Cước vận tải “cố thủ”: Chưa thấy doanh nghiệp nào chết vì giảm cước!

Thứ tư, 24/02/2016, 09:04
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói: "Chưa thấy doanh nghiệp vận tải nào chết vì cước thấp. Còn doanh nghiệp nào không sống được thì phải giải thể, Nhà nước không bao cấp. Vấn đề là doanh nghiệp cần xây dựng một phương án sản xuất kinh doanh cho hợp lý".

(Ảnh minh hoạ).

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính về giá cước vận tải, đại diện phía doanh nghiệp đã liệt kê ra một loạt các lý do khiến giá cước vận tải giảm chậm so với giá xăng như: quy trình, thủ tục kê khai phức tạp, tốn kém tiền nong hay xăng dầu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành nên biến động không đáng kể...

Muôn vàn lý do "chây ỳ"

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thoả - Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội thẩm định giá, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - thẳng thắn: "Người ta nói "chây ỳ", phê phán văn hoá kinh doanh là có lý do. Anh không thể lấy đủ lý do để chậm trễ như vậy được".

"Quy định về đăng ký giá đã rõ rồi, doanh nghiệp cứ tính toán mà giảm thôi chứ không có lý do gì giá xăng giảm cả tháng rồi mà cước vận tải chưa giảm. Còn về thủ tục rườm rà, doanh nghiệp phải nói rõ Sở Tài chính nào, Sở Giao thông nào chậm phê duyệt làm chậm trễ giảm giá cước. Các công tác chuẩn bị thay đổi giá cước cũng cần phải chỉ rõ đơn vị nào làm chậm, chi phí không tên nào phải nói rõ. Tất cả đều cải cách được nếu thực sự chậm chứ không thể vin vào để không giảm", ông Thoả nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, các lý do phía doanh nghiệp đưa ra có lý do chính đáng nhưng cũng có lý do chưa phù hợp.

"Ví dụ về thủ tục đăng ký giá cước vận tải, tôi cho rằng giờ phải dùng hình thức thông báo đăng ký giá cước vận tải chứ không phải kê khai. Theo quy định, doanh nghiệp phải kê khai chi phí đầu vào ở kỳ liền kề, vừa kê khai rồi nhưng nếu chỉ cần xăng dầu lên xuống lại phải kê khai lại thì tốn rất nhiều thời gian. Bản kê khai giá cước đúng 99 trang, làm 4 bộ như vậy, tốn cả chi phí đi lại".

Do đó, ông Liên cho rằng, cơ quan quản lý cần phải xây dựng bộ tiêu chí tăng giảm giá cước theo giá nhiên liệu, thậm chí bao gồm cả phí BOT (hiện chiếm tỷ lệ lớn cũng tác động nhiều tới giá thành vận tải). Theo đó, giá xăng dầu tăng giảm với tỷ lệ bao nhiều thì tương ứng với tỷ lệ cước vận tải tăng giảm nhất định.

"Về phía doanh nghiệp, thời gian qua có nhiều chi phí tăng lên nhưng không nên lấy cớ đó để không giảm khi giá xăng dầu giảm. Có đơn vị lấy lý do bất hợp lý khi nêu thời gian kiểm định rút xuống 6 tháng khiến chi phí kiểm định tăng gấp đôi nhưng thực tế quy định này tới tháng 7 mới có hiệu lực… Hay như có hãng kêu phải chịu nhiều chi phí đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng thực tế có đóng đâu do doanh nghiệp khoán cho lái xe và thậm chí thu tiền nhưng không đóng", ông Liên nói.

Chưa thấy doanh nghiệp nào chết vì giảm cước

Theo phân tích của ông Thoả, việc cước vận tải giảm chậm "rõ ràng là không được" bởi theo tính toán, giá đầu vào là giá xăng đã giảm tới 16%, giá dầu giảm 20% tính từ đầu năm nay. Theo đó, doanh nghiệp cần phải giảm giá cước với loại hình chạy xăng từ 500-600 đồng/km và chạy dầu phải giảm khoảng 7%/km.

"Cần phải giảm giá cước vì trong những tháng đầu năm nay khi giá xăng dầu giảm nhưng các yếu tố đầu vào khác vẫn giữ bình thường. Thực tế, TP.HCM đã có một số hãng công bố giảm 500 đồng/km. Các doanh nghiệp cần phải tính toán lại để giảm cho phù hợp", ông nói thêm.

Trả lời câu hỏi về việc giá cước vận tải nếu điều chỉnh giảm có khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hay không, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói: "Chưa thấy doanh nghiệp vận tải nào chết vì cước thấp. Có doanh nghiệp taxi từ khi thành lập đến nay, cước cố định 9.500 đồng/km, chưa tăng bao giờ mà đến nay vẫn hoạt động tốt. Còn doanh nghiệp nào không sống được thì phải giải thể, Nhà nước không bao cấp. Vấn đề là doanh nghiệp cần xây dựng một phương án sản xuất kinh doanh cho hợp lý".

Ông cũng chia sẻ thêm rằng: "Theo tìm hiểu của tôi, mức lương với tài xế taxi tại một hãng hoạt động có thương hiệu cũng phải 8 - 9 triệu đồng/tháng, hãng bình thường bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập vậy cũng là tạm được, thậm chí cao hơn cả nhân viên nhiều ngân hàng lớn. Do vậy, đừng nói hạ giá cước mà thiệt thòi hay khiến doanh nghiệp gặp khó khăn".

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn