Vụ Huyền Như: Sơ thẩm thu 150 tỷ đồng, phúc thẩm thu 9.000 tỷ đồng!

Thứ hai, 12/01/2015, 10:42
Tòa án cấp phúc thẩm xác định tiền gốc và lãi là phương tiện phạm tội nên tịch thu tất cả, kể cả với các bị cáo không kháng cáo, kháng nghị. Việc này đúng hay sai?

Trong bản án phúc thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như, ngoài việc tuyên hủy phần liên quan đến hành vi chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng điều tra, xét xử lại theo hướng tội tham ô, tòa còn sửa án phần liên quan đến các bị cáo cho vay lãi nặng.

Theo đó, tòa tuyên tịch thu toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi của tất cả bị cáo, gồm cả trường hợp không kháng cáo, kháng nghị. Có bị cáo án sơ thẩm chỉ tuyên tịch thu sung công 150 tỷ đồng nhưng án phúc thẩm tuyên sửa, buộc phải nộp hơn 9.000 tỷ đồng.

Chênh lệch khủng khiếp giữa sơ thẩm và phúc thẩm

Liên quan đến số tiền thu lợi bất chính, HĐXX nhận định kết quả điều tra và bản cáo trạng thể hiện, thông qua việc cho Huyền Như vay lãi nặng, các bị cáo này đã thu lợi bất chính khoản tiền đặc biệt lớn.

Cụ thể, kết quả điều tra và cáo trạng xác định Nguyễn Thiên Lý thu lợi bất chính 745 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Thị Lành thu lợi 1.186 tỷ đồng, Đào Thị Tuyết Dung thu lợi 174 tỷ đồng, bị cáo Hùng Mỹ Phương 164 tỷ đồng, Phạm Văn Chí thu lợi hơn 5,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm chỉ tuyên buộc các bị cáo này phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính rất nhỏ so với các con số vừa đề cập, trong đó bị cáo Lành chỉ bị buộc nộp lại 150/1.186 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính, nghĩa là chênh lệch hơn 1.000 tỷ đồng!

Tòa phúc thẩm nhận định đối với tội cho vay lãi nặng, các bị cáo đã sử dụng tiền để cho vay bất hợp pháp nên cần thiết phải tịch thu toàn bộ số tiền gốc vì đây là phương tiện phạm tội. Án sơ thẩm chỉ tịch thu phần các bị cáo hưởng lợi bất chính là thiếu sót nghiêm trọng.

Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (trước) và Nguyễn Thị Lành, hai người cho vay lãi nặng. Ảnh: Hoàn Yến

Từ đó HĐXX tuyên sửa bản án sơ thẩm, buộc các bị cáo cho vay lãi nặng phải nộp lại cả vốn và lãi để sung công quỹ nhà nước.

Cụ thể, bị cáo Dung nộp lại 440,4 tỷ đồng (án sơ thẩm chỉ tuyên nộp 174,7 tỷ đồng), Lý nộp lại 1.296 tỷ đồng (án sơ thẩm chỉ tuyên nộp 414 tỷ đồng), Lành nộp lại 9.028 tỷ đồng (án sơ thẩm chỉ tuyên nộp 150 tỷ đồng), Chí nộp lại 23,8 tỷ đồng (án sơ thẩm là 570 triệu đồng), Phương nộp lại 218,5 tỷ đồng (án sơ thẩm 164,3 tỷ đồng).

Không kháng cáo, kháng nghị vẫn bị sửa án

Trong nhóm năm bị cáo nói trên, chỉ có hai bị cáo Lý và Dung kháng cáo liên quan đến phần thu lợi bất chính. VKS không có kháng nghị phần tuyên buộc thu lợi bất chính đối với nhóm bị cáo này.

Tại phiên phúc thẩm, HĐXX xét hỏi cả các bị cáo không có kháng cáo (và VKS không kháng nghị) sau khi xử sơ thẩm. Đáng chú ý, bị cáo Lành khai từ tháng 3/2008 đến tháng 9/2011, bị cáo này đã cho Huyền Như vay tổng cộng gần 7.842 tỷ đồng với lãi suất 0,4% đến 2%/ngày. Như đã phải trả hơn 9.000 tỷ đồng. Tiền thu lợi bất chính tính ra hơn 1.186 tỷ đồng. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM chỉ tuyên buộc bị cáo Lành giao nộp 150 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính.

Tòa hỏi bị cáo Lành: “Sự chênh lệch quá lớn giữa kết luận điều tra và số tiền bị cáo bị án sơ thẩm quy buộc sung quỹ, sao bị cáo không kháng cáo?”. Lành đáp: “Bị cáo nghĩ là số tiền nhiều hay ít thì bị cáo không khắc phục được nên bỏ mặc”. Chủ tọa nhấn mạnh: “Bỏ mặc hay ở đây có gì mờ ám?”. Lành im lặng. Còn theo đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm thì: “Bị cáo chấp nhận án sơ thẩm đã tuyên vì số tiền thu lợi bất chính phải sung công quỹ nhà nước quá nhỏ so với thực tế”. Từ đó HĐXX cho biết sẽ xem xét lại việc này để giải quyết cho thấu đáo.

Kết quả, tòa phúc thẩm đã tuyên tịch thu cả gốc lẫn lãi của các bị cáo này với nhận định đó là phương tiện phạm tội.

Phán quyết này của tòa phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay, các bị cáo không có quyền kháng cáo.

Vật chứng còn hay không mà tịch thu?

Xét về mặt tố tụng, việc xử lý như án phúc thẩm là vi phạm bởi hai lý do. Thứ nhất, các trường hợp không kháng cáo, kháng nghị thì án phúc thẩm không thể sửa án theo hướng gây bất lợi cho bị cáo (không phải chỉ phần tội danh mà cả phần tài sản).

Thứ hai, cấp phúc thẩm xác định tiền gốc cho vay là công cụ, phương tiện phạm tội thì phải xác định nó còn hay không mới tịch thu. Muốn làm việc này thì phải điều tra làm rõ lại, không thể chỉ nhận định rồi ra phán quyết ngay.

Lấy ví dụ trong vụ án giết người, con dao gây án bị cáo đã quăng mất, tòa không thể ép bị cáo phải tìm lại giao nộp cho tòa xử lý vật chứng. Vật chứng chỉ được xử lý khi còn và chứng minh nó có thật.

Theo nguyên tắc hình sự, phương tiện, công cụ phạm tội tòa phải xem xét còn hay mất, nguồn gốc ra sao mới yêu cầu nộp lại, còn thu lợi bất chính thì buộc phải nộp lại, bất kể nguồn gốc. Ví dụ tài xế dùng xe cơ quan đi phạm tội, thu lợi cho cá nhân. Tòa phạt bị cáo và buộc tịch thu phần bị cáo thu lợi nhưng về chiếc xe (phương tiện gây án) thì phải xem xét, tòa chỉ tịch thu nếu nó là xe của bị cáo, nếu nó là xe của cơ quan thì phải trả lại cho đơn vị này.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Vật chứng tồn tại qua lời khai là không ổn

HĐXX có quyền xử lý vật chứng theo luật, cụ thể là tuyên tịch thu phương tiện phạm tội tiền gốc lẫn lãi cho vay nặng lãi để sung quỹ nhà nước. Tuy nhiên, vật chứng ở đây là số tiền mà HĐXX xác định thông qua lời khai các bị cáo cho vay thì liệu có đúng khái niệm vật chứng theo luật định không? Bởi vật chứng phải là những gì hữu hình, mang dấu vết tội phạm. Nếu xác định vật chứng là tiền thì phải xác định tiền này ở đâu, kê biên thế nào, gồm những loại tiền mệnh giá nào. Còn trong trường hợp này, số tiền chỉ qua lời khai, xét cho cùng nó chỉ là nguồn chứng cứ trong vụ án chứ không thể xác định là vật chứng.

Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư
tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Nên hủy án mới đúng

Trong trường hợp này, nếu chưa điều tra làm rõ thì cấp phúc thẩm nên tuyên hủy án điều tra, xét xử lại. Tuyên sửa án ngay như vậy làm bị cáo mất quyền kháng cáo vì án có hiệu lực ngay, gây thiệt hại cho họ. Tôi cũng băn khoăn việc tịch thu tiền thu lợi bất chính thì có phải tịch thu cả tiền gốc không. Bởi trong các vụ án hình sự, ngoài hình phạt tòa cũng tuyên tịch thu vật phạm pháp, phương tiện phạm tội như xe, công cụ gây án... nhưng tiền gốc cho vay thì cần phải xem lại. Tòa phúc thẩm chỉ sửa án khi không ảnh hưởng quyền lợi của bị cáo, người liên quan khác.

Luật sư Lê Thành Kính, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nên kiến nghị giám đốc thẩm giải quyết

Tôi đồng tình với tòa khi xác định tiền gốc cho vay của các bị cáo nhóm này là công cụ, phương tiện phạm tội và cần phải xử lý vật chứng theo hướng tịch thu sung quỹ nhà nước. Bởi vật chứng được xác định như thế nào còn phụ thuộc vào tội danh.

Tuy nhiên, việc tuyên tịch thu ngay số tiền gốc quá lớn như trên mà chưa điều tra làm rõ mà xử lý là vội vã và có thể ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các bị cáo này.

Việc cho vay nặng lãi này là cả một quá trình, không phải giao một cục tiền gốc rồi nhận lại liền một cục tiền lãi ngay mà nó kéo dài qua nhiều lần cho vay, sau đó số tiền cho vay mới được xác định. Nói cách khác, tiền gốc thực chất ban đầu không nhiều nhưng qua nhiều vòng nó gia tăng theo cấp số cộng. Tiền là vật chất mềm nên cần làm rõ để tránh thiệt thòi cho người bị xử lý. Bên cạnh đó, chưa kể đến số tiền gốc cho vay có thể là tài sản chung của vợ chồng, nếu tuyên tịch thu mà chưa làm rõ thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người không phạm pháp.

Theo tôi, nếu án sơ thẩm chưa tịch thu phần gốc thì tòa phúc thẩm không thể sửa án ngay mà cần kiến nghị giám đốc thẩm để giải quyết cho thỏa đáng.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP.HCM

Tòa có quyền tịch thu vật chứng

Nếu xác định số tiền đó là phương tiện phạm tội thì tòa có quyền tuyên tịch thu. Đây là biện pháp tư pháp mà pháp luật trao cho tòa quyền xem xét, đưa ra phán quyết, không phụ thuộc vào ý chí của bị cáo hay người liên quan.

Cạnh đó, cần phân biệt kỹ đây là việc xử lý vật chứng của tòa chứ không phải tội danh, hình phạt hay trách nhiệm bồi thường. Nếu là tội danh, hình phạt và trách nhiệm bồi thường thì mới cần phải xem xét qua hai cấp xét xử. Vì thế việc tòa án cấp phúc thẩm tuyên tịch thu phương tiện phạm tội sung quỹ nhà nước là chính xác. Có rất nhiều vụ án hình sự dù VKS không đề nghị tịch thu nhưng nếu tòa xét tang vật là phương tiện phạm tội thì vẫn có quyền tuyên buộc tịch thu sung quỹ.

TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự
ĐH Luật TP.HCM

Theo Pháp luật TP.HCM

Các tin cũ hơn