Kẹt xe trở thành cảnh thường thấy ở TP.HCM - Ảnh nguồn: Internet
Không có người dân Sài Gòn nào không hiểu được gần bảy triệu xe có động cơ, trong đó có hơn năm triệu xe máy, hàng chục ngàn xe thô sơ như xe ba gác máy, xe vận tải nhẹ, xe máy tự chế mang lại rất nhiều điều phiền toái. Đó là: Khói bụi từ xe làm ô nhiễm môi trường, tổn hại sức khỏe, gây kẹt xe khủng khiếp làm mất thời gian, tốn tiền vô ích, nhiều người chết, bị thương vì xe máy; xe máy, xe hơi chiếm không gian TP làm mất mỹ quan… ai cũng mong một ngày nào đó nó giảm đi và dần biến mất như ở các nước phát triển. Thế nhưng coi bộ khó quá vì lúc này xe máy lại là phần nối dài của đôi chân mưu sinh chưa có gì thay thế được.
Lại thêm một lần nữa, các nhà quản lý muốn biến ước muốn thành hiện thực với một nhóm các giải pháp về kinh tế và điều tiết kỹ thuật. Cần ghi nhận sự nỗ lực và cố gắng của Sở GTVT TP.HCM trong việc cải thiện bộ mặt giao thông TP. Các giải pháp này không nhằm gia tăng ngân sách cho TP hay quỹ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như các đề xuất trước mà chủ yếu là làm cho người dân thấy bất tiện mà giảm xe máy.
Một câu hỏi đặt ra là nếu các chính sách này được ban hành thì liệu người dân có vì “cái sự khó” như các loại thuế, phí, đóng tiền bảo hiểm, đăng ký hạn ngạch, đấu giá quyền lưu hành xe, thu hồi xe hết niên hạn sử dụng, đăng kiểm xe máy thường niên… sẽ thôi không dùng xe máy và cả xe hơi cá nhân nữa? Câu trả lời chắc chắn là không bởi lẽ cho dù có xót tiền vì phải đóng thêm hàng trăm ngàn đồng các loại phí một năm, có bị làm khó trăm bề về các thủ tục hành chính rắc rối thì ngày nào cũng phải đi làm, đi chợ, đón con và giải quyết trăm thứ khác bằng xe máy, nếu không thì biết đi bằng phương tiện gì.
Một quy luật phổ biến trong tất cả lĩnh vực của đời sống là “quy luật thay thế ngang bằng”, quy luật này được tổng kết thành “lý thuyết giá trị thay thế tương đương”. Có nghĩa là khi muốn từ bỏ một điều gì đó còn có giá trị mà con người có nhu cầu thực thì phải được thay thế bằng một giá trị khác tương đương hoặc tốt hơn.
Ở Nhật, Hàn Quốc, Singapore có một thời tương tự như ở Việt Nam cũng đầy xe máy, xe thô sơ nhưng sau khi hệ thống giao thông công cộng tốt phát triển, họ chấp nhận chúng vào cuộc sống cá nhân một cách tự nhiên không cưỡng bức. Nếu đến năm 2020, khi mà sáu tuyến metro với năng lực chuyên chở hơn ba triệu hành khách mỗi ngày, cộng vào đó là hệ thống tàu điện một bánh trên cao, hệ thống xe bus nhanh hoàn thiện chuyên chở khách nhanh, sạch sẽ, an toàn, thân thiện, giá vé phù hợp với thu nhập của người dân thì không cần phải vận động, không cần đến bất cứ một giải pháp hành chính mang tính cưỡng chế nào thì người dân cũng vui vẻ từ bỏ dần xe máy, hạn chế mua xe hơi cá nhân.
Ban hành một chính sách với mục đích tốt nhưng kém hiệu quả thì nên thận trọng, nhất là trong lúc khủng hoảng kinh tế chưa qua, đời sống người dân còn khó khăn. Công việc quan trọng nhất lúc này là Sở GTVT và các cơ quan chức năng nên tập trung toàn lực sao cho hệ thống giao thông hiện đại mau chóng ra đời phục vụ nhân dân và ngay trước mắt nên cùng với các cơ quan khoa học tiến hành càng sớm càng tốt việc hiện thực hóa chủ trương phát triển xe đạp ở khu vực trung tâm 930 ha, trước mắt là phục vụ cho khách du lịch, sau nữa là cho các nhân viên công sở và người dân sống ở vùng lõi.
Nguyễn Minh Hòa, khoa Đô thị học, ĐH KHXH&NV TP.HCM
Theo Pháp luật TP.HCM