'Bà trùm' vắc xin dịch vụ: 'Quinvaxem tốt hơn'

Thứ ba, 05/01/2016, 17:26
Bà Hồng Thuý cho biết, trong suốt 23 năm phân phối vắc xin dịch vụ, chưa khi nào xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ như vừa qua.

Lần đầu tiên, bà Đặng Hồng Thuý, Giám đốc Công ty Hồng Thuý - đơn vị nhập khẩu, phân phối độc quyền vắc xin dịch vụ toàn miền Bắc có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh câu chuyện khủng hoảng vắc xin thời gian qua.

'Không phải đáp ứng tối đa vắc xin dịch vụ'

Là đơn vị phân phối vắc xin dịch vụ toàn miền Bắc trong suốt 23 năm qua, theo bà nguyên nhân nào dẫn tới khủng hoảng vắc xin vừa qua?

Tôi khẳng định, trong suốt 23 năm làm phân phối độc quyền cho Sanofi Pasteur, đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố thiếu vắc xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim nghiêm trọng đến vậy.

Có 3 nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Thứ nhất: Tình trạng thiếu hàng toàn cầu do nhu cầu tăng, do nhà máy thay đổi dây chuyền sản xuất. Bình thường Pentaxim chỉ chiếm 30% thị trường, còn lại vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa chiếm 70%. Tuy nhiên do sự cố “đứt hàng” nên lượng thiếu hụt Infanrix đổ dồn sang Pentaxim.

Bà Đặng Hồng Thúy.

Thứ hai: Việt Nam xảy ra sự cố tiêm chủng vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng, làm gia tăng nhu cầu tiêm Pentaxim.

Thứ ba: Do truyền thông về tai biến sau tiêm Quinvaxem chưa rõ ràng, thiếu minh bạch khiến người dân hiểu lầm rằng vắc xin dịch vụ tốt hơn nên đổ xô chen lấn, tiêm bằng được. Câu chuyện ở Hà Nội vừa là hội chứng đám đông, vừa là áp lực tâm lý.

Sau các sự cố, nhu cầu vắc xin dịch vụ đã tăng lên như thế nào, thưa bà?

5 năm qua, công ty chúng tôi bán ra 336.931 liều vắc xin Pentaxim. Như vậy trung bình mỗi năm, miền Bắc có khoảng 67.300 liều Pentaxim, ở khu vực miền Nam, nhu cầu sử dụng vắc xin dịch vụ ít hơn. Tính chung thì mỗi năm cả nước chỉ cần khoảng 120.000 - 130.000 liều Pentaxim là đủ. Tuy nhiên năm vừa qua, sau những sự cố về tiêm chủng Quinvaxem, chúng tôi ước tính nhu cầu Pentaxim phải lên tới 400.000 - 600.000 liều.

Như bà nói ở miền Nam nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ thấp hơn, vậy tại sao vừa qua, số lượng Pentaxim về miền Bắc chưa bằng 1/3 miền Nam?

Trước tình trạng khan hiếm Pentaxim, ngay từ tháng 7/2015, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu chúng tôi báo cáo tiến độ hàng. Phía Sanofi cho biết đến hết tháng 12/2015, công ty chúng tôi sẽ nhận đủ 75.300 liều. Tuy nhiên đến 14/12, chúng tôi mới nhận được 15.120 liều và tới ngày 31/12 vừa qua, chúng tôi mới được nhận tiếp 29.000 liều, số 31.000 liều Pentaxim còn lại Sanofi chưa phản hồi có giao tiếp hay không.

Như vậy, theo số liệu Cục Quản lý Dược công bố có 160.000 liều Pentaxim về Việt Nam thì trong miền Nam nhận 117.000 liều, ngoài Bắc nhu cầu lớn hơn nhưng chỉ có 43.000 liều. Sự điều phối không hợp lý này dẫn đến xáo động thị trường, gây ra hiểu lầm không đáng có. Đây là lần đầu tiên có sự phân phối mất cân bằng như vậy. Nếu Bộ Y tế điều phối được cân bằng thì áp lực thị trường sẽ giảm ngay.

Sao công ty không tìm đến những nhà phân phối vắc xin dịch vụ khác?

Công ty vắc xin GSK cũng có vắc xin 5 trong 1 nhưng thủ tục tại Việt Nam lâu quá, thường phải mất 12 tháng. Sau đó phải thử nghiệm lâm sàng khoảng 2 năm nữa, chưa kể phải qua hội đồng y đức nên họ cũng ngại.

Theo tôi cái tốt nhất của Bộ Y tế lúc này không phải đáp ứng tối đa Pentaxim mà làm dư luận dịu xuống, tin tưởng vào cơ quan quản lý và Quinvaxem hơn.

'Quinvaxem tốt hơn' nhưng 'đừng tiêm lấy được'

Là một doanh nghiệp kinh doanh vắc xin dịch vụ, tại sao bà lại nói tốt về Quinvaxem?

Đừng tiêm lấy được'

"Theo tôi Bộ Y tế nên xây dựng tiêm chủng có hệ thống, có mã số cho từng cháu, xem tiền sử như thế nào có tiêm được không chứ đừng bằng mọi giá mà tiêm lấy được"

Bà Đặng Hồng Thúy

Theo thông tư 08 của Bộ Y tế, 100% các lô vắc xin nhập khẩu vào Việt Nam đều phải đủ 3 giấy kiểm định chất lượng gồm kiểm định của nhà máy, kiểm định của quốc gia sở tại và khi vào Việt Nam sẽ kiểm định một lần nữa nên về chất lượng Quinvaxem và Pentaxim đều như nhau, không thể nói Pentaxim tốt hơn.

Còn về khả năng đáp ứng miễn dịch, đứng trên góc độ chuyên môn với gần 30 năm giảng dạy tại ĐH Dược và theo đánh giá của các chuyên gia trong, ngoài nước, Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào có hiệu quả điều trị và khả năng miễn dịch tốt hơn ở môi trường Việt Nam.

Vậy tai biến sau tiêm Quinvaxem là do đâu? Cái này phải rạch ròi, nếu nhà quản lý có lỗi cần nhận lỗi, phải công khai, minh bạch về nguyên nhân các trường hợp tử vong. Tại các điểm tiêm phải có bảng so sánh về chất lượng, hiệu quả giữa Quinvaxem và Petaxim để phụ huynh biết rõ.

Cũng phải thấy các điểm tiêm lớn ở Hà Nội chưa có trường hợp tai biến nào, tức họ thực hiện quy trình tiêm chủng rất chuẩn. Bộ Y tế nên kiểm tra lại tất cả các điểm tiêm xem khám sàng lọc thế nào, dây chuyền lạnh bảo quản ra sao, theo dõi sau tiêm chủng có sát sao không?

Bà có nghĩ chia sẻ này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bà?

Tôi nghĩ là có, nhưng cái này là đạo đức kinh doanh, mình không thể bất chấp bằng mọi cách để có tiền. Tôi là nhà kinh doanh nhưng cạnh tranh phải lành mạnh và công bằng. Cái gì tốt cho người dân thì mình nên làm. Còn kinh doanh nếu hụt chỗ này có thể kinh doanh cái khác để bù vào.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn