Khu du lịch sinh thái này nằm ở Cửa Khẻm (núi Hải Vân) thuộc khu vực chồng lấn địa giới giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Muốn đến được công trình này chỉ có 2 cách là đi bộ từ đỉnh Hải Vân hơn 10km hoặc đi canô từ phía biển Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Bắc, TP.Đà Nẵng).
Công trình gồm nhiều hạng mục, trong đó có 4 ngôi nhà xây dựng liền kề, đầy đủ nhà vệ sinh, chòi nghỉ, chõng tre, phản bằng gỗ hoặc bê tông… Dù nằm biệt lập nhưng khu vực này vẫn có điện chiếu sáng đầy đủ. Nhiều vật liệu xây dựng đang được tập kết về đây để xây mở rộng công trình. Ở vị trí đắc địa 1 mặt dựa núi, 1 mặt hướng ra biển nên một công ty của Trung Quốc từng xin giấy phép xây dựng khu du lịch ở đây nhưng sau đó bất thành vì nằm trong khu vực trọng điểm quân sự cấp độ 1 do Chính phủ quy định.
Ông Trần Văn Hùng, người trông coi công trình này, cho biết ông làm thuê cho ông Phạm Thương (ngụ phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng). “Mùa này lạnh nên không có ai đến nghỉ ngơi chứ mùa hè khá đông khách. Họ đến đây thuê chòi để ăn uống, tắm biển. Tôi cũng có thu một ít tiền” - ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, công trình trên của ông Phạm Thương - nguyên Trưởng Công an phường Hòa Hiệp Bắc và đang là cán bộ thuộc Công an quận Liên Chiểu. Tuy nhiên, ông Thương lại khẳng định đây là đất của ông Phạm Tý (trú quận Liên Chiểu) - anh trai ông Thương.
Ông Mạnh cho biết từ tháng 3-2013, UBND thị trấn Lăng Cô và Đội Quản lý đô thị huyện Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện, lập biên bản công trình trái phép này. Hai đơn vị trên xác định công trình nằm ở khoảnh 7, Tiểu khu 251 rừng Bắc Hải Vân thuộc địa giới tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sau đó, đến tháng 5-2013, lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc đã làm việc trực tiếp với UBND quận Liên Chiểu về công trình này. Hai bên thống nhất buộc chủ công trình dừng thi công, giữ nguyên hiện trạng và tháo dỡ công trình. Dù vậy, đã 3 năm trôi qua nhưng công trình trái phép này vẫn ngang nhiên tồn tại, không bị tháo dỡ, thậm chí có dấu hiệu mở rộng.
“Họ xây dựng trên đất thị trấn Lăng Cô quản lý mà không xin phép là sai trái. Công trình này cũng nằm trong rừng đặc dụng nên không thể tồn tại” - ông Mạnh khẳng định. Theo ông Mạnh, trong các buổi làm việc, UBND quận Liên Chiểu cho hay họ không cấp giấy phép xây dựng. Chủ nhân các công trình này là người dân thuộc quận Liên Chiểu nên họ có trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Mạnh cũng cho rằng vì nguyên nhân là chồng lấn địa giới nên phía huyện Phú Lộc không thể xử lý.
Trong khi đó, ông Bùi Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu - lại khẳng định công trình trên của ông Phạm Tý. Đây là đất xâm canh của gia đình này trước năm 1975. Các công trình này nhỏ, xây dựng trước khi có luật ra đời nên chưa hẳn đã vi phạm. Mặt khác, ông Phạm Tý chỉ trồng trọt, chăn nuôi, làm kinh tế rừng chứ không xây dựng khu du lịch.
Ông Hải cho biết chủ công trình đã có cam kết không xây dựng thêm bất cứ công trình nào và giữ nguyên trạng; tự nguyện tháo dỡ các công trình và không yêu cầu bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. “Nếu họ tự ý mở rộng xây dựng thì phường sẽ xử lý triệt để” - ông Hải nói.
Chờ Thủ tướng phân định (!) Theo ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, khu vực này chưa thể xác định là rừng đặc dụng hay là loại rừng khác vì chưa hoàn thành việc phân định ranh giới 2 địa phương. “Biên bản xử phạt vi phạm công trình này của thị trấn Lăng Cô cũng không có hiệu lực vì đây là đất chưa phân định địa giới. Vì vậy, hai bên cần phối hợp để quản lý cho tốt; chờ lúc nào Chính phủ, Quốc hội ra quyết định phân chia rõ ràng rồi thì thuộc bên nào bên đó xử lý” - ông Hải nói. |