Chiều 25/3, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đưa 2 cẩu nổi đến lưu vực sông Đồng Nai thuộc TP Biên Hòa (Đồng Nai) để chuẩn bị cho việc trục vớt các hạng mục cầu Ghềnh. Cẩu nổi thuộc loại có lớn nhất Việt Nam với công suất 150 tấn và 500 tấn.
Cẩu nổi được VEC đưa đến hiện trường cầu Ghềnh sập để phục vụ việc trục vớt. Ảnh:Ngọc An. |
Theo VEC, cẩu 500 tấn được di chuyển bằng sà lan tải trọng 3.800 tấn trong khi chiếc công suất nhỏ hơn được vận chuyển bới sà lan 1.600 tấn đến hiện trường. Trước đó, bộ cẩu nội này thi công các hạng mục xây dựng tại công trường cầu Bình Khánh (huyện Nhà Bè, TP.HCM), thuộc gói thầu J1 của dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
VEC đưa các phương tiện phục vụ trục vớt cầu Ghềnh theo sự chỉ đạo từ Bộ GTVT và việc vớt cầu có thể được triển khai vào ngày 27/3.
Lực lượng Công an Đồng Nai tổ chức khám nghiệm hiện trường sập cầu Ghềnh. Ảnh:Ngọc An. |
Trước đó, một công ty dự thầu việc trục vớt đưa ra mức kinh phí dự tính trên 12 tỷ đồng. Họ phải cắt nhỏ các hạng mục, kết cấu thép của cầu sau đó dùng cẩu đưa lên sà lan rồi di chuyển đến nơi tập kết. Việc trục vớt các nhịp, trụ cầu có trọng lượng lớn được đánh giá rất khó khăn do nước qua lưu vực sông chảy xiết.
Sự cố giao thông đường thủy xảy ra vào 11h30 ngày 20/3 khi chiếc sà lan nặng 800 tấn va vào trụ cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai.
Vụ va chạm làm 2 nhịp cầu bị gãy, 3 người rơi xuống cầu nhưng đã được cứu sống. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn. Theo cơ quan chức năng, sau 3-5 tháng, tuyến đường sắt này mới thông suốt trở lại. |
Theo Zing