Đề xuất của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM về việc "người dân muốn mua ôtô phải chứng minh mình có chỗ đỗ xe" đang khiến nhiều người bất ngờ và gây tranh cãi.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương này sẽ làm khó người dân và không hợp lý. Mặc dù vậy, trả lời chúng tôi, một số người có trách nhiệm và chuyên gia về lĩnh vực giao thông cho rằng, quy định này là cần thiết trong nỗ lực hạn chế phương tiện cá nhân trong nội thành.
Hà Nội có cần áp dụng?
Ông Nguyễn Văn Huyện (Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam)
Ông Nguyễn Văn Huyện (Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam) cho rằng, chủ trương này là phù hợp. Thực tế từ lâu nay, việc thực hiện quy định về chỗ đỗ xe chưa được làm nghiêm. Việc rà soát, siết chặt là cần thiết.
Khi được hỏi quy định này liệu có áp dụng cả Hà Nội, ông Huyện cho rằng, sắp tới, Hà Nội có thể cũng cần xem xét, vì hiện nay lưu lượng xe trong các thành phố này đều rất cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền (Phó Tổng Cục trường Tổng Cục đường bộ Việt Nam) cho biết, theo luật hiện nay, quy định "chứng minh chỗ để xe" mới chỉ áp dụng với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải. Khi đăng ký phương tiện và hoạt động vận tải, các đối tượng này phải có hợp đồng bến bãi. Đối với phương tiện cá nhân, hiện luật pháp chưa có quy định này.
Ông Nguyễn Trọng Thái (Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) cho hay, Ủy ban chưa nhận được thông báo về đề xuất hay văn bản tham khảo ý kiến nào của TP.HCM về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo ông Thái, đây mới chỉ là một ý tưởng trong nỗ lực tìm giải pháp giảm ùn tắc. Để thực hiện điều này, sẽ còn phải nghiên cứu, tính toán nhiều.
Trước câu hỏi liệu Hà Nội có cần áp dụng quy định này, ông Thái cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào đặc thù giao thông của mỗi địa phương.
Trên thực tế, một số quy định được Hà Nội và TP.HCM thực hiện giống nhau, nhưng có quy định TP.HCM làm, mà Hà Nội không làm. Chẳng hạn như quy định đỗ xe ngày chẵn ngày lẻ, TP.HCM áp dụng điều này còn Hà Nội thì không.
Tuy nhiên, áp dụng chủ trương nào vẫn phải phù hợp quy định chung của luật. Vừa quản lý được nhưng phải có lợi cho người dân. Không cẩn thận lại trở thành rào cản.
Vì vậy, theo ông Thái, quy định nhưng phải quản lý được mới là điều đáng bàn. Một bãi đất chỉ đỗ được 3 xe mà lại cấp cho 7 xe thì cũng bằng 0. Cuối cùng xe lại đỗ bừa bãi.
“Tôi nhớ, trước đây hình như Hà Nội cũng từng có quy định về chỗ đỗ xe như vậy. Nhưng sau đó, chủ trương này không thực hiện được” – ông Thái nói.
Có làm khó người dân?
Trả lời chúng tôi về việc Hà Nội có nên thực hiện “chứng minh chỗ đỗ xe và tăng phí” như đề xuất ở TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Linh (Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội) cho biết, hiện Sở chưa có chủ trương gì.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam.
Ông Linh nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn, liên quan đến an sinh xã hội nên phải được nghiên cứu kỹ và phải được Chính phủ xem xét, thống nhất.
Để hạn chế phương tiện cá nhân, có nhiều giải pháp. Đây cũng là một giải pháp trong nỗ lực giảm ùn tắc nói chung. Mỗi giải pháp tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương.
Ông Linh cũng nói thêm, chủ trương liên quan đến đỗ xe là giải pháp giao thông tĩnh. Theo đánh giá, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh hiện nay của Hà Nội chỉ có 5%, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, về nguyên tắc đối với một đô thị, ít nhất phải có 12-15% đất dành cho giao thông tĩnh.
Ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam) cho rằng, cần ủng hộ để xuất của TP.HCM để hạn chế phương tiện cá nhân, kể cả quy định về “chứng minh chỗ đỗ xe” cũng như tăng phí phương tiện vào nội thành. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách làm cụ thể như thế nào sẽ còn phải bàn.
Ông Thanh nêu quan điểm, phải hạn chế ôtô con cá nhân vào thành phố. Cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn hiện này không thể đáp ứng được các loại phương tiện này.
Quy định về “chứng minh chỗ đỗ xe” và tăng phí phương tiện trong nội đô đã được nhiều nước áp dụng để giảm ùn tắc. Phải chấp nhận những giải pháp mạnh tay.
“Nếu cứ để như hiện nay, rồi đến lúc, đường phố cũng không đủ để đỗ xe chứ đừng nói để đi lại” – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải nói.
Về việc có nhiều ý kiến thắc mắc, tại sao nhà nước không xây dựng cơ sở hạ tầng tốt lên mà lại áp quy định cho người dân. Ông Thanh cho rằng, điều quan trọng là kinh phí ngân sách cho cơ sở hạ tầng hiện không đủ. Vì vậy phải chọn giải pháp nào hợp lý nhất.
Ông Thanh còn cho rằng, một khi nhà nước không khuyến khích tăng phương tiện cá nhân thì buộc phải có những rào cản bằng thuế và phí. Điều này không phải làm khó dân mà hoàn toàn hợp lý.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đề xuất áp dụng quy định: người dân muốn mua ôtô cá nhân phải đấu giá quyền mua và chứng minh mình có chỗ đỗ xe. Cơ quan này cũng kiến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí đăng ký,… với phương tiện cá nhân. Mặt khác, theo đề xuất, cần khống chế số lượng xe đăng ký mới hàng năm bằng cách cấp hạn ngạch. |
Theo Khám phá