Ngày 25/3, PV đã đến huyện Tây Giang. Tuy nhiên khi lên đến nơi thì được biết ông Bh’riu Liếc đã đi TP.Tam Kỳ họp thường vụ Tỉnh ủy. PV đã làm việc với ông Đoàn Thanh Thuận – Phó Bí thư thường trực huyện ủy Tây Giang - về vụ việc.
Trước cửa hầm là đống đá do ông Liếc đưa từ trong hầm ra |
Ông Đoàn Thanh Thuận cho biết, việc ông Liếc đào đường hầm này từ năm 2009 và người dân ở đây ai cũng biết. Hơn nữa, gia đình ông Liếc (quê ông Liếc ở xã Axan, huyện Tây Giang) có truyền thống nấu rượu nên việc ông đào đường hầm là để chứa rượu chứ không phải để đào vàng như thông tin đồn đoán.
Ông Thuận đã đưa chúng tôi đến nhà ông Bh’riu Liếc để được “mục sở thị” đường hầm này.
Miệng hầm hướng ra con đường ngay trước mặt nhà ông Liếc |
Miệng của đường hầm này hướng ra con đường to nhất huyện, người dân có thể dễ dàng nhận thấy từ ngoài đường. Hiện miệng hầm đã được che bằng tấm bạt. Phía trước miệng hầm là đống đá to, theo ông Thuận cho biết đá từ trong đường hầm do ông Liếc đào rồi chở ra đổ từ mấy năm nay.
Miệng hầm đã được che bằng bạt, muốn vào trong hầm phải vạch tấm bạt sang một bên |
Vạch tấm bạt, chúng tôi đi vào trong hầm. Cảm giác hun hút, lạnh sống lưng vì hoang vắng và lạnh lẽo của đường hầm. Đường hầm rộng khoảng 1,5m, cao khoảng 2m, đi không cần khom lưng, cúi đầu. Nền hầm vẫn còn lởm chởm đá, phải dùng đèn pin chiếu từ điện thoại mới có thể thấy đường đi. Bên trong hầm có vài ngách đã được ông Liếc đào sẵn.
Bên trong hầm rất tối và lạnh |
Trong hầm rất tối và lạnh, nếu đi không cẩn thận có thể va vào đá hai bên thành hầm.
Một số ngách trong hầm đã được đào sẵn |
Đường hầm ước chừng chỉ dài khoảng 50m chứ không phải gần 100m như đồn đoán vì bên này miệng hầm nói to thì bên kia cũng có thể nghe và đi bộ qua hầm chỉ mất ít phút.
Miệng hầm phía trong nhà hướng ra ngay nơi nấu rượu của gia đình ông Liếc |
Qua bên kia hầm (phía sau ngôi nhà) là nơi nấu rượu của gia đình ông Liếc. Tại đây, có vài người cháu của ông Liếc đang nấu rượu, gạo đang được nấu bốc khói nghi ngút, hầm ủ men cũng đang hoạt động… Ngay chỗ nấu rượu là ao cá ông Liếc đang nuôi.
Việc nấu rượu của gia đình ông Liếc vẫn đang được tiến hành |
Ông Đoàn Thanh Thuận cho biết, ngay chỗ miệng hầm là nơi anh em công tác tại huyện uỷ thỉnh thoảng lại qua ngồi uống rượu với nhau. Bản thân ông Thuận cũng thấy miệng hầm này lâu nay. Ông Thuận cho biết, gia đình ông Liếc có “bí quyết” nấu rượu bằng một loại lá cây rừng. Hiện việc nấu rượu do vợ ông Liếc đảm nhận, tuy nhiên khi chúng tôi có mặt thì không thấy vợ của ông Liếc ở đây.
Ông Đoàn Thanh Thuận cho biết, việc đào hầm của ông Liếc thực hiện từ năm 2009, người dân địa phương đi ngang qua ai cũng biết. Khu đất đồi nơi ông Liếc đào hầm do ông mua từ nhiều năm trước, có sổ đỏ. “Anh em có hỏi thì ông Liếc nói đào để mai mốt về hưu cất, ủ rượu cho vui”, ông Thuận nói.
Với câu hỏi, việc ông Liếc đào hầm có vi phạm gì không, ông Thuận đáp, chờ tỉnh cử đoàn công tác lên xác minh chứ ông không thể trả lời được. “Vài ngày nữa, tỉnh sẽ có đoàn công tác lên kiểm tra, đúng sai thế nào sẽ có kết luận cụ thể”, ông Thuận nói.
Theo Dân Trí