Người nghèo XKLĐ sẽ phải lo lắng khi túi tiền vơi đi 2 lần vì luật BHXH mới

Thứ ba, 05/01/2016, 13:56
Theo nghị định 115 quy định chi tiết một số điều của luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2016, tất cả lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc.

Kể từ ngày 1/1/2016, luật bảo hiểm xã hội 2014 bắt đầu có hiệu lực với nhiều thay đổi trong mức đóng bảo hiểm xã hội của lao động trong nước cũng như lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo nghị định 115 quy định chi tiết một số điều của luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2016, tất cả lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải tham gia BHXH bắt buộcthay cho quy định chỉ có những lao động trước đó đã đóng BHXH bắt buộc mới phải tham gia như Luật BHXH 2006.

Theo nghị định 115, tất cả lao động đi làm việc ở nước ngoài gồm 4 nhóm đối tượng:

Lao động thông qua doanh nghiệp dịch vụ và các tổ chức sự nghiệp được cấp phép.

Thực tập sinh nâng cao tay nghề.

Nhận thầu.

Lao động đi làm việc theo hợp đồng cá nhân.

Với lao động qua hình thức nhận thầu không có thay đổi trong việc đóng BHXH vì doanh nghiệp tuyển dụng là doanh nghiệp trong nước, những đối tượng còn lại sẽ phải tự đóng toàn bộ bao gồm cả phần đóng của người sử dụng lao động để thực hiện cho hai chế độ hưu trí và tử tuất.

Về mức đóng, nghị định 115 quy định chia thành 2 nhóm:

Nhóm trước đó đã tham gia BHXH sẽ đóng 22% trên mức đóng tiền lương tháng trước khi họ nghỉ việc đi làm việc ở nước ngoài.

Nhóm chưa tham gia sẽ đóng 22% của hai lần mức lương cơ sở.

Theo một chuyên gia về BHXH, quy định này được ngầm hiểu, đối với 250 đơn vị dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thì họ có trách nhiệm phải thu số tiền BHXH của người lao động.

Song, đối với trường hợp người lao động đi làm việc thông qua các Sở LĐ-TBXH ở các tỉnh, thành phố hoặc đi theo hình thức hợp đồng cá nhân thì nghị định vẫn chưa nêu rõ ai là người chịu trách nhiệm thu khoản tiền BHXH bắt buộc này.

Hơn nữa, bản thân người lao động khi làm việc cho một DN ở nước ngoài, họ đã có trách nhiệm đóng BHXH cho nước sở tại, nay họ lại phải đóng cho nước nơi mình có quốc tịch trên cùng một thời điểm thì đồng nghĩa họ phải đóng 2 lần.

Việc mở rộng đối tượng đóng BHXH có thể khiến nhiều người lao động nghèo phải lo lắng khi phải chạy vạy khắp nơi, đóng nhiều khoản phí để được làm việc tại nước ngoài nên mất thêm khoản chi phí nào cũng là gánh nặng với họ.

Trả lời TBKTSG, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm xã hội, Bộ lao động, thương binh và xã hội cho rằng việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là nhằm giúp họ tích lũy để được hưởng lương hưu sau này.

Theo bà Nga, hầu hết lao động vào doanh nghiệp ở nước sở tại mà lao động Việt Nam làm việc chỉ đóng BHXH để người lao động hưởng các chế độ ngắn hạn như tai nạn lao động, ốm đau, chăm sóc y tế, mà không thực hiện chế độ BHXH dài hạn như hưu trí.

Hiện chỉ có Nhật Bản đóng cả 2 chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất, sau khi hết hạn hợp đồng, người lao động sẽ được nhận trợ cấp 1 lần.

Vì vậy, việc áp dụng chế độ BHXH bắt buộc thực hiện trong nước và ngoài nước sẽ bổ sung cho nhau:Ngắn hạn người lao động sẽ hưởng ở nước sở tại, dài hạn sẽ hưởng ở Việt Nam.

Về mức đóng 22% cao hơn so với mức 8% của lao động trong nước, bà Nga cho rằng khi làm việc trong nước, có quan hệ lao động, các người lao động và sử dụng lao động cùng đóng còn khi làm việc ở nước ngoài cũng là tiền để dành của họ cho tương lai.

Ngoài ra bà Nga cũng nhấn mạnh thêm hiện luật BHXH năm 2014 không có quy định cấm người lao động nếu không tham gia BHXH thì không được đi ra nước ngoài làm việc.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích