Thứ trưởng Bộ GTVT nói về việc nhập khẩu tàu phế liệu để phá dỡ

Thứ tư, 25/11/2015, 13:21
Quốc hội sẽ ấn nút thông qua Bộ luật Hàng hải sửa đổi, trong đó đáng chú ý là đề xuất nhập tàu ngoài về phá dỡ. Nhiều người quan ngại rằng nếu nhập tàu cũ về thì Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi thải phế liệu.

Xung quanh vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công - chuyên trách lĩnh vực hàng hải.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, khi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng xin nhập tàu cũ từ nước ngoài về phá dỡ chẳng khác nào mang rác vào nhà, ông có thể nói gì về điều này?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Tôi chia sẻ với những lo lắng của các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến như vậy.

Trên thực tế nếu việc nhập khẩu tàu cũ và phá dỡ mà ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư, sức khỏe của người dân hiện tại hay để lại hậu quả thì chúng tôi kiên quyết phản đối.

Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế hiện nay việc phá dỡ tàu quốc tịch Việt Nam lẫn tàu nước ngoài nhập lậu đang diễn ra tràn lan, không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước. Nếu bạn xuống Nam Định, Hải Phòng sẽ thấy.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công

Trong khi đó  hành lang pháp lý để quản lý vấn đề này chưa đầy đủ, tiêu chí chưa cụ thể…, gây tác hại rất xấu về môi trường. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Quốc hội cho phép đưa vấn đề vào Bộ luật để có một cơ sở pháp lý mà quản lý.

Từ đó, các ngành liên quan như giao thông, môi trường sẽ xây dựng các văn bản quy định về tiêu chí tàu được nhập, khu vực phá dỡ, điều kiện doanh nghiệp tham gia hoạt động này… Có như thế thì mới mong giảm thiểu được tình trạng phá dỡ mà cơ quan Nhà nước không biết xử lý thế nào.

Thứ trưởng có cho rằng mang 1 con tàu phế liệu vào không chỉ là chất thải rắn mà hệ lụy rất lớn từ các hóa chất, dầu mỡ. Sao lại nói điều này có thể giảm thiểu ô nhiễm?

Đâu phải tất cả tàu đều được nhập về phá dỡ. Nếu Quốc hội cho phép thì Chính phủ sẽ xây dựng danh mục, điều kiện để làm sao chỉ một số loại tàu ít tác động môi trường, chất độc hại ít nhất mới cho vào. Bây giờ chưa có nhưng khi Quốc hội cho phép thì Bộ Giao thông mới khảo sát, lên danh sách rồi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Thủ tướng.

Nhiều ý kiến nói chỉ cho phép phá dỡ tàu trong nước mà quản lý đã khó, ô nhiễm đã nặng nề. Thứ trưởng có công nhận điều đó?

Đúng là có tình trạng này. Tuy nhiên hiện số lượng tàu trong nước không đáng là bao nên ít doanh nghiệp nào đầu tư làm bài bản. Chính vì vậy mà việc mở rộng cho cả tàu nhập ngoài thì số lượng chắc chắn nhiều lên, nói nôm na là có thị trường rộng hơn. Khi đó thì mới khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại.

Nói như Thứ trưởng thì có vẻ đây là một vấn đề mang về nhiều lợi ích?

Thứ nhất, đây là vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra nên chúng ta cần có chế tài để quản lý. Khi đó nghề này phải bị ràng buộc bởi điều kiện nhất định, là những “hàng rào kỹ thuật” để nó là một ngành công nghiệp với những quy định về công nghệ, tiêu chí đảm bảo môi trường ở mức cao nhất có thể…

Tàu cũ nhập về Việt Nam phá dỡ được cho là mang lại hiệu quả kinh tế

Thứ hai, nghề này cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vừa rồi chúng tôi cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường sang khảo sát kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có ngành công nghiệp phá dỡ hàng đầu thế giới thì doanh thu của họ hàng tỷ euro mỗi năm. Mà môi trường họ thì đảm bảo, quy củ lắm.

Hiện nay ta cũng đã có một số nhà máy đóng tàu, sửa chữa và phá dỡ, nhưng công suất dư thừa. Cho nên nếu cho phép nhập tàu cũ về phá dỡ thì cũng là một cách để giải quyết khó khăn, tạo công ăn việc làm cho các nhà máy này. Ở các nước, nghề này còn cung cấp nguyên liệu đáng kể cho các nhà máy thép. Số liệu cho thấy ở nước ngoài, có đến 95% sản phẩm phá dỡ được để dùng cho các nhà máy luyện thép. Khi đó, việc khai thác quặng chắc chắn giảm đi, cũng là góp phần bảo vệ môi trường.

Nhưng vừa rồi, một số container rác tồn đọng ở cảng mà ngành giao thông, hải quan đã vất vả xử lý lắm rồi, nên nhiều quan ngại về vấn đề môi trường là điều dễ hiểu.

Đúng là vừa qua có tình trang một số container vô chủ, tồn đọng tại các cảng biển. Nhưng chủ yếu là gây ách tắc cho cảng vì chiếm giữ kho bãi nhiều chứ không phải gây nên hệ lụy môi trường. Tuy nhiên vấn đề này Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo và giao cho ngành Hải quan làm đầu mối giải quyết. Hiện nay theo tôi biết không còn vấn đề gì khó xử lý nữa.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích