Theo phương án phân luồng giao thông để phục vụ diễn tập chữa cháy và cứu nạn tại tòa nhà trên đường Đồng Khởi (quận 1), ba tuyến đường ở trung tâm thành phố sẽ bị cấm xe từ 8h đến 10h30 các ngày 26 và 28/11. Sở GTVT khuyến cáo người dân nên hạn chế chạy qua khu vực diễn tập để tránh ùn tắc.
Theo đó, đường Đồng Khởi bị cấm từ Nguyễn Du đến Lê Lợi. Lộ trình thay thế: Công Xã Paris - Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng hoặc Phạm Ngọc Thạch - Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Công trường Lam Sơn - Đồng Khởi.
Sơ đồ các tuyến đường cấm và lộ trình thay thế để diễn tập chữa cháy cao ốc ở trung tâm TP HCM. Ảnh: Sở GTVT TP HCM |
Đường Lý Tự Trọng bị cấm từ đoạn Pasteur đến Hai Bà Trưng. Lộ trình thay thế: Lý Tư Trọng - Pasteur - Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Lý Tự Trọng hoặc Lý Tự Trọng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.
Đường Lê Thánh Tôn bị cấm từ Hai Bà Trưng đến Nguyễn Huệ. Lộ trình thay thế: Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn hoặc Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng - Công trường Mê Linh - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Pasteur - Lê Thánh Tôn.
Buổi diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại tòa nhà ở trung tâm quận 1 do UBND thành phố phối hợp với Bộ Công an tổ chức ngày 28/11 với gần 2.000 người tham gia (ngày 26/11 sẽ tổ chức tổng duyệt). Trong đó, riêng Cảnh sát PCCC thành phố là 700 người, hơn 100 người thuộc lực lượng của Bộ Công an cùng 79 xe chỉ huy, chuyên dùng, cứu nạn, cứu hộ.
Theo tình huống giả định, vụ cháy nổ xảy ra tại khu ẩm thực thuộc tầng hầm B3 của cao ốc do rò rỉ khí gas. Chấn động của vụ nổ lớn làm sập một số gian hàng. Khoảng 200 người ở các tầng hầm và 500 người trong tòa nhà hoảng loạn, tìm lối thoát, nhiều người khác bị mắc kẹt bên trong. Cùng lúc, căn hộ tầng 26 bị cháy, các nạn nhân ở đây hốt hoảng tháo chạy.
Đây là lần đầu các đơn vị chức năng TP.HCM tham gia tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ quy mô lớn tại khu vực tầng hầm ngầm và khu vực tầng nổi ở vị trí cao nhất của tòa nhà có chức năng phức hợp (khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại…), thường xuyên có mật độ người tập trung cao.
Mục đích việc diễn tập nhằm nâng cao ý thức về công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra tình huống sự cố, tai nạn. Đồng thời tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý với các tình huống cần cứu nạn, cứu hộ của lực lượng tại chỗ.
Đợt diễn tập cũng là cách để kiểm tra khả năng huy động lực lượng chữa cháy, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Qua đó đảm bảo khi xảy ra tình huống thật, các đơn vị không rơi vào bị động cũng như có thêm kinh nghiệm tác chiến.
Theo VNE