Chị Khoa, ông Namita Masanobu và con trai - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Chuyện tình “phố Tây”
Theo trình bày của chị Trần Thị Mai Khoa (29 tuổi, ngụ TP.HCM), năm 2012 khi đang làm việc cho một khách sạn ở khu phố Tây (TP.HCM), chị tình cờ gặp gỡ và quen ông Namita Masanobu (45 tuổi, người Nhật). Ông Namita giới thiệu đang làm việc cho Công ty Alcatel ở Tokyo - Nhật Bản, sang VN du lịch. Ông còn kể rất bất hạnh trong chuyện hôn nhân, bị vợ phản bội, ngoại tình nên hai người đã ly hôn. Sau đó, ông chủ động kết thân với Khoa. Trước sự chăm sóc tận tình, Khoa có cảm tình, đem lòng yêu thương người đàn ông Nhật.
Chuyến du lịch kéo dài nửa tháng kết thúc, ông Namita rời VN nhưng vẫn giữ liên lạc. “Hằng ngày, chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau, nhìn thấy nhau qua webcam. Có những lần nói chuyện suốt cả đêm. Vì vậy, tôi tin tưởng ông ấy hiện độc thân, nên không ngần ngại trao thân khi hai người gặp lại nhau”, chị Khoa nói trong nước mắt.
Không chỉ giữ liên lạc hằng ngày, cứ vài tháng ông Namita lại đến VN thăm và sống với Khoa. Namita còn thuê một chỗ ở tươm tất cho Khoa, chu cấp đầy đủ tiền bạc và hứa hẹn sẽ kết hôn... “Giờ nhớ lại, tôi thấy ông ấy rất chủ động trong chuyện quan hệ, thuyết phục tôi có con. Ông ấy từng tuyên bố bằng mọi giá sẽ làm cho tôi mang thai. Giờ tôi mới biết, tất cả chỉ là kịch bản được ông ấy dàn dựng kỹ càng, hoàn hảo…”, chị Khoa kể.
Đầu 2013, Khoa báo tin cho ông Namita biết đã mang thai và hy vọng về ngày đám cưới giữa hai người. Lập tức, Namita sang VN, bày tỏ sự vui mừng, động viên tinh thần, nhưng đề nghị Khoa giữ bí mật chuyện mang thai bởi “chưa thể kết hôn ngay”. “Lần này, ông ấy thú nhận là thủ tục ly hôn với người vợ cũ chưa xong, do bị vợ cũ gây khó khăn. Nhưng ông vẫn nói vợ chồng ông đã đường ai nấy đi, ông đã chuyển sang Đài Loan sinh sống một mình”, Khoa cho biết thêm.
Kịch bản hoàn hảo!
Chị Khoa vẫn tin vào người cha của đứa bé trong bụng cô và làm theo những gì ông ta bảo. Nhiều lần chị cùng Namita đến Lãnh sự quán Nhật Bản ký giấy tờ, mà theo ông này nói là thủ tục kết hôn, bảo lãnh... Tuy nhiên, mọi giao tiếp với nhân viên lãnh sự quán đều do Namita thực hiện, Khoa chỉ được ông ấy phiên dịch lại bằng tiếng Anh.
Tháng 11/2013, Khoa sinh một bé trai kháu khỉnh, đặt tên Trần Nhật Minh. Chỉ 1 ngày sau khi Khoa sinh, ông Namita sang VN và nói với Khoa: “Chính phủ Nhật Bản có quy định buộc phải đem đứa bé về Nhật vài tháng thì họ mới công nhận đứa bé”. Ông ta còn nói phải đem con đến Lãnh sự quán Nhật Bản để làm các thủ tục nhận con, chuẩn bị cho việc kết hôn về sau với Khoa.
Nghe có vẻ hợp lý nên Khoa đồng ý làm theo những gì Namita nói, đến Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM ký tiếp vào một số giấy tờ bằng tiếng Nhật mà cô không biết nội dung trong đó là gì.
Tháng 4/2014, ông Namita trở lại VN. “Ông ấy nói mẹ vừa bị té chấn thương nghiêm trọng sợ không qua khỏi; cha thì rất già không thể đi được máy bay. Ông năn nỉ tôi cho ông một mình đưa đứa bé về Nhật nhìn mặt ông bà lần cuối. Trước vẻ đau khổ của ông ấy, tôi đã đồng ý để ông đem con đi”, Khoa kể và bật khóc: “Tôi thấy Lãnh sự quán có giao cho ông ấy hộ chiếu, tôi nghi là của con tôi. Ngày 13/4/2014, tôi giao con cho ông Namita đưa sang Nhật, từ sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc đó, đứa bé mới chỉ 6 tháng tuổi. Đến nay, tôi không biết con mình đang ở đâu, có khỏe mạnh hay không vì ông ta đã cắt đứt liên lạc với tôi”.
Theo chị Khoa, trong một lần hiếm hoi liên lạc được vào tháng 9/2014, ông Namita thú nhận tất cả chỉ là một màn kịch do ông dựng lên. Sự thật là vợ ông bị vô sinh nên ông đã chi một khoản tiền rất lớn để có con mang dòng máu của ông. Ông này còn đe dọa nếu Khoa làm lớn chuyện thì sẽ tung những hình ảnh “mát mẻ” thời hai người còn mặn nồng lên mạng. “Sau này tìm hiểu tôi mới biết ông Namita từng sang VN nhiều lần trước khi gặp tôi. Ông từng quan hệ với nhiều phụ nữ để có con nhưng không đạt được mục đích”, Khoa chua chát.
Khoa đã gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi với hy vọng tìm được sự giúp đỡ để đem con về nhưng chưa có kết quả. Thông qua sự giúp đỡ của luật sư Takashi Maruyama ở Nhật, Khoa được cung cấp thông tin con trai của cô với ông Namita nay đã mang tên Namita Atsuhiro và đã là con của một phụ nữ Nhật tên là Masami. “Tuy nhiên, hiện cả ông Namita và người phụ nữ tên Masami đều đang ở Đài Loan nên luật sư người Nhật không thể can thiệp hay giúp đỡ gì được”, chị Khoa cho biết. Cầm địa chỉ của ông Namita ở Đài Loan, Khoa đã đến Trung tâm văn hóa Đài Bắc để xin visa sang Đài Loan tìm con nhưng không được cấp.
Nhiều phụ nữ bị lừa do kẽ hở pháp luật
Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết có rất nhiều phụ nữ VN bị những người đàn ông ngoại quốc lừa gạt để sinh con, rồi họ đưa trẻ xuất cảnh bằng cách tương tự. “Nguyên do luật pháp vẫn còn kẽ hở, hễ đứa bé có hộ chiếu nước ngoài (được lãnh sự quán cấp) là có thể xuất cảnh qua cửa khẩu không gặp trở ngại gì. Thay vì theo đúng thủ tục đứa trẻ phải được làm khai sinh ở xã phường rồi người cha làm thủ tục nhận con ngoài giá thú ở Sở Tư pháp”, luật sư Hà Hải nói.
Trường hợp của chị Khoa, theo luật sư Hà Hải, có thể ủy quyền cho luật sư VN sang Đài Loan thu thập thêm chứng cứ về hành vi phạm pháp của ông Namita, nộp đơn thỉnh nguyện chính quyền hỗ trợ cấm ông Namita xuất cảnh, không được di chuyển đứa bé và phối hợp giải quyết theo quy định pháp luật để giao trả đứa bé cho chị Khoa. Luật sư Hải cho rằng, ông Namita đã vi phạm luật pháp VN, Nhật Bản và Đài Loan, vì có dấu hiệu lừa đảo hôn nhân, chiếm đoạt trẻ em.
|
Theo Thanh Niên