- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa công khai trang Facebook chính thức để lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của người dân. Giáo sư bình luận như thế nào về hành động này?
- Tôi tin là người dân hoan nghênh việc làm của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Nó chứng tỏ Bộ trưởng đang tìm cách để lắng nghe được nhiều ý kiến của người dân, để gần dân hơn.
Bộ trưởng Y tế là phụ nữ nhưng đã có bước đi rất dũng cảm. Y tế là một ngành nóng, cán bộ, nhân viên đông, bệnh nhân còn đông gấp bội, thành công nhiều nhưng khó khăn, sai sót cũng không ít.
Khi công khai trang Facebook, có thể Bộ trưởng sẽ chuốc lấy phiền phức như bị cư dân mạng “tấn công”, phê phán. Nói như ngôn ngữ của cư dân mạng là bị “ném đá”.
Lúc đó, liệu Bộ trưởng có kiên nhẫn giữ Facebook và có cách ứng xử hợp lý không? Tôi nghĩ, bà Tiến có thể đã lường trước được những việc này và quyết mở Facebook vì mở được vẫn có lợi hơn cho công việc.
Ở góc độ khác, Bộ trưởng Tiến đã đánh giá được sức mạnh của truyền thông mạng. Chính khách bây giờ không thể không quan tâm tới các thông tin trên mạng xã hội. Ngày càng có nhiều trường hợp thông tin trên mạng xã hội đang dội ngược vào các dòng thông tin chính thống.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội). Ảnh: Công Khanh. |
- Có người lo ngại Bộ trưởng rất bận rộn, ít có thời gian để giao lưu và xử lý thông tin trên Faecbook. Liệu việc công khai như vậy có đi vào hình thức?
"Bộ trưởng Tiến đã đánh giá được sức mạnh của truyền thông mạng. Chính khách bây giờ không thể không quan tâm tới các thông tin trên mạng xã hội" - ông Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ. |
- Công việc của một Bộ trưởng rất bận rộn nên để thường xuyên đọc ý kiến, giao lưu với người dân là không đơn giản. "Bộ trưởng Tiến đã đánh giá được sức mạnh của truyền thông mạng. Chính khách bây giờ không thể không quan tâm tới các thông tin trên mạng xã hội" - ông Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ. Vì thế tôi cũng lo ngại, không biết Bộ trưởng có “nuôi” được trang Facebook của mình không? Giả sử “nuôi” được rồi, nhưng có xử lý được các thông tin mà người dân phản ánh hay không? Nếu không làm được những điều đó, tới nửa chừng lại phải đóng Faceook thì rất dở.
Để giải quyết những khó khăn này, Bộ trưởng phải có một đội ngũ trợ lý tiếp nhận, xử lý thông tin.
- Thưa giáo sư, phải chăng các chính khách nên có trang cá nhân trên mạng xã hội để tiếp xúc với người dân?
- Chính khách có trang cá nhân trên mạng xã hội là điều đáng hoan nghênh, bởi đây là một cánh cửa để họ tiếp xúc với người dân, lắng nghe dân. Ở nước ngoài, việc này bình thường.
Mỗi người dân đều hy vọng họ được lắng nghe và được giải quyết những nguyện vọng chính đáng. Ngược lại, qua mạng xã hội, chính khách cũng có thể giải thích những điều mà người dân hiểu sai, những nguyện vọng tuy đúng nhưng chưa có điều kiện thực hiện.
Trong trường hợp phát hiện chính sách, pháp luật không phù hợp nhưng vượt quá thẩm quyền giải quyết của mình, chính khách có thể kiến nghị với các cấp cao hơn để sửa đổi.
Hình ảnh đại diện trên trang Facebook cá nhân của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Trang cá nhân của bà đã có tới 130.000 lượt thích (like). Ảnh: FB Bộ trưởng Y tế. |
- Ở góc nhìn khác, nhiều ý kiến cho rằng, năng lực của mỗi chính khách bộc lộ qua những việc làm thực tế thay vì các hoạt động bề nổi. Ông nghĩ sao?
- Thực tế, điều người dân đòi hỏi ở một chính khách là kiến tạo các chính sách có lợi cho nước cho dân, là tác phong gần dân và không cho phép cấp dưới coi nhẹ quyền lợi của dân, vòi vĩnh dân, hách dịch với dân. Bên cạnh những hành động như vậy, nếu chính khách cởi mở, sử dụng mạng xã hội và các hình thức khác để giao lưu với người dân thì càng đáng hoan nghênh.
Như trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh, dù không sử dụng mạng xã hội nhưng vẫn được người dân yêu mến, bởi ông Thanh làm được nhiều việc có lợi cho dân, sẵn sàng tiếp xúc, đối thoại, giải thích có lý có tình để người dân đồng thuận với chủ trương của lãnh đạo. Người dân có thiệt một chút vẫn hài lòng nếu thấy mọi chuyện minh bạch và công bằng.
Trong xã hội luôn có nhiều tâm trạng, người dân có lúc căng như quả bóng. Sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với người dân là một cách để công bộc của dân xì hơi quả bóng đó, góp phần làm cho cuộc sống dễ chịu hơn.
Đầu năm 2015, tại hội nghị tổng kết của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải “bảo đảm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và cung cấp thông tin cho công chúng”. Theo Thủ tướng, hiện, lĩnh vực thông tin không chỉ có các loại hình báo chí truyền thống (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) mà còn có mạng xã hội. “Điện thoại bật ra là có, lên Facebook là đọc được thông tin, mấy chục triệu người dùng Internet và mạng xã hội rồi. Vậy thì làm sao để thông tin chính thống của chúng ta cũng lên mạng xã hội? Chúng ta không ngăn và cũng không cấm được đâu, quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác kịp thời để người ta có lòng tin đúng, ai nói thì nói trên mạng nhưng đây là thông tin chính thống của Chính phủ", Thủ tướng nói. |
Theo Zing