Khu vườn ươm Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp quản lý cắt sửa cây xanh (Công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội), nằm trên đường K2, cách quốc lộ 32 vài trăm mét, rộng hàng chục hecta, là điểm ươm, trồng và tập kết những cây xanh được đánh chuyển trên các tuyến phố của thủ đô.
Khu vườn ươm này cũng là nơi tập kết thân, cành của những cây bị chặt hạ trên các tuyến phố. Tại đây có hai kho gỗ, một nằm sát với nhà dân rộng vài trăm m2, sát đường K2, tập trung thân cành nhỏ, mục nát.
Một điểm tập kết khác rộng hơn, nằm giữa khu vườn ươm với diện tích hàng chục nghìn m2 có hai lối dẫn vào, một hướng từ đường K2, Cầu Diễn (đây là đường chính) và một hướng từ đường lớn Hàm Nghi. Đây là điểm tập kết gỗ duy nhất của Công ty Công viên cây xanh.
Đoạn đường dài cả trăm mét chất đống cành và gỗ xà cừ, có khúc có đường kính hơn 100cm. Theo lãnh đạo của Công ty Công viên cây xanh, khu vực này dùng để chứa gỗ và cành củi thu được sau khi chặt cây chết, sâu bệnh, gãy đổ hoặc có nguy cơ đe dọa an toàn của người dân.
Từ cuối năm 2014, một lượng lớn gỗ xà cừ thu được sau khi tiến hành chặt hạ hơn 400 cây phục vụ các dự án đường tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội được tập kết về đây. Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh, củi gỗ thu hồi công ty không được tổ chức đấu thầu.
Giá trị một mét khối gỗ tùy theo từng thời điểm trung tâm thẩm định giá Sở Tài chính đưa ra. “Sau một quý, thường là 3 tháng. Công ty báo cáo Sở Tài chính, Sở giới thiệu một công ty đấu thầu, công ty này đứng ra tổ chức thông báo đến các tổ chức, cá nhân muốn mua củi gỗ đến đấu thầu. Tiền đấu thầu thu được sau đó nộp vào ngân sách”.
Những cây có đường kính thân lớn hơn 30cm không bị sâu mục sẽ được bán đấu giá. Những khúc gỗ xà cừ bị cưa ngắn như trong ảnh được cán bộ của công ty lý giải là do địa hình lúc chặt hạ bị hạn chế nên phải cắt khúc để dễ di chuyển và đảm bảo an toàn.
Cả hai lối cổng vào của khu tập kết thân gỗ này được canh giữ nghiêm ngặt. "Ai muốn vào đây phải xin lệnh cấp trên. Nếu tự ý đưa người vào là tôi mất việc", nhân viên bảo vệ này cho hay.
Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội, có 128 cây hoa sữa nằm trong đề án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội sau khi cắt lá, tỉa cành được chuyển về chăm sóc tại khu đất cạnh đường Hàm Nghi.
Toàn bộ thân cây được bọc bằng bao dứa màu đen và chăm tưới thường xuyên. Một số công nhân cho biết, làm như vậy là để giữ ẩm cho cây, kích thích quá trình sinh trưởng. Những cây này sẽ được mang đi trồng bổ sung ở các vị trí khác khi đã phát triển ổn định.