Thời hạn báo cáo về công trình sai phạm Hương nghiêm Pháp đường ở chùa Hương là 25/12/2015, đến nay Hà Nội chưa nhận được bất cứ văn bản nào từ UBND huyện Mỹ Đức. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ông Trương Minh Tiến ký công văn ngày 5/1, gửi Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức nhắc nhở, đốc thúc địa phương sớm hoàn tất báo cáo.
Hôm 21/12/2015 đoàn công tác liên ngành do Sở VHTT Hà Nội chủ trì, làm việc với lãnh đạo huyện Mỹ Đức, BQL khu di tích danh thắng Hương Sơn, trụ trì chùa - hòa thượng Thích Minh Hiền. Sau đó, Sở có báo cáo số 1254/SVHTT-QLDT ngày 23/12/2015 gửi UBND Thành phố, đề nghị UBND huyện Mỹ Đức gửi hồ sơ và các văn bản liên quan về Sở trước 25/12/2015. “Đến nay Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ của công trình theo kết luận cuộc họp của UBND huyện Mỹ Đức. Đề nghị Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo các phòng ban liên quan thực hiện và gửi về Sở trước 15/01/2016”, lãnh đạo Sở yêu cầu.
Sự im lặng của lãnh đạo địa phương một lần nữa chứng tỏ cả nhà chùa lẫn BQL, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức lúng túng khi phải giải trình về công trình sai phạm Hương nghiêm Pháp đường. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo các Sở ban ngành và chuyên gia di sản, hòa thượng Thích Minh Hiền khẳng định nhận được bút phê của UBND huyện Mỹ Đức.
Tuy nhiên, ngay lúc đó, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức nói “không nhớ” có văn bản ấy không, cũng như không tìm thấy văn bản lưu. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức mới nhậm chức ít tháng không nắm rõ tình hình, trong khi Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hậu chưa có động thái làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này.
Trong công văn trước, Sở VHTT Hà Nội còn yêu cầu UBND huyện cung cấp các hồ sơ liên quan công tác quản lý và các công trình khác đang xây dựng, tu bổ tại di tích Hương Sơn để rà soát, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền. Thực tế, trước khi khảo sát Hương nghiêm Pháp đường, các chuyên gia di sản và chuyên gia của Cục Di sản Văn hóa chỉ ra một số sai phạm ở Gác chuông Thiên Trù trong quá trình tu bổ.
Một vị nói, nhìn qua cũng dễ nhận thấy quy trình tu bổ này chưa tuân thủ quy trình, chẳng hạn như không có nhà bao che, hạ giải không đúng. “Một số cấu kiện cũ được thay mới hoàn toàn, không tuân thủ nguyên tắc trùng tu di tích”, một chuyên gia Cục Di sản nói.
Sai phạm này càng rõ hơn khi đối chiếu với văn bản thỏa thuận của Bộ VHTT&DL. Trong Thỏa thuận Báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ Gác chuông này, Bộ VHTT&DL xem xét và có ý kiến đồng ý các nội dung tu bổ: Gia cố nền, lát lại nền bằng gạch Bát Tràng 30cmx30cm, bảo quản và tái sử dụng các chân tảng, tu bổ hệ kết cấu gỗ và các chi tiết trang trí mái theo điều kiện kỹ thuật hiện trạng, chống mối và phòng cháy chữa cháy.
Bộ cũng yêu cầu Sở VHTT Hà Nội hướng dẫn chủ đầu tư và chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện thi công tu bổ gác chuông chùa Thiên Trù theo đúng quy định, đặc biệt là lựa chọn tổ chức tư vấn thi công có đủ điều kiện năng lực, thực hiện bao che phục vụ thi công và việc thành lập Hội đồng đánh giá di tích sau hạ giải, nhằm lựa chọn bảo tồn tối đa cấu kiện gốc của công trình.
Gác chuông này vốn không phải di tích gốc ở đây, nhưng được đánh giá cao về kiến trúc và nằm trong số hạng mục quan trọng cần bảo vệ ở Di tích Quốc gia chùa Hương.
Theo Tiền Phong