Theo thông tư 57 của Bộ Công an, kể từ ngày 6/1/2016 ôtô 4-9 chỗ ngồi phải có phương tiện phòng cháy và chữa cháy (gọi tắt là bình chữa cháy).
Liệu chủ ôtô không trang bị bình chữa cháy hoặc có bình chữa cháy nhưng hết thời hạn sử dụng có được kiểm định xe? Lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM cho rằng các ôtô 4-9 chỗ không có bình chữa cháy sẽ bị “đánh rớt”.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, một lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN khẳng định quy trình kiểm định ôtô 4-9 chỗ ngồi không có hạng mục kiểm tra bình chữa cháy. Các trung tâm đăng kiểm chỉ nên nhắc nhở chủ xe phải trang bị bình chữa cháy, không có chuyện “đánh rớt” xe.
Bình chữa cháy loại nhỏ được trang bị trên ôtô. |
“Còn khi xe lưu thông trên đường có bị xử phạt hay không là việc các đơn vị chức năng kiểm tra trên đường”, vị lãnh đạo này nói.
Theo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, hiện PC67 vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ Bộ Công an về việc triển khai xử phạt theo thông tư trên.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng tham mưu Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.HCM, cho biết việc quy định bắt buộc ôtô 4-9 chỗ phải có trang bị bình chữa cháy là cần thiết.
“Mỗi sáu tháng, tài xế hay chủ xe nên mang bình chữa cháy đến hãng, cơ sở sản xuất để bảo trì, kiểm tra bình còn hoạt động tốt hay không”, đại tá Nhật lưu ý.
Theo ghi nhận, hiện trên thị trường, tài xế, chủ xe chỉ cần bỏ ra khoảng vài trăm ngàn đồng là có thể mua một bình chữa cháy xuất xứ từ Trung Quốc.
Tại cửa hàng bán các thiết bị chữa cháy trên quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh (TP.HCM), nhân viên cửa hàng cho biết bình chữa cháy dạng bột ghi chữ Trung Quốc loại 4kg có giá 300.000 đồng/bình. Khi được hỏi về cách sử dụng, thời hạn bảo hành, nhân viên cửa hàng khá mù mờ.
“Mấy bữa nay tài xế cũng tới mua nhiều lắm. Đa số mua hàng này. Yên tâm đi, chất lượng chữa cháy khá đảm bảo” - nhân viên cửa hàng giới thiệu.
Công ty thiết bị chữa cháy trên quốc lộ 1, phường Tam Bình, quận Thủ Đức cũng giới thiệu các loại bình chữa cháy với giá cả khá rẻ, sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Công ty này quảng cáo sản phẩm đạt chất lượng, đạt tiêu chuẩn kiểm định phòng cháy và chữa cháy, đồng thời có thể dập tắt các đám cháy phù hợp với từng sản phẩm.
Tại công ty, một nhân viên giới thiệu một bình chữa cháy dạng bột có giá 220.000 đồng. Nữ nhân viên công ty cảnh báo đối với các bình dạng bột gặp nhiệt độ trên 50 độ C thì có thể nổ tung trên xe.
Khi nổ, các bình chữa cháy dạng bột chỉ gây bụi hoặc hư hỏng xe, còn bình chữa cháy dạng khí thì người tiếp xúc dễ bị phỏng lạnh.
Khi chúng tôi nói mua bình chữa cháy 4kg về lắp vào ôtô, nhân viên giải thích: “Xe hơi chỉ cần sử dụng bình 1-2kg được rồi. Thường chủ xe, tài xế tới mua loại 1kg với giá 160.000 đồng”.
Theo một số tài xế, thông tư 57 quy định đặt bình chữa cháy ở những nơi dễ thấy, dễ lấy chứ chưa nêu rõ vị trí đặt cụ thể.
“Điều tôi thắc mắc là trong thông tư có quy định để ở chỗ dễ thấy, dễ lấy... Nếu tôi để ở phía cốp xe hoặc hàng ghế sau thì có bị phạt hay không?”, anh Nguyễn Tuấn Anh (ngụ Thủ Đức) nói.
Ông Trần Hữu Thức (ngụ quận 2) cho biết vẫn chưa nắm được quy định của Bộ Công an. Ông Thức cho rằng: “Quy định bắt buộc thì mình chấp hành, nhưng khi cháy mình phải nhanh chân bỏ chạy chứ chắc không kịp lấy bình chữa cháy đâu”, ông Thức cho biết.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm VN, đến tháng 5/2015 cả nước có 951.811 ôtô 4-9 chỗ, trong đó Hà Nội có 266.484 xe, TP.HCM có 193.804 xe... Trước đó chỉ quy định các loại xe chở khách từ 10 chỗ ngồi trở lên buộc phải trang bị bình chữa cháy.
Thông tư 57 của Bộ Công an quy định ôtô 4-9 chỗ ngồi phải trang bị một bình chữa cháy là một trong các loại bình sau: bình bột chữa cháy loại dưới 4kg hay bình bọt chữa cháy loại dưới 5 lít, hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít hay bình khí CO2 chữa cháy loại dưới 4kg.
Trường hợp ôtô 4 chỗ trở lên hay xe cơ giới thiếu các phương tiện phòng cháy và chữa cháy sẽ bị xử phạt 300.000-500.000 đồng.
Theo Zing