Ảnh minh họa |
Sự kiện 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cùng hướng tới tương lai được thể hiện qua việc tăng cường liên lạc và mối quan hệ chính trị song phương, trong thời điểm đặc biệt quan trọng như hiện nay, khi hai nước đang cố gắng đạt được việc ký thỏa thuận TPP trước khi Tổng thống Barack Obama rời nhiệm sở.
Cả hai nước quan tâm sự gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, xuất phát từ những hành động của Trung Quốc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đe dọa phá hoại hòa bình, ổn định ở khu vực.
Năm 1994, việc Hoa Kỳ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam đã mở ra một kỷ nguyên mới cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Vượt qua những "vết thương" chiến tranh còn lại, Việt Nam và Hoa Kỳ từng bước xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện, thông qua một loạt nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực an ninh và thương mại.
Hơn nữa, không thể phủ nhận việc Trung Quốc nổi lên là một cường quốc cả về quân sự và kinh tế trong khu vực, đang tìm cách áp dụng sách lược của mình ra toàn thế giới, đã trở thành chất xúc tác giúp thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tự bản thân Việt Nam cũng có nhiều đặc điểm hấp dẫn đối với Hoa Kỳ trong vấn đề kinh tế. Trong bối cảnh mức lương trung bình tại Trung Quốc tăng mạnh, thì nguồn lao động trẻ và rẻ của Việt Nam trở thành đối tượng thay thế hấp dẫn, có thể giúp nền kinh tế Hoa Kỳ trở nên ít phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc hơn.
Việc ký kết Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ và Việt Nam trên phương diện hợp tác kinh tế song phương, mà còn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cân bằng chiến lược mềm của Washington đối với Trung Quốc.
Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cả hai giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Thông qua đó hai bên có thể ngăn Bắc Kinh sử dụng kinh tế như những đòn bẩy để đạt được những lợi ích chính trị trong tương lai
Hoa Kỳ cũng có thể tận dụng sức mạnh kinh tế thông qua TPP để xây dựng tính hợp pháp cho sự gia tăng hiện diện của mình và phá vỡ vị trí độc tôn của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế và gia tăng hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã tạo ra một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, cũng như thế giới và đặc biệt là với Việt Nam, do đặc điểm vị trí địa lý nằm rất gần Trung Quốc.
Mặc dù Hoa Kỳ trung lập trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, nhưng nước này buộc phải lên tiếng công khai phản đối các tuyên bố bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, bởi thực tế đây là mối đe dọa lớn đối với tự do hàng hải và thương mại quốc tế.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ Haiyang Shiyou-981 đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã thúc đẩy sự tăng cường hợp tác giữa Hà Nội và Washington, cho thấy Washington có thể là một trong những đối tác ngoài Moscow, có thể giúp Việt Nam xây dựng tiềm lực quốc phòng.
Mọi phân tích toàn diện về tình trạng hiện tại của quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bản Tuyên bố chung Tầm nhìn mà Bộ trưởng Quốc phòng Aston Carter và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ký hồi tháng 5.2015 vừa qua, trong chuyến thăm của ông Carter đến Việt Nam sau Diễn đàn Shangri-La (Singapore).
Thỏa thuận này là phần mở rộng của thỏa thuận được ký kết hồi năm 2011. Nó không chỉ bao gồm quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, mà còn mở ra tương lai hợp tác trên lĩnh vực công nghiệp quốc phòng song phương.
Đây là thỏa thuận có thể coi như một thành công của cả hai bên. Nhà nước Việt Nam vốn tuyên bố đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp quân sự cho nhu cầu quốc phòng của mình.
Còn với Washington, điều này có thể cung cấp cho các ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ sự tiếp cận tốt hơn tới thị trường châu Á mới nổi, giảm bớt ảnh hưởng của các đối thủ khác
Song song với việc tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều duy trì chính sách "không làm mếch lòng Trung Quốc".
Vì lý do này, chính phủ Việt Nam luôn chủ trương độc lập và tự chủ với chính sách "3 không": Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; Không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam; Không dựa vào nước này để chống nước kia.
Về phía Hoa Kỳ, nước này cũng không muốn thu hút các biện pháp trả đũa từ kinh tế của Trung Quốc, điều có thể khiến Hoa Kỳ lao đao bởi sự phụ thuộc cũng như tương thích của hai nền kinh tế Trung Quốc - Hoa Kỳ quá cao.
Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam thừa nhận sự tất yếu của việc hai bên vẫn còn có một số sự khác biệt về chính trị.
Tuy nhiên, sự đồng thuận trong việc thúc đẩy hợp tác song phương hơn nữa sẽ giúp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng thu hẹp khoảng cách khác biệt, bước lên một tầm cao mới.
Theo MộtThếGioi