Làng mai Thủ Đức… trước giờ G

Thứ sáu, 13/02/2015, 16:04
Sau 3 năm liên tiếp bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh, khô hanh cùng nạn triều cường dâng cao làm vỡ bờ bao sông Sài Gòn khiến hàng trăm hécta đất trồng mai ngập úng, dẫn đến tình trạng hàng loạt vườn mai nở bông sớm tràn lan, người trồng thất thu, năm nay làng mai Thủ Đức (phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) có nhiều tín hiệu vui.

Các bậc cao niên làng mai cho biết nhờ thời tiết ổn định, mai cho nụ sum suê, dân làng mai ai cũng phấn khởi chờ Tết… Dầu vậy bên cạnh niềm vui, nhiều chủ vườn mai đang trong tình cảnh căng như dây đàn vì phải đối mặt với nạn… “mai tặc” lộng hành.  

Một năm thiên thời địa lợi…

Chúng tôi ghé thăm vườn mai của ông Trương Hoàng Thu (SN 1966, ngụ khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) khi nghệ nhân làng mai này đang chỉ dẫn 30 công nhân nhặt lá cho mai đơm nụ.

Hơn 20 năm làm kinh tế về loài cây có hoa vàng rực mang sắc xuân mỗi dịp xuân về với "vốn liếng" gần 4.000 gốc mai trên diện tích 8.000m2, ông Thu là người trồng nhiều mai nhất trong vùng nên được người dân nơi đây phong là "chúa mai".

Rót chén trà nóng mời khách, ông Thu nói: "Năm nay thời tiết ấm áp, cây mai phát triển tốt, từ giờ đến Tết mà khí hậu duy trì thế này thì người trồng mai chúng tôi sẽ vớt vát phần nào thua lỗ của các năm trước.

Bao nhiêu năm sống bằng nghề trồng mai, năm nay tôi đánh giá là một trong những năm "thiên thời địa lợi" nhất. Bởi từ khi bước sang tháng Chạp là khí hậu chuyển sang mát mẻ, ban ngày trời nắng ấm, có gió nhẹ, về đêm trời lạnh và lại có sương nhiều.

Những điều kiện trên rất tốt cho mai đơm nụ  trong dịp Tết. Dù mình chăm sóc tốt, bón phân diêm đầy đủ… cũng không bằng thiên nhiên ưu đãi, sương về đêm là nhân tố quyết định cho nụ mai phát triển, nụ mai nhiều, sum suê, cánh mai nở có đẹp hay không là quyết định do sương".

saigon, làng mai, hoa mai, Thủ Đức, hoa tết, mai vàng, nhà vườn
Bên cạnh niềm vui thiên thời địa lợi, nhiều chủ vườn lo canh cánh nạn “mai tặc” hoàng hành. Trong ảnh: ông Thu bên một gốc mai quý lo sợ bị… trộm rinh.

Hơn chục ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, nhưng thị trường mai Tết ở Thủ Đức đã nhộn nhịp. Lúc này từ khắp mọi nơi, thương lái tấp nập tìm về xem mai, nhiều người sau khi chọn xong đã đặt cọc tiền mua cả vườn mai hàng trăm cây.

Sau khi tiết lộ mỗi năm người trồng mai ở Thủ Đức đưa ra thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… hàng triệu cây mai với đủ giống loại, kích cỡ, ông Thu quay trở lại câu chuyện thiên thời.

Ông nói, những năm trước, khí hậu rất khắc nghiệt, ban ngày trời lạnh nhưng không có gió, về đêm lại rất ít sương, dẫn đến việc nụ mai bị chai không bung hoa được.

Năm ngoái để vớt vát phần nào thua lỗ một năm bỏ công bỏ sức, ông Thu chọn gần 200 cây mai khá nhất trong hàng ngàn cây để bán ra thị trường.

Nhưng để kích thích những cây mai này nở đúng ngày Tết, gia đình ông phải kỳ công chong đèn điện gần các nụ, tưới nước ấm nhiều lần vào gốc mai. Năm nay, cái cảnh chong đèn ấy không còn nữa.

Được biết những ngày qua, ông Thu bán cho các thương lái gần 300 gốc mai, hiện ông đang chọn trên 500 gốc mai đưa lên Bình Dương, và TP.HCM để bán Tết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện làng mai Hiệp Bình Phước chỉ có ông Tư Địa (SN 1968) là trồng mai ghép, mai giảo (mai trên 20 cánh-PV) và đưa vào chậu sẵn từ khi cây mai còn nhỏ.

Giải thích về việc trồng loài mai độc tôn này, ông Tư Địa cười nói, ngày trước ông cũng trồng mai vàng năm cánh như những hộ dân khác, nhưng do diện tích đất gia đình ông sở hữu ít, mai bán không được lời nhiều nên ông chuyển sang trồng ghép mai giảo.

Ngoài niềm đam mê thì giá mỗi chậu mai giảo bán ra gấp hàng chục mai năm cánh bình thường nên ông Tư rất kết trồng giống mai này. Về kỹ thuật trồng, ghép mai giảo, ông Tư Địa bật mí: "Muốn có một cây mai ghép bắt mắt về hình dáng, hoa nở vàng rực, sum suê tốn rất nhiều công sức. Nhiều năm liền tôi đi học kinh nghiệm từ những người đi trước, tìm mua những hạt giống tốt về ươm mầm lai giống để dành. Gốc mai ghép hầu hết là mai tứ quý và những gốc mai năm cánh bình thường nhưng tuổi đời phải trên 10 năm, bởi mai lâu năm mới đủ sức nuôi dưỡng những cành mai giảo từ 20 cánh trở lên mà mình ghép vào".

Phấn khởi như những người trồng mai khác, ông Tư Địa cho biết, thời tiết năm nay rất thuận lợi, khoảng 10 ngày nữa nếu khí hậu không biến đổi đột ngột thì ông sẽ đưa ra thị trường khoảng 55 chậu mai lớn, với số tuổi mỗi cây đều trên 15 năm, giá từ 16 đến 20 triệu đồng/ chậu.

Ngoài ra, ông còn tung ra thị trường những chậu mai giảo, ghép mini khác với giá mềm hơn, chỉ khoảng vài trăm nghìn một chậu.

Trồng mai lời hơn… trồng lúa

Nhớ lại những năm trước, chúng tôi có mặt tại làng mai Hiệp Bình Phước và chứng kiến không ít cảnh đau lòng của người trồng mai.

Cùng thời điểm này hàng chục hộ trồng mai đứng ngồi không yên do triều cường, khí hậu không thuận lợi… dẫn đến việc mai bị ngập úng, nở sớm, nở muộn.

Có những vườn chưa đến Tết mà mai bung hoa nở rộ gần hết, điển hình là vườn mai của ông Ba Lê, hơn 3.000 gốc mai của ông nở bung nụ đến 70%, hay vườn mai của ông Lê Văn Đức bị ngập úng nặng nề trong các đợt triều cường, khoảng 2.000 cây ngập tới cả ngọn.

Từ một vườn mai rộng hàng ngàn mét vuông đang xanh tốt, nụ chi chít nhanh chóng bị tàn phá, vô số cây bị chết do thối rễ, nhiều cây đang trổ bông, vỏ thân cây bị tóp lại dính đầy bùn đất và nửa phần dưới cây rụng hết lá.

Phần trên những chiếc lá xanh mới đâm chồi non cùng những chiếc lá vàng úa yếu ớt do lâu ngày bị ngập còn dính lại trên cành, chỉ cần lay nhẹ, hay một cơn gió lướt qua cũng đủ làm lá rơi xuống lả tả…

Theo những người sống lâu năm ở làng mai Hiệp Bình Phước cho biết, ngày trước nơi đây là những cánh đồng ruộng lúa do ở gần sông Sài Gòn, bờ bao, không được xây dựng kiên cố nên liên tục bị vỡ khiến người dân bị thiệt hại, lỗ triền miên nên họ chuyển sang trồng mai.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng một phần do thổ nhưỡng và khí hậu vùng đất này phù hợp với loài cây báo hiệu mùa xuân về, nên từ đó những cánh đồng lúa dần dần thay thế cho những ruộng mai trồng theo hàng thẳng tắp.

saigon, làng mai, hoa mai, Thủ Đức, hoa tết, mai vàng, nhà vườn
Mai đơm nụ đủ đầy nên các chủ vườn phấn khởi.

Hơn 20 năm trồng mai, ông Ba Xê (SN 1945) cho rằng việc trồng mai dù năm được năm mất, nhưng nhìn chung cây mai mang lại thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.

Theo quy trình trồng thì cứ cách 1m2 đất trồng được một cây mai, trồng khoảng 3 năm là cây đủ lớn để bán ra thị trường, giá bán mỗi cây từ 300-400.000 đồng, nhưng nếu trồng lúa cũng trong 1m2 đất đó trong 3 năm thì chỉ được 6 giạ lúa (một năm trồng được hai vụ), nếu đem bán không tới 300.000 đồng.

Cũng theo ông Xê, trồng mai ngoài việc đem lại lợi nhuận về kinh tế  thì nó còn là thú chơi tao nhã dành cho những người đã có tuổi như ông.

Không những vậy, những ngày Tết đến xuân về, niềm vui lớn nhất của ông là chọn ra những cây mai đẹp nhất do chính tay mình trồng để tặng cho người thân, bạn hữu.

Đến với làng mai Thủ Đức trong thời khắc xuân gần kề này, chúng tôi như được sống trong không khí sôi động và náo nhiệt từng giờ, người mua kẻ bán tấp nập.

Cứ từ tờ mờ sáng, hàng chục thương lái đã lội xuống ruộng mai để xem, nhiều thương lái mới vào nghề còn thuê cả người có kinh nghiệm về mai để nhờ họ chọn giúp.

Anh Nguyễn Kiên (SN 1980), một thương lái cầm cây cọ nhúng sơn quệt dưới những gốc mai mà anh chọn mua của chủ vườn là bà Phạm Thị Hai cho biết, năm nay mai ra nụ nhiều mà mập mạp chứ không èo uột như các năm trước.

Sau hai ngày tuyển chọn, sàng lọc, anh Kiên đặt cọc mua của các nhà vườn khoảng 700 cây mai được xem là hạng nhất.

Anh bảo: "Không chỉ riêng tôi, các thương lái khác cũng mua rất nhiều, chính vì vậy mà chắc chắn thị trường mai Tết năm nay sẽ sôi động hơn mọi năm, nhưng giá mai bán ra có thể mềm hơn bởi sự cạnh tranh, người mua tha hồ mà chọn mai có dáng thế đẹp".

saigon, làng mai, hoa mai, Thủ Đức, hoa tết, mai vàng, nhà vườn
Mai đơm nụ đủ đầy nên các chủ vườn phấn khởi.

Mất ăn mất ngủ vì "mai tặc"

Như đã nói ở trên, bên cạnh niềm vui mai được mùa thì càng cận đến cuối năm không riêng gì người trồng mai ở Hiệp  Bình Phước, nhiều nhà vườn trồng mai ở các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (quận 12) cũng đứng ngồi không yên, có nhà vườn thậm chí điêu đứng vì nạn mai kiểng bị mất trộm.

Điều đáng nói, nhiều nhà vườn bị mất mai do khách gửi dưỡng phải bỏ tiền túi ra đền hoặc thế vào một cây mai khác với giá hàng chục triệu đồng cho khách.

Dẫn chúng tôi ra ngoài bìa vườn, ông chủ vườn Trương Hoàng Thu chỉ vào gần 10 cái hố, nói: "Trong số các cây mai bị trộm, điều tôi đau xót nhất là có những cây do bạn bè thân thiết gửi nhờ mình chăm sóc, giờ mất rồi không biết ăn nói với người ta ra sao. Nhiều người thông cảm thì không sao, nhưng cũng có người nghĩ thế này thế nọ, không tốt về mình. Vừa qua, tôi mua thêm 2 con chó nữa tăng cường cho đàn chó nhà để canh giữ vườn mai.

Còn ông Tư Địa thì lo lắng: "Mai trồng dưới đất trộm còn khó khăn, may ra còn thời gian mình phát hiện tri hô, chứ mai trồng trong chậu chúng thường đập vỡ chậu rồi khiêng đi lẹ lắm. Những ngày này gia đình tôi chong điện, dùng xích sắt khóa vào gốc mai và thay nhau canh giữ suốt đêm, chứ trộm không đập chậu mang đi thì cũng dùng kìm cắt các nhánh mai có nụ nhiều. Chăm sóc mai cả năm mà nhỡ mất đi một chậu là xem như năm đó trắng tay".

Những người trồng mai cho biết, vào dịp Tết, hầu hết các vườn mai của họ đều bị "mai tặc" ghé thăm. Càng ngày kẻ trộm càng manh động, chúng tìm đủ mọi thủ đoạn để trộm cho bằng được mai, do đó không ít vụ "mai tặc" dùng thức ăn khống chế chó canh vườn, thậm chí chúng còn dùng cả bả chó, roi điện… để sát hại con vật.

Vừa qua vườn mai của ông Nguyễn Tấn Lợi, phường An Phú Đông, quận 12 bị trộm dùng kìm bấm đứt dây kẽm gai rào quanh vườn khiêng đi 30 chậu mai loại "khủng" trị giá hơn 30 triệu đồng.

Ông Lợi cho biết, hàng thép gai nhà ông rất kiên cố, cứ vài mét là lắp bóng đèn bật sáng suốt đêm. Cả đêm đi tuần mệt mỏi, cho tới lúc gà gáy, nghe tiếng người í ới đi chợ thì ông mới nằm chợp mắt khoảng 20 phút vậy mà kẻ gian mò vào, khi ông phát hiện thì chúng đã cao chạy xa bay. 

Vẫn chưa hết buồn, ông Nguyễn Tấn Phát, ngụ xã An Phú Đông, quận 12 giãi bày, vào đêm 20/12, "mai tặc" đột nhập vào vườn nhà ông đập bể chậu lấy đi 20 gốc mai thuộc hàng mai đẹp.

Theo ông Phát, số mai trên nếu bọn chúng bán ra thị trường không dưới 100 triệu đồng. Điều đau xót hơn là gần một nửa trong số mai bị mất trộm là mai của khách gửi chăm sóc, hiện ông Phát đang liên lạc để thỏa thuận đền bù cho họ.          

Ngoài yếu tố tự nhiên ra thì hiện tượng “mai tặc” lộng hành, khiến người trồng mai Tết ăn không ngon, ngủ không yên, vì thế lực lượng công an địa phương cần có biện pháp mạnh để triệt phá vấn nạn này.

Theo CAND

Các tin cũ hơn