Khi bắt nghi can khủng bố Reda Kriket, cảnh sát Pháp phong tỏa khu vực quanh căn hộ ở ngoại ô Argenteuil. Ảnh: Getty Images |
Cảnh sát Bỉ vẫn đang điều tra ba vụ tấn công ở Brussels khiến 31 người thiệt mạng. Ba vụ đánh bom tự sát này liên quan các vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái. Báo chí Bỉ đưa tin, cảnh sát hôm qua đã khống chế một người đàn ông mang ba lô sau khi đối tượng này không tuân lệnh cảnh sát. Trong khi đó, cảnh sát vũ trang, xe quân sự phong tỏa một khu vực gần quảng trường Meiser ở Brussels.
Các nhân chứng nói rằng, họ nhìn thấy cảnh sát bắn vào chân người đàn ông mang súng máy. Truyền hình Bỉ chiếu cảnh đội xử lý bom mìn có mặt tại hiện trường. Một người dân địa phương tên là Marios nói với BBC: “Tôi nghe thấy hai tiếng súng nổ rất lớn. Ngay lập tức, cảnh sát tới nơi… Và tôi nghe thấy một tiếng súng nữa”.
Đêm 25/3, báo chí châu Âu đưa tin, tại Brussels, bảy nghi can bị bắt tại trung tâm thủ đô và ba quận Schaerbeek, Jette và Forest. Tại Paris, nghi can Reda Kriket, 34 tuổi, bị bắt ở ngoại ô Argenteuil khi đang trong giai đoạn cuối thực hiện âm mưu tấn công khủng bố.
Năm 2015, tòa án Brussels kết tội Kriket tuyển quân cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) cùng với Abdelhamid Abaaoud – chủ mưu các vụ tấn công Paris cuối năm ngoái. Tại Đức, hai nghi can thánh chiến bị bắt tại hai thành phố Dusseldorf và Giessen. Cả hai bị tình nghi có liên hệ với một trong những kẻ đánh bom Brussels, báo Đức Der Spiegelđưa tin.
Hôm qua, tại Brussels, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, IS sẽ bị tiêu diệt. Đứng cạnh Thủ tướng Bỉ Charles Michel, Ngoại trưởng Mỹ chuyển lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và bày tỏ tình đoàn kết với Bỉ. Ông Kerry tuyên bố: “Chúng ta là người Brussels”; Liên minh phương Tây sẽ tiếp tục cuộc chiến tiêu diệt IS. “Chúng ta sẽ không bị đe dọa. Chúng ta sẽ không nhụt chí”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Công dân Mỹ, Anh, Hà Lan, Trung Quốc… thiệt mạng
Cơ quan chức năng Bỉ hôm qua thông báo, những người thiệt mạng và bị thương trong ba vụ đánh bom đẫm máu ở Brussels đến từ 40 nước. Trong số người thiệt mạng có ba công dân Hà Lan, hai người Mỹ, một người Anh (tên là David Dixon), một công dân Trung Quốc…
Kẻ đánh bom tự sát Brahim el-Bakraoui từng bị bắt ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Ảnh: AP |
Vụ đánh bom Brussels tiếp tục gây tranh cãi chính trị. Một số nước cho rằng, lẽ ra, Bỉ đã có thể làm được nhiều việc hơn để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, hồi tháng 6/2015, nước này bắt giữ và trục xuất Brahim el-Bakraoui - một trong những kẻ đánh bom Brussels. Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo Bỉ rằng, Bakraoui là một “chiến binh nước ngoài”, nhưng cảnh báo này đã bị “phớt lờ”. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, giới chức Hà Lan cũng đã được cảnh báo.
Bakraoui là một trong ba người đàn ông thực hiện hai vụ đánh bom ở sân bay quốc tế Brussels, sát hại 11 người. Cảnh sát vẫn chưa xác định được hai đối tượng khác cũng tấn công sân bay. Em trai của Brahim el-Bakraoui là Khalid đánh bom tự sát tại ga tàu điện ngầm Maelbeek, khiến 20 người chết. Trong video giám sát tại nhà ga, một người đàn ông mang túi lớn đứng bên cạnh Khalid và đối tượng này đang bị cảnh sát săn lùng. Các điều tra viên cũng đang nghiên cứu giả thiết rằng, nhóm khủng bố Brussels lập kế hoạch một vụ tấn công quy mô lớn hơn nhiều, gồm đánh bom tự sát và xả súng kiểu tấn công ở Paris.
Nguy cơ khủng bố hạt nhân Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Yukiya Amano hôm qua nói rằng, các nước cần phải tăng cường an ninh hạt nhân vì “không thể loại trừ khả năng khủng bố sử dụng vật liệu hạt nhân”, ABC News đưa tin. Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân sẽ diễn ra tại Mỹ từ ngày 31/3 tới 1/4 để bàn giải pháp đảm bảo an toàn cho vật liệu hạt nhân ở khoảng 1.000 cơ sở hạt nhân khắp thế giới. |
Theo Tiền Phong