Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la sáng 30-5.
Mở đầu phiên toàn thể đầu với nội dung “Mỹ và các thách thức đối với an ninh Châu Á – Thái Bình Dương”, ông đã lên tiếng chỉ trích các hoạt động lấn đất của Trung Quốc trong 18 tháng qua là vượt “hơn tất cả các nước liên quan và hơn tổng tất cả hoạt động (lấn đất) lịch sử” với hơn 800 hecta lấn đất.
“Đến giờ vẫn chưa rõ là Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu” – ông Carter nói. “Và đó là nguyên nhân vùng biển này đang trở thành nguồn cơn căng thẳng ở khu vực”. Ông cho biết là Mỹ đặc biệt lo lắng về tốc độ và quy mô hoạt động lấn đất ở biển Đông cũng như nguy cơ quân sự hoá ở đây.
Ông nhắc lại quan điểm của Washington mà trong đó muốn có giải pháp hòa bình đối với khu vực, muốn ASEAN và Trung Quốc sớm kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu sáng 30-5. Ảnh: THANH TUẤN
“Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do bay qua lại – các nguyên tắc đã đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho khu vực trong suốt mấy thập kỷ qua” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh. “Mỹ sẽ đến, bằng máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”. Đặc biệt, ông khẳng định: “Biến mấy hòn đá ngầm thành sân bay không biến đó thành chủ quyền và cho phép việc ngăn cản tự do bay qua trên không hay đi lại trên biển”.
Đối phó với tình hình mới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Washington sẽ đẩy mạnh các hoạt động tăng cường xây dựng năng lực ở khu vực. Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ đem các hệ thống do thám mới như máy bay do thám P-8 Poseidon, máy bay cảnh báo E-2D Hawkeye tới khu vực. “Thập kỷ này qua thập kỷ khác... Mỹ luôn đứng bên cạnh các đồng minh và đối tác ở đây để duy trì hòa bình và ổn định của châu Á – Thái Bình Dương. Và nước Mỹ sẽ tiếp tục làm vậy”.
“Tôi vui mừng thông báo là Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ thiết lập Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á”. Ông cũng cho biết Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn 425 triệu USD cho các nỗ lực xây dựng năng lực trên biển ở Đông Nam Á.
“Tất cả chúng ta đều có lợi ích quan trọng trong an ninh ở biển Đông. Và đó là lý do tất cả chúng ta đều quan ngại sâu sắc khi bất cứ bên nào muốn thay đổi hiện trạng và gây ra bất ổn ở đây, dù đó là bằng vũ lực, dọa nạt hay đơn giản là tạo ra những hiện trạng mới trên đất liền, trên không hay trên biển” – ông Carter nói.
Các hình ảnh vệ tinh do thám mới nhất của Mỹ cho thấy Trung Quốc đưa 2 hệ thống pháo hạng nặng tới một điểm đảo mới lấn đất ngoài biển Đông. Đây được coi là diễn biến hết sức nghiêm trọng, lật tẩy động thái quân sự hóa rõ ràng của Bắc Kinh.
Diễn biến này làm nhiều nước trong khu vực lo lắng. Báo chí Úc nói các quan chức nước này lo ngại Trung Quốc có thể đưa radar tầm xa, đại bác phòng không và các máy bay do thám để mở rộng ảnh hưởng quân sự trên biển. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Dennis Richardson trong bài điều trần mới đây đã nói: “Việc đặt dấu hỏi về mục tiêu của các hoạt động lấn đất là hoàn toàn phù hợp – đó không phải là vì mục đích du lịch”.
Một ngày trước đó, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ ông Thôi Thiên Khải đã lên tiếng chỉ trích Mỹ nói Washington không nên thành lập các “liên minh chống Trung Quốc” và đi theo “tư duy Chiến tranh Lạnh”. Ông này tiếp tục bao biện rằng các điểm lấn đất là để phục vụ mục tiêu dân sự cùng với một số căn cứ quân sự. Theo ông Thôi, Mỹ “đã phản ứng quá mức và đang làm leo thang tình hình”.