Nông dân Củ Chi vừa mừng vừa lo chờ tin từ Vinamilk

Thứ ba, 23/02/2016, 10:41
Trước thông tin Vinamilk sẽ mua sữa trở lại cho những hộ chưa có hợp đồng, nhiều hộ nuôi ở Củ Chi tranh thủ tu bổ chuồng trại để đảm bảo các tiêu chí đơn vị thu mua đưa ra.
Một trong những quy định đảm bảo chất lượng sữa bò của Vinamilk là nền chuồng phải được tráng xi măng, bò được tắm rửa vệ sinh hàng ngày trước khi lấy sữa.

Anh Nguyễn Văn Hiệp, nông dân nuôi bò sữa ở xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi, cho biết nhà anh có 6 con bò, nhưng chưa có hợp đồng thu mua với bất kỳ công ty sữa nào.

Năm trước, để tiêu thụ sữa, gia đình anh phải thuê người vắt, thu nhập mất hết 1/3 so với các hộ có hợp đồng. Số sữa dư anh phải chạy khắp nơi để rao bán.

“Nghe tin Vinamilk sẽ thu mua sữa bò, tôi vừa mừng vừa lo lắng, không biết đàn bò của mình có đảm bảo chất lượng hay không. Trước mắt, tôi chỉ biết dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, liên hệ với uỷ ban xã để tìm hiểu thông tin, thực hiện các quy định về vệ sinh phòng bệnh cho đàn bò”, anh Hiệp cho hay.

Nhiều hộ nuôi bò gần nhà anh Hiệp, do không bán được sữa, đã thanh lý toàn bộ hoặc bán bớt bò để giảm chi phí nuôi.

Ông Nguyễn Mai Tiến, một hộ nuôi bò ở xã Tân Thạnh Đông, cho biết do không có hợp đồng thu mua, hàng ngày, ông phải thuê người vắt sữa. Song lượng sữa tiêu thụ được chỉ chiếm phân nửa số bò nuôi, nên vào cuối năm 2015, ông đã bán hơn nửa số bò sữa cho một số hộ nuôi có hợp đồng tiêu thụ sữa, một số bán cho lò mổ.

Ông Tiến cho rằng, chuyện ký hợp đồng tiêu thụ sữa tại địa phương cũng có nhiều khúc mắc. Việc lấy mẫu sữa để kiểm định sữa đạt chất lượng hay không thì chưa rõ ràng và công khai. Cùng một mẫu thử nhưng xuất hiện nhiều kết quả, điểm thu mua báo không đạt, nhưng khi nông dân tự lấy mẫu đi kiểm tra ở các trung tâm xét nghiệm khác thì không có vấn đề gì.

Trong khi đó, nhiều hộ dân có hợp đồng thu mua lại cho rằng, nếu hộ nào tuân thủ theo đúng quy trình chuồng trại, chăm sóc bò của các công ty thì sẽ không bị giới hạn định mức, giá bán luôn ổn định 13.000-14.000 đồng/kg.

Anh Hiếu, chủ một trại bò sữa trên đường Nguyễn Thị Rạch cho biết, mỗi công ty sữa đều có những yêu cầu riêng về tiêu chuẩn chăm sóc bò, kiểm định chất lượng sữa. Theo kinh nghiệm của anh Hiếu, để các đơn vị thu mua "gật đầu" ký hợp đồng thu mua, hộ nuôi nên chủ động cải tạo trước hệ thống chuồng trại, vệ sinh, bổ sung thêm khẩu phần ăn đáp ứng dinh dưỡng cho bò...

Khi ký hợp đồng tiêu thụ sữa với Vinamilk, nông dân sẽ được trang bị bình chứa đúng chất lượng, cả cách bảo quản để mang đến đại lý gần nhất.

Anh Hưng, nông dân nuôi bò sữa ở xã An Phú thì cho rằng, gia đình anh có 8 con bò sữa, nhưng lại không ký được hợp đồng thu mua, trong khi điều kiện nuôi bò sữa của nhà anh cũng giống như quy trình ở các hộ đã có hợp đồng.

Trước thông tin doanh nghiệp thu mua sẽ ký hợp đồng bổ sung lần này, anh đang chủ động thực hiện theo tất cả các quy trình kỹ thuật, chuồng trại, vắt sữa… mong cầm được bản cam kết thu mua để không phải chạy ngược chạy xuôi bán lẻ sữa như thời gian qua.

Theo thống kê mới nhất của xã An Phú, một trong những địa phương có đàn bò sữa lớn ở Củ Chi, toàn xã có 436 hộ nuôi, với 4.925 con bò sữa, nhưng có đến 107 hộ chưa có hợp đồng tiêu thụ sữa. Ngoài ra, có 139 hộ bán sữa cho Vinamilk, 200 hộ bán sữa cho Công ty FrieslandCampina (Dutch Lady cũ).

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND xã An Phú cho biết, Uỷ ban huyện đang hỗ trợ các xã, thị trấn thống kê tổng đàn bò, thực hiện chỉ đạo giữ vững tổng đàn, khuyến cáo người dân không nên bán tháo.

Theo ông Tài, gần đây xuất hiện thông tin nông dân bán tháo bò sữa, nhưng thực tế nhiều hộ chỉ sang chiết đàn, bán bớt để chờ ký hợp đồng với các công ty sữa.

Mỗi ngày, những nông dân có ký hợp đồng tiêu thu sẽ thu hoạch sữa bò 2 lần và mang đến điểm thu mua sữa ngay.

Theo ông Tài, các đơn vị thu mua cần có một quy chế về chất lượng sản phẩm rõ ràng hơn và thông báo đến từng hộ cho bà con nông dân biết, thực hiện, để có được chất lượng sữa theo yêu cầu. Hiện tại, nông dân nuôi bò trong xã đang rất phấn khởi trước thông tin doanh nghiệp sẽ tiếp tục ký hợp đồng thu mua sữa.

Phó chủ tịch xã An Phú cũng cho biết thêm, trong quý I/2016, UBND xã đã phối hợp với nhiều đơn vị tham gia xây dựng một hợp tác xã sản xuất các sản phẩm từ sữa bò như sữa chua, sữa tươi…

Thực tế, mô hình này phát triển từ một hộ dân trong vùng, hiện nay mỗi ngày đã thu mua sữa của 5-7 hộ. Hợp tác xã đang trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, sẽ ra mắt trong thời gian sắp tới.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, địa phương đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM thống kê lại số hộ nuôi, tổng đàn bò sữa toàn huyện, số hộ đã bán sữa cho các doanh nghiệp cũng như số chưa ký hợp đồng. Sau khi có số liệu chính thức sẽ làm việc lại với các đơn vị thu mua.

Theo ông Phú, do số lượng hộ nuôi bò sữa của toàn huyện nằm rải rác ở cả 21 xã, thị trấn nên dù chính quyền địa phương đã nỗ lực suốt 4 ngày qua vẫn chưa hoàn tất, dự kiến ngày 24/2 sẽ chốt con số cuối cùng và sẽ có thông báo chính thức phương án thu mua sữa bò trên địa bàn huyện đến hộ nuôi.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích