Những phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Bá Thanh

Thứ sáu, 13/02/2015, 14:46
Với những phát ngôn ấn tượng, ông Nguyễn Bá Thanh đã để lại dấu ấn trong lòng người dân và được coi là một "hiện tượng" năm 2012.

Có những khoản nợ không phải xấu mà là quá xấu

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu: “Có những khoản nợ không phải xấu, mà là quá xấu, không bao giờ có thể đòi được. Một nước nghèo mà không dưới 100 tỷ USD cho nhà đất thì như thế nào? Ngân hàng Nhà nước phải thống kê nghiêm túc, phải phân tích số liệu chính xác thì mới xử lý rõ ràng”.

“Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”

Trong một cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh gây ấn tượng bất ngờ khi đề cập đến một khái niệm được đánh giá là “khá lạ lẫm” nhưng cũng “rất chí lý và thấm thía” đó chính là “văn hóa xấu hổ”. Chuyện xuất phát từ việc “hứa hẹn nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu” hoặc thậm chí không làm mà vẫn hứa với dân của một số cán bộ, ông Thanh nhấn mạnh: “Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”.

Điều đó có nghĩa là, đối với những cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải có lòng tự trọng, sự dũng cảm và trên hết là tinh thần trách nhiệm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể nghĩ mình đã có chức, có quyền thì có hứa rồi không làm cũng chẳng sao, không dễ gì bị mất chức.

Những phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Bá Thanh - Ảnh 1

Với những phát ngôn ấn tượng, ông Nguyễn Bá Thanh đã để lại dấu ấn trong lòng người dân và được coi là một "hiện tượng" năm 2012.

“Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ”

Đây là một phát biểu đáng nhớ, thể hiện rõ khí phách quyết liệt khi làm quan của ông Thanh trong buổi nói chuyện về Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo với cán bộ phụ nữ và trao giải “Chi hội Phụ nữ tiêu biểu” năm 2011 của Đà Nẵng.

Buổi nói chuyện trên gây được nhiều tiếng vang, tạo được nhiều ấn tượng đối với tất cả những người tham dự khi ông tuyên bố: “Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ. Bí thư cấp quận, huyện đến Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, chi hội phụ nữ phải nhận thức đúng tầm quan trọng của quỹ và vào cuộc quyết liệt!”.

"Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt"

Ông Nguyễn Bá Thanh đã tuyên bố như vậy trong buổi nói chuyện với hơn 4.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp xã, phường đến các quận, huyện và sở ban ngành TP Đà Nẵng hôm 24/2/2012, được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình Đà Nẵng.

Tại buổi đối thoại, những vấn đề nan giải, các nguy cơ của bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp ở thành phố Đà Nẵng được ông Thanh đặt ra công khai. Một số kết quả đạt được chưa đủ để tự mãn. Thành phố Đà Nẵng không chấp nhận và cũng không để tình trạng đó kéo dài. Cán bộ ở Đà Nẵng phải phải bứt phá, phải nhìn xa hơn.

Ông Thanh cho rằng, đó cũng là dịp để lãnh đạo chính quyền nhìn nhận lại thái độ, trách nhiệm đối với doanh nghiệp và thấy những việc chưa làm được để có hướng cải thiện, phấn đấu cho mục tiêu thời gian tới.

Nói về triển khai Nghị quyết T.Ư 4 tại Đà Nẵng, ông Thanh cho rằng: “Nguy hiểm nhất là cán bộ tự thấy mình quan trọng, rời xa dân, quan liêu, thiếu trách nhiệm, bệnh thành tích, tự thỏa mãn, ngại va chạm. Lúc đó, dễ nảy sinh việc lạm dụng quyền lực”.

"Đô thị đáng sống chứ không phải thành phố chán sống”

Bí thư thành ủy Đà Nẵng đã tuyên bố như vậy với báo chí trong bối cảnh dư luận xôn xao bàn tán quanh việc chính quyền Đà Nẵng “cấm cửa” dân nhập cư.

Giải thích lý do Đà Nẵng ra Nghị quyết 23 liên quan đến Luật cư trú trên địa bàn TP Đà Nẵng, ông Thanh tuyên bố: “Tôi khẳng định chính quyền Đà Nẵng không có chuyện “cấm cửa” dân nhập cư.

Nghị quyết trên xuất phát từ tình hình một bộ phận lớn dân nhập cư không có nhà cửa, không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự ồ ạt đổ về các quận nội thành, nơi có mật độ dân số đô thị thuộc loại cao nhất cả nước hiện nay, làm sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải; tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, gần 50% các vụ phạm pháp hình sự thời gian qua không phải là dân địa phương. Trước những bức xúc đó, HĐND TP mới có một nghị quyết như vậy”.

Cuối năm 2011, Đà Nẵng vinh dự nhận danh hiệu Thành phố môi trường bền vững ASEAN. Đây là phần thưởng xứng đáng với nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tâm huyết xây dựng “Thành phố môi trường” luôn được thắp lửa bởi ý chí từ phía lãnh đạo thành phố.

Điều đó giải thích lý do vì sao Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng thẳng thừng từ chối tiếp nhận dự án hàng tỷ USD bởi những lo ngại ảnh hưởng về môi trường.

Hành động này được coi là thông điệp khẳng định rằng lãnh đạo thành phố đang và sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường xanh, sạch, đẹp, “đáng sống” với sự phát triển bền vững về môi trường.

Sung sướng mà không học nổi thì quá kém!

Trong buổi nói chuyện với 176 thiếu niên chậm tiến trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đã nói: Ở đời không ai không có sai lầm. Không phải dũng khí là vung nắm đấm hay vác dao ra xử.

Ông liên tưởng đến việc sau này: “Rồi các em sẽ thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè dè bỉu: Hui, cha mi là thằng cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn rồi”.

Ông ví von con trâu có sừng nhọn, mỗi lần húc nhau lòi ruột ra. Con người ta có ý chí, có ý thức nên không thể vì chuyện gì cũng vác dao ra đâm chết người. Nếu các em học không nổi thì chuyển sang học nghề, để biết đổ mồ hôi nước mắt kiếm tiền là gì. Đừng để "nhàn cư vi bất thiện".

Ông Thanh so sánh việc học của các thời với nhau để thấy được những cái được và chưa được của học sinh bây giờ: “Hồi chú đi học phải nhịn ăn, viết bút bằng tre cũng ráng. Giờ các cháu được sung sướng mà không học nổi thì quá kém!”

Kết thúc buổi nói chuyện, ông Thanh nói: “Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều trường học nhất. Ở đó, các cháu có bạn bè, thầy cô và một tương lai sáng lạn. Nếu các cháu không chọn trường học, không còn cách nào khác là chú phải cho mở rộng Trại giam Hòa Sơn ra 5ha nữa để đón các cháu. Các chú chỉ muốn khuyên các cháu chứ nếu phải bỏ tù các cháu, chú đau lắm".

Theo NĐT

Các tin cũ hơn