Ông Nguyễn Văn Them (ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) có hơn 10 năm làm nghề chế biến khô cá sặc rằn với nguyên liệu chủ yếu nhập từ Campuchia hoặc Thái Lan. So với cá cùng loại nuôi trong nước thì cá nhập chất lượng cao hơn do khai thác ở môi trường tự nhiên.
Người dân ĐBSCL phơi khô “vũ nữ chân dài” |
“Khô cá sặc rằn được nhiều người ưa thích trong dịp Tết là nhờ mùa này rất mập, ít trứng nên thịt thơm ngon hơn bất cứ thời điểm nào trong năm. Loại khô này giữ được hương vị tự nhiên vì chỉ có cá và muối. Phải chọn đúng muối trắng Bạc Liêu thì khô mới ngon, độ mặn vừa phải” - ông Them bật mí.
Theo ông Ngô Văn Lực, chủ cơ sở khô cá lóc Thúy An (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), năm nay, giá cá nguyên liệu tăng lên khoảng 5.000 đồng/kg nhưng giá khô thành phẩm bán ra thị trường vẫn giữ nguyên mức cũ, từ 100.000-120.000 đồng/kg. Đây là mức giá thống nhất ở các cơ sở chế biến trong cả làng nghề vùng này. Chủ các cơ sở chế biến ở đây không tăng giá là để giữ mối làm ăn. Nhờ đó, đơn đặt hàng Tết này vẫn duy trì như mọi năm. Trung bình mỗi tháng khoảng 6 đợt, cơ sở của ông Lực xuất bán cho các bạn hàng phân phối về thị trường TP.HCM.
Theo ông Lực, khô cá lóc của vùng này nhìn không bắt mắt nhưng ăn rất ngon vì giữ được hương vị tự nhiên. Đặc biệt, không tẩm ướp phẩm màu. Nguyên liệu chủ yếu là cá lóc đầu nhím, thịt ngon và dai.
Chỉ là những con nhái cơm nhưng khi được chế biến thì loại khô này khiến không ít thực khách phát ghiền, nhiều người gọi với cái tên mỹ miều là “vũ nữ chân dài”.
Ông Nguyễn Hoàng Anh (TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết món khô này xuất xứ từ Campuchia. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều người dân ở vùng ven biên giới bắt chước làm theo. Muốn có 1 kg khô nhái là cần hơn 10 người để làm các khâu như cắt đầu, lột da, rửa sạch rồi sau đó là khâu ướp gia vị.
“Một kg nhái sống sau khi sơ chế chỉ còn khoảng 600gr thịt. Bốn kg thịt mới cho ra 1kg khô nhái thành phẩm. Hiện nhái ngoài tự nhiên bắt đầu khan hiếm vì quá nhiều người bắt. Do đó, nhiều người thức trắng đêm chỉ bắt được khoảng 2kg nhái sống. Từ nay đến Tết, giá khô nhái tăng dần từ 360.000 đồng lên 520.000 đồng/kg hoặc cao hơn nữa vì thời điểm này, nông dân đã sạ lúa nên rất khó bắt được” - ông Anh nói.
Nhiều hộ dân sống dọc theo sông Tiền và sông Hậu đã vào vụ chế biến khô cá trê, cá ngát, thậm chí cá vồ đém, cá hú hay cá cóc. Chị Vương Bình Khanh (ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết đây là những loại cá được các ghe cào bắt trực tiếp dưới sông lên nên thịt thơm ngon và dai chứ không như cá nuôi.
Nguyên liệu làm khô trâu ngày càng hiếm Những năm gần đây, khô trâu Phước Long (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) thành thương hiệu nổi tiếng khắp ĐBSCL. Bình quân 3kg thịt trâu tươi có thể làm được 1kg khô nên giá khá đắt, từ 600.000-700.000 đồng/kg và còn cao hơn lúc cận Tết. Tuy nhiên, theo những người chuyên làm khô trâu ở tỉnh Bạc Liêu, số lượng khô trâu làm ra luôn không đủ bán vì nguồn nguyên liệu thịt trâu tươi ngày càng khan hiếm. |
Theo NLĐ