Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, đứng thứ ba châu Á và thứ nhất Đông Nam Á. Ảnh minh họa: AFP |
Chỉ chưa đầy nửa đôla một cốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có giá bia rẻ nhất thế giới. Trong những năm gần đây, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn của Việt Nam tăng nhanh vào bậc nhất thế giới.
Người Việt Nam trước kia chủ yếu thưởng thức những ly bia, chén rượu của họ tại các quán nhỏ ven đường. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển nhanh đã mang đến những lựa chọn mới cho người dân ở quốc gia không có khái niệm cụ thể về chứng nghiện rượu này, theo AFP.
Các quán bar chủ yếu vẫn là nơi người nước ngoài và một bộ phận dân cư có thu nhập cao thường lui tới. Một số câu lạc bộ bia sang trọng hơn mọc lên thời gian gần đây đang trở thành điểm đến mới cho giới trẻ.
"Uống rượu là phải say. Nếu không say thì khác gì vứt tiền đi", AFPdẫn lời anh Vo Van Bao, 21 tuổi, nói bên ngoài một quán bia khá nổi tiếng mà anh thường đến cùng bạn bè mỗi thứ năm hàng tuần.
Chủ cửa hàng khẳng định anh mở quán chỉ nhằm mục đích tạo một không gian thân thiện cho đối tượng khách hàng là các gia đình. "Tôi mong muốn mọi người, các khách hàng, đến câu lạc bộ bia của tôi, thưởng thức chút đồ ăn, uống một chút bia, vui vẻ với bạn bè rồi ra về", anh nói. Dẫu vậy, trong khu vệ sinh của quán, vẫn có hẳn một khu vực để khách hàng nôn mỗi khi say xỉn.
Việt Nam là nước tiêu thụ bia đứng đầu Đông Nam Á và xếp thứ ba ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc, theo số liệu mà ngành công bố. Trong 10 năm qua, tỷ lệ người uống bia ở Việt Nam tăng 200%.
Việt Nam vẫn chưa lọt vào top 100 toàn cầu nếu xét về lượng bia rượu tiêu thụ tính theo đầu người, còn kém xa các nước như Nga, Anh và Pháp, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhưng ông Phuong Nam Nguyen, quan chức của WHO tại Việt Nam, thì cho rằng con số này không phản ánh đúng thực trạng bởi chỉ chưa đầy 2% phụ nữ Việt Nam uống bia rượu. Điều này có nghĩa, một phần tư nam giới đang tiêu thụ bia ở mức "gây nguy hiểm", tức là trên 6 cốc một lần, theo nghiên cứu của WHO.
"Đó là một thách thức nghiêm trọng về sức khỏe đối với Việt Nam", ông Phuong nói. "Có rất nhiều hệ lụy kèm theo, như vấn đề bệnh tật, tai nạn giao thông, hay bạo lực gia đình".
60% các vụ bạo hành gia đình ở Việt Nam có liên quan đến bia rượu, theo một nghiên cứu của chính phủ. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ bia rượu quá mức còn dẫn tới sự gia tăng của các loại bệnh nguy hiểm như ung thư, xơ gan hay tiểu đường.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng ở Hà Nội, lượng bia rượu tiêu thụ trong dịp Tết đã đạt gần 200 triệu lít.
Uống bia rượu trở thành một phần văn hóa của Việt Nam. Người dân ở đây thường có câu "nam vô tửu như kỳ vô phong", ý nói đàn ông không biết uống bia rượu thì không làm được việc gì. "Tư tưởng này đã ăn sâu vào văn hóa của chúng tôi nên sẽ tốn rất nhiều thời gian để thay đổi nó", ông Phuong cho biết.
Người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng ba tỷ lít bia mỗi năm. Vì thế buôn bán, sản xuất bia rượu là một ngành kinh doanh lớn mạnh. Hầu hết các tỉnh thành lớn đều có hãng bia riêng.
Vào giờ nghỉ trưa hôm 11/2, ông Nguyen Van Thanh, kiến trúc sư xây dựng, 42 tuổi, lại tụ tập cùng bạn bè tại một quán bia. Khoảng 10 chai bia rỗng nằm la liệt quanh bàn ăn của họ. "Tôi uống mỗi ngày, hôm thì bia, hôm lại rượu mạnh. Tôi biết làm vậy không tốt cho sức khỏe nhưng khó mà từ bỏ thói quen đó được", ông chia sẻ.
"Nhiều khi tôi bắt buộc phải uống mới có thể hoàn thành công việc. Khó lòng mà từ chối khi bạn được mời tới một bữa nhậu. Chúng tôi vẫn bảo nhau rằng, không rượu thì còn gì là tiệc", ông Thanh nói.
Theo VnExpress