesia hôm 12/1 vừa đưa ra một tuyên bố tranh cãi khi cho rằng chiếc máy bay QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia đã phát nổ trên không trung trước khi chạm mặt nước do áp xuất không khí thay đổi đột ngột.
"Theo phân tích của tôi là dựa trên những mảnh vỡ máy bay đã được tìm thấy cũng như những phát hiện khác, thì chiếc máy bay đã phát nổ trước khi nó chạm mặt nước", ông Supriyad tuyên bố trước báo giới.
Theo ông Supriyad, mạn bên trái của chiếc máy bay dường như đã bị "vỡ vụn", trong đó nguyên nhân chỉ có thể là do sự thay đổi áp xuất không khí đột ngột tạo ra một vụ nổ gây nên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi cho rằng, những tuyên bố của ông Supriyadi là không có căn cứ.
"Không có dữ liệu nào chứng tỏ giả thuyết đó", ông Santoso Sayogo, một điều tra viên ở Ủy ban An toàn Giao thông Indonesia hôm 12/1 nhấn mạnh.
Trước đó, giới chức thời tiết Indonesia trong một báo cáo đã đưa ra nhận định, thời tiết là "nguyên nhân khởi phát" vụ tai nạn, song nguyên nhân chính thức phải chờ tìm được và phân tích dữ liệu của hộp đen máy bay.
Những tuyên bố của ông Supriyadi được đưa ra trong bối cảnh, các nhà điều tra sắp sửa khám phá ra nguyên nhân khiến chiếc máy bay phản lực mang số hiệu QZ8501 đâm xuống biển Java cướp đi sinh mạng của 162 người hôm 28/12 khi thợ lặn hôm 12/1 vừa tìm thấy và trục vớt được một hộp đen chứa dữ liệu chuyến bay.
Một mảnh vỡ máy bay đã được trục vớt.
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia ông Tatang Kurniadi cho biết, hộp đen vẫn ở trong tình trạng tốt và ngay lập tức đã được chuyển đến đến phòng thí nghiệm ở Jakarta để tiến hành phân tích.
Ông Kurniadi khẳng định có thể đọc được dữ liệu được lưu trong hộp đen này vì nó mới chỉ bị chìm trong nước hai tuần.
Phòng thí nghiệm ở Jakarta từng đọc được dữ liệu của một hộp đen bị chìm trong nước tới 8 tháng. Theo ông Kurniadi, đội phân tích sẽ mất khoảng ba ngày để tải dữ liệu của hộp đen này về, nhưng sẽ phải mất hàng tháng để đọc và phân tích các dữ liệu.
Trong khi đó, người đứng đầu đơn vị điều tra tai nạn hàng không thuộc Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, ông Masruri cho biết, đội tìm kiếm đã xác định được vị trí hộp đen thứ hai ghi âm các trao đổi trong buồng lái của máy bay.
Hộp đen thứ hai được phát hiện chỉ vài giờ sau khi Indonesia trục vớt thành công hộp đen thứ nhất (thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay) vào sáng 12/1. Hộp đen thứ hai nằm cách hộp đen thứ nhất khoảng 20m.
Tuy nhiên, các thợ lặn vẫn chưa thể trục vớt hộp đen thứ hai này vì vẫn còn nhiều mảnh vỡ nặng chìm dưới biển gây khó khăn cho công tác trục vớt.
“Hy vọng, hộp đen thứ hai có thể được trục vớt cũng trong ngày hôm nay (12/1)”, ông Masruri nhấn mạnh.
Chiếc máy bay Airbus A320-200 của hãng hàng không AirAsia thực hiện chuyến bay số hiệu QZ8501, chở 162 người từ khu vực Surabaya của Indonesia đến Singapore đã bị mất tích ngày 28/12/2014 trong điều kiện thời tiết có bão. Tất cả những người trên máy bay đã thiệt mạng trong tai nạn này.
Cho đến nay, các đội tìm cứu và cứu nạn đã trục vớt được 48 thi thể nạn nhân, trong đó 27 người đã được nhận dạng.
15 ngày sau thảm kịch QZ8501, chiến dịch tìm kiếm quy mô quốc tế với sự tham gia của tàu và máy bay Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Australia, Nga và Hàn Quốc vẫn đang tiếp diễn. Nhiều thi thể được cho là còn bị mắc kẹt trong cabin của máy bay.
Theo Dân Việt