Ngày 25/6/2015, Bộ Công thương đã ban hành Công văn 6351/BCT-VP yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình không sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu, vì đây là “hành vi tiếp tay cho buôn lậu và trốn thuế”.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, hình thức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm như thế nào, chế tài giám sát ra sao thì trong công văn của Bộ Công thương chưa đề cập đến. Theo ông Nguyễn Đăng Sinh - Chánh văn phòng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, trước mắt sẽ chưa có hình thức phạt tiền đối với các cán bộ công chức vi phạm. Tuy nhiên trường hợp nào bị phát hiện sử dụng hay tiếp tay cho buôn bán thuốc lá lậu, chúng tôi sẽ xử phạt bằng cách cắt thi đua khen thưởng cuối năm.
Ngay từ khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, Cục Quản lý thị trường đã quy định công chức, người lao động làm việc tại Cục không được hút thuốc lá tại công sở. Người vi phạm sẽ bị trừ điểm thi đua trong năm, việc xử phạt đối với nội bộ Cục quy định vậy nhưng từ khi quy định đến nay, chưa có ai vi phạm. Các cán bộ ngành thực hiện nghiêm túc vì là lực lượng thực thi pháp luật nên rất gương mẫu, còn ngoài cơ quan thì cần có sự tự giác của mỗi cá nhân.
Sau khi có Công văn số 6351/BCT-VP ngày 25/6/2015 của Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo ngay công chức, người lao động thuộc đơn vị mình không sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu và quán triệt việc hút thuốc lá lậu là hành vi tiếp tay cho buôn lậu và trốn thuế.
Đứng về góc độ nhà nghiên cứu độc lập, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, công văn trên là có thiện chí, nên hoan nghênh bởi theo thống kê, thuốc lá lậu đang chiếm tới khoảng 20% thị trường - một con số rất lớn.
Tuy nhiên, cũng giống như luật cấm hút thuốc lá nơi cộng cộng - dù đã có từ lâu nhưng không rõ chế tài xử phạt nên tới giờ vẫn không phát huy được hiệu quả, chỉ đạo cấm hút thuốc lá lậu của Bộ Công thương nếu không rõ cách thức, công cụ giám sát, xử phạt thì cũng chỉ dừng ở mức hô hào mà thôi.
Theo ông Doanh, trong khi mối quan hệ mua bán ở Việt Nam không có hóa đơn, chứng từ. Người mua thuốc lẻ từng bao, thậm chí nhiều hơn cũng chỉ một cây thuốc, thì rất khó yêu cầu nơi bán hàng cung cấp hóa đơn chứng từ sản phẩm rồi sau đó để cơ quan kiểm tra.
“Ở góc độ nhà quản lý, chẳng lẽ lại đi lục túi người ta để người ta biết có hút thuốc lá lậu hay không?" - TS Doanh nêu quan điểm.
Dẫn chứng thêm ông Doanh cho biết, Bộ Công thương thường có nhiều quy định: dán tem chống bia lậu, bia giả, đề nghị cấm phụ nữ mang thai uống bia, cấm bán bia ở vỉa hè... Rất nhiều hình thức cấm được ban hành nhưng sau đó rơi vào khoảng không. Tôi nghĩ cơ quan nhà nước đừng “không quản được là cấm”, rất nhiều quy định nhiêu khê và có phần thụ động.
Theo ông Doanh, quy định cấm “người nhà” hút thuốc lá lậu của Bộ Công Thương cần được coi là chương trình tuyên truyền hành động, phong trào chứ không nên là quy định, hay hình thức xử phạt bởi chúng ta sẽ vướng vào “rừng” biện pháp, cơ sở để thực thi.
Ông Doanh cũng dẫn chứng biện pháp chống hàng giả rất tốt ở Pháp. Nếu một người hút thuốc lá trong nhà hàng cấm hút thuốc, họ sẽ phạt anh ta 80 euro (tương đương 100 USD), nhưng chủ nhà hàng sẽ bị phạt 800 euro (hơn 900 USD). Đồng thời dán giấy thông báo có đăng hình người hút thuốc ở cửa nhà hàng 7 ngày để không ai muốn hút thuốc ở đó nữa cả. Còn tại Việt Nam, việc hút thuốc lá vẫn ngang nhiên xảy ra ở các nơi công cộng, tỷ lệ trẻ em hút thuốc lá thụ động lên tới 65% đến 85%, đây là con số đáng báo động.
Theo DânTrí