Sà lan được phép qua phần còn lại của cầu Ghềnh có sự giám sát. |
Bất trị
Trưa 23/3, trên tuyến sông Sài Gòn, đoạn chảy qua cầu đường sắt Bình Lợi (nối hai quận Bình Thạnh, Thủ Đức), chỉ trong hai giờ, chúng tôi đếm được 13 chiếc sà lan chở đầy cát, đá dăm lần lượt chui qua cầu trước sự hồi hộp của các nhân viên trạm điều tiết cầu đường sắt Bình Lợi. Cả 13 sà lan đều chở khẳm, thân ngập sâu quá mớn nước, có chiếc thậm chí thân chỉ ló lên mặt nước khoảng một gang tay nên các tàu lai dắt khá vất vả.
Một cán bộ trạm điều tiết (đề nghị không nêu tên) nói: Cứ nhìn mớn nước, người không có chuyên môn cũng biết 100% sà lan đều chở quá tải nhưng chúng tôi không làm gì được. Chức năng xử phạt thuộc lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy (CSGTĐT). Chúng tôi chỉ nhắc nhở, điều tiết và hướng dẫn họ lưu thông qua cầu sao cho an toàn.
“Nhiều hôm triều cường lên cao, tĩnh không khoang thông thuyền cầu Bình Lợi chỉ còn hơn 1m. Chúng tôi yêu cầu họ neo lại chờ nước ròng để đảm bảo an toàn. Vậy mà nhiều anh em bị chửi, đe dọa. Nhiều tài công rất côn đồ. Như ba vụ sà lan va đội làm hư hỏng cầu Bình Lợi năm 2015, chúng tôi đều cảnh báo, nhắc nhở nhưng họ phớt lờ. Mấy hôm nay, lực lượng CSGT tuần tra liên tục nên tình hình có lắng xuống” - ông nói.
Sà lan mắc kẹt dưới chân cầu Bình Lợi TP.HCM. |
Theo ông Trần Xuân Thảo, thuyền phó một tàu hàng cặp cảng Khánh Hội (quận 4), mỗi khi vào phao số 0, nỗi lo lớn nhất của các tàu hàng là các phương tiện thủy như sà lan, ghe thuyền vô tư “lấn luồng”. Những đoạn sông nguy hiểm nhất là Mỹ Cảnh - ngã ba Đèn đỏ dài khoảng 6,5 hải lý, đoạn Đá hàn - hải lý 30 dài khoảng 12 hải lý...
Ông Thảo kể: "Mới tuần trước, tàu đang chạy ngon trớn, đến đoạn cua phía trước bỗng xuất hiện hai chiếc tàu kéo sà lan chở cát cố... vượt nhau ngay giữa luồng hàng hải. Chúng tôi phải kéo còi báo động và cho tàu lách vào sát luồng, đi qua vùng nước nông mới tránh được vụ va chạm. Để dừng được con tàu đang chạy cần từ 2-3km đường sông”.
Theo ông Hùng (46 tuổi, ngụ quận 4), một tài công tàu kéo sà lan, sông Sài Gòn, Đồng Nai sóng nhỏ, chảy không xiết như sông Lòng Tàu, Soài Rạp nên hầu hết sà lan đều chở quá tải. “Tụi tui là người làm công ăn lương, chở ít hay nhiều chủ quyết định. Có lần, tui nói chở khẳm quá qua cầu Bình Lợi nguy hiểm nhưng ông chủ bảo chở nặng, sà lan ngập xuống dễ… chui qua cầu hơn. Càng chở nặng, ổng càng có lời”- ông Hùng giãi bày.
Hai chiếc sà lan chở cát quá tải neo gần cầu Bình Triệu 2 (quận Bình Thạnh), sẵn sàng chờ nước ròng để qua cầu Bình Lợi. |
Tràn lan bằng thuê, bằng giả
Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 (Bộ Giao thông Vận tải) thừa nhận rất khó kiểm soát, ngăn chặn từ gốc vì các sà lan chở cát, đá trên sông không xuất phát từ bến, cảng mà từ các vựa cát, vật liệu xây dựng bên sông.
Mới đây, lực lượng CSGTĐT TP.Cần Thơ phát hiện tài công Dương Thành Nhân điều khiển sà lan chở cát quá tải trọng trên sông Hậu nên thu giữ bằng và phát hiện bằng thuyền trưởng (hạng 2) của Nhân là bằng giả. Từ lời khai của Nhân, cơ quan điều tra đã bắt giữ Nguyễn Thanh Dũng và Huỳnh Công Duyệt, thu giữ 80 bằng thuyền trưởng, máy trưởng giả. Những người sử dụng khai nhận đã mua mỗi bằng với giá từ 10-20 triệu đồng. |
Đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa cho biết TP.HCM có trên 330 cảng, bến thủy nội địa, hầu hết có chiều rộng vùng nước hạn chế (nhỏ hơn hoặc bằng 10m).
Tàu và sà lan nói riêng vào các cảng, bến đều quá phạm vi vùng nước cho phép từ 1 - 2m nên bị xử phạt. Để đối phó, chủ đưa phương tiện vào các bến cảng không phép né tránh cơ quan chức năng kiểm tra nên càng có nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Ngoài ra, do lượng phương tiện đóng mới tăng cao, nhu cầu sử dụng người có chứng chỉ lái tàu tăng cao. Tuy nhiên, vừa qua, Bộ GTVT ban hành Thông tư 47/2015 nhằm tăng cường đảm bảo an toàn giao thông khiến nhiều đơn vị càng khó tuyển được người có bằng lái tàu.
Lãnh đạo Chi cục đường thủy nội địa phía Nam cảnh báo tình trạng thuê bằng thuyền trưởng để đối phó với cơ quan chức năng. Theo quy định người có bằng thuyền trưởng hạng nhất phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp, hộ gia đình hành nghề vận tải thủy có truyền thống cha truyền con nối không có điều kiện học hành để được cấp chứng chỉ theo quy định. Để đối phó với việc thiếu bằng lái tàu, nhiều gia đình, doanh nghiệp vận tải đã thuê bằng thuyền trưởng hạng nhất, hạng nhì với giá từ 3-7 triệu đồng/tháng để tránh bị phạt khi bị kiểm tra.
Chỉ 4% người điều khiển có bằng lái Theo thống kê của Tổng cục VII, Bộ Công an, cả nước hiện có khoảng 2.000 tàu biển, hơn 800.000 phương tiện thủy nội địa nhưng quá nửa chưa đăng ký, đăng kiểm. Tổng số người điều khiển phương tiện thủy theo luật định phải có bằng thuyền trưởng là hơn 100 ngàn người nhưng thực tế hiện số này chỉ chiếm không quá 30%. Tỷ lệ người có chứng chỉ lái phương tiện đường thủy trên cả nước chỉ đạt gần 4%, số còn lại không có bằng, chứng chỉ chuyên môn nhưng vẫn điều khiển phương tiện. |
Theo Tiền Phong