Nhà trái phép trên núi Hải Vân: Không xử được vì chồng lấn địa giới Huế - Đà Nẵng

Thứ tư, 06/01/2016, 08:40
Trong khu vực mũi Cửa Khẻm (núi Hải Vân) tồn tại một công trình nhà ở kiên cố trái phép. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa xử lý được vì khu vực này chưa phân định ranh giới giữa tỉnh TT - Huế và thành phố Đà Nẵng.

Công trình trên của ông Phạm Tý (trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng). Công trình cách đèo Hải Vân rẽ về hướng biển khoảng 10km.

Theo quan sát của chúng tôi, công trình gồm 4 ngôi nhà và các công trình phụ trợ được xây dựng trên một khu đất khoảng 5.000 m2

Theo như hồ sơ UBND huyện Phú Lộc (TT.Huế) cung cấp, khu vực chồng lấn chưa phân định ranh giới giữa Đà Nẵng và Huế có diện tích khoảng 350ha. Ngày 28/3/2013, cơ quan chức năng phát hiện một công trình xây dựng trái phép ở mũi Cửa Khẻm trên.

Công trình trái phép nằm trong khu vực chưa phân định ranh giới giữa TT.Huế và Đà Nẵng

Tại thời điểm phát hiện, có hai ngôi nhà đang xây dựng gồm một nhà cấp bốn và một nhà gỗ tại khoảnh 7, tiểu khu 251 (rừng Bắc Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh TT.Huế).

Ngay sau đó, UBND thị trấn Lăng Cô đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với trường hợp trên.

Đến tháng 8/2013, UBND thị trấn Lăng Cô đã có buổi làm việc với UBND phường Hòa Hiệp Bắc về việc xác định rõ chuyện giao đất cũng như cấp phép xây dựng tại vùng giáp ranh giữa 2 địa phương và đề xuất hướng xử lý.

Trong biên bản làm việc, hai bên đã thống nhất về việc giao cho phường Hòa Hiệp Bắc mời chủ công trình trên đến xử lý và yêu cầu cam kết.

Tuy nhiên, sau buổi cam kết, chủ công trình vẫn tiếp tục cho xây thêm một hạng mục khác.

Phải chờ Chính phủ phân định ranh giới mới có hướng xử lý công trình này

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (TT.Huế) cho biết: “Theo bản đồ địa giới hành chính thì vị trí đó thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân. Tuy nhiên nhiều năm qua, TT.Huế và Đà Nẵng vẫn chưa phân định rõ ranh giới hành chính. Khu vực giáp ranh rộng khoảng hơn 350ha”.

Ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) cho biết, công trình này là của ông Phạm Tý chứ không phải của ông Phạm Thương (nguyên Trưởng công an phường Hòa Hiệp Bắc, nay đã chuyển công tác sang công an quận Liên Chiểu). Ông Phạm Thương là em ruột của ông Phạm Tý. Từ đó, không biết chủ đích nào mà tên cán bộ công an này được ghép vào vụ việc, trở thành dư luận không hay.

Cũng theo ông Hải, công trình này nguồn gốc là đất khai hoang, sử dụng để trồng trọt, chăn nuôi lâu đời. Trong quá trình chăn nuôi, người chủ nuôi cần chỗ trú ẩn vì việc di chuyển, đi lại tại khu vực này rất xa, có khi người chủ phải ở lại cả tuần. Gia chủ đã xây lán trại trước năm 2005. Trong quá trình canh tác, do thời tiết nên lán trại xuống cấp, gia đình này mới sửa chữa lại để chắc chắn hơn, mục đích là để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Về biên bản xử lý, ông Hải cho biết, do khu vực này chưa phân định ranh giới giữa Đà Nẵng và TT.Huế nên 2 bên cùng phối hợp xử lý.

“Biên bản có nội dung là thống nhất xử lý, yêu cầu đối tượng giữ nguyên trạng công trình, không được cơi nới thêm, tự tháo dỡ khi Nhà nước yêu cầu và không được đền bù phần tài sản trên. Sau khi lập biên bản xong, phường có làm việc với ông Phạm Tý. Ông Tý cũng đã cam kết để nguyên trạng căn nhà, không cơi nới thêm, tự tháo dỡ khi Nhà nước yêu cầu và không được đền bù phần tài sản trên”, ông Hải nói.

Cũng theo biên bản làm việc giữa UBND phường Hòa Hiệp Bắc và thị trấn Lăng Cô, 2 đơn vị xác định đây là công trình vi phạm, không được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên, theo ông Hải, khi nào Chính phủ phân định ranh giới thì mới có hướng xử lý cụ thể đối với trường hợp này.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn