Đúng vào giờ cao điểm, ở những địa điểm đông người, sảnh đi sân bay Zaventem và trạm tàu điện ngầm Maelbeek, ba vụ nổ xảy ra chỉ cách nhau trong vòng một giờ, cướp đi sinh mạng và làm bị thương hàng trăm người...
Đấy là chưa kể một đai bom chưa nổ bị bỏ lại ở sân bay Zaventem, rất có thể là do một kẻ khủng bố đã run sợ vào phút cuối cùng mà không đặt ngón tay lên thiết bị kích nổ.
Xảy ra vào đúng thời điểm người dân đi làm đông đúc nhất, cộng với thông tin những quả bom phát nổ thậm chí đã được trộn thêm đinh, cho thấy những kẻ khủng bố liều chết đã nhằm tới một mục tiêu nhẫn tâm là tăng tối đa khả năng sát thương trong các vụ nổ.
Nước Bỉ, châu Âu và cả thế giới lại một lần nữa rung chuyển bởi những vụ đánh bom khủng bố.
Điều đáng buồn là các vụ khủng bố ở Brussels xảy ra chỉ vài ngày sau khi diễn ra vụ bắt giữ nghi can cuối cùng còn sống trong vụ khủng bố Paris 4 tháng trước làm 130 người chết và hơn 350 người bị thương. Có nghĩa là khả năng bọn khủng bố sẽ tiến hành các kế hoạch trả thù là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bản thân thủ đô của Bỉ cũng đang trong trạng thái báo động cao, an ninh được siết chặt. Nói cách khác, sau những vụ tấn công ở Paris, tiếp đó là các chiến dịch truy quét những nghi phạm trên khắp châu Âu, các giới chức chính quyền đã hết sức lo ngại về nguy cơ khủng bố.
Vậy mà điều người ta lo sợ vẫn xảy ra: Bom nổ ở Brussels, “trái tim của châu Âu”.
Vụ nổ bom tại trạm xe điện ngầm Maelbeek chỉ cách tổng hành dinh của Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu từ 300 đến 400 mét. Bằng việc tiến hành các vụ khủng bố ở “khu EU” của Brussels, những kẻ khủng bố đã truyền đi một thông điệp rõ ràng: Chúng có khả năng kích hoạt cái chết ở ngay những trung tâm đầu não của châu Âu.
Từ New York đến Paris rồi Brussels, từ Al Qaeda đến IS, từ ngày 11-9-2001 đến 22-3-2016, chủ nghĩa khủng bố đã goeo rắc sợ hãi ở ngay những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của thế giới phương Tây.
Cho dù các vụ tấn công ở Brussels có nhằm mục đích trả thù cho vụ bắt giữ nghi phạm Paris trước đó hay đã được lên kế hoạch kỹ càng từ trước thì mục tiêu của chúng không thay đổi: Những kẻ khủng bố muốn cho thế giới thấy chúng vẫn hiện diện và đủ khả năng tiến hành các hành động bạo lực bất chấp những biện pháp truy quét của các cơ quan chức năng sau những vụ tấn công ở Paris 4 tháng trước.
Hiện trường một vụ đánh bom tại ga tàu điện ngầm ở Brussels ngày 22-3. |
Sau khi diễn ra các vụ khủng bố ở Brussels, ngay lập tức, giới chức nhiều nơi đã lên tiếng chê trách hệ thống an ninh, tình báo của Bỉ có nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố xâm nhập dễ dàng vào các địa bàn nhạy cảm, sân bay, ga xe điện ngầm để gây tội ác.
Nhưng cần phải hiểu rằng chủ nghĩa khủng bố 2016 đã khác xa với 2001. Lần đầu tiên trong lịch sử lâu dài của chủ nghĩa khủng bố, đã có hẳn một tổ chức tự xưng chiếm đóng những vùng lãnh thổ rộng lớn, thiết lập hệ thống quản lý kiểu nhà nước, lấy khủng bố làm phương thức hoạt động chính. Những đòn không kích nhằm vào các cơ sở tiếp liệu, kho tàng, những biện pháp tài chính nhằm siết dòng tiền để nuôi dưỡng đội quân thánh chiến chỉ phần nào gây khó khăn cho chúng.
Điều nguy hiểm nằm ở chỗ khác: Những kẻ khủng bố được truyền cảm hứng có thể tự tổ chức các hoạt động bạo lực mà không nhất thiết phải nhận lệnh từ trung tâm đầu não. Những kẻ cầm đầu tối cao của tổ chức khủng bố không nhất thiết phải biết trước mà cho các chân rết khủng bố tự lên kế hoạch, lựa chọn thời điểm, mục tiêu và phương thức thích hợp để ra tay.
Sự bất đối xứng trong cơ cấu an ninh giữa các quốc gia thành viên EU cũng đã tạo kẽ hở để những kẻ khủng bố len vào đó hoạt động. Một EU không biên giới, làn sóng di cư ồ ạt tới châu Âu đã là môi trường lý tưởng để các tổ chức khủng bố lợi dụng tiến hành những hoạt động chết chóc của chúng.
Điều hiển nhiên là sau vụ khủng bố ở Brussels ngày 22-3, sẽ có hàng loạt biện pháp chống khủng bố được các giới chức an ninh, không chỉ riêng của Bỉ, tung ra. Cuộc chiến chống khủng bố sẽ không dừng lại vì tiếng nổ của vài kẻ đánh bom liều chết. Đó sẽ là một vòng xoáy chết người: Khủng bố, chống khủng bố, rồi lại trả đũa... Những lời đe dọa hắc ám đầu tiên đã được IS đưa ra.
Đó là một cuộc chiến vô cùng cam go, bởi đối tượng bị khủng bố ngày càng phổ cập hơn và do đó, khả năng phòng bị sẽ khó hơn bội phần cũng như tỷ lệ thương vong cao hơn đáng kể. Nếu vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris tháng 1-2015, bọn khủng bố nhằm mục tiêu thảm sát những người cụ thể mà chúng cho là phải chịu trách nhiệm chính vì đã báng bổ tôn giáo, thì vẫn ở Paris sau đó và Brussels hôm nay, nạn nhân có thể là bất cứ ai không may có mặt ở vào đúng thời điểm và vị trí nơi diễn ra các vụ tấn công. Rất nhiều người buổi sáng rời nhà đến công sở, những người dân thường vô tội thực hiện một chuyến đi bằng xe điện ngầm hay máy bay, đã vĩnh viễn không còn được thấy ánh mặt trời mà không hiểu vì sao!
Nói cách khác, dù là New York 2001 hay Brussels 2016, chủ nghĩa khủng bố đều đã nhằm vào những người dân thường vô tội, chỉ vì coi họ là biểu tượng, là đại diện cho quốc gia mà chúng căm ghét.
Nỗi bất an do nguy cơ khủng bố gây ra thì giống nhau, nhưng phương thức của chúng thì rất khác nhau. Những kẻ khủng bố đã rất biết cách thay đổi để thích nghi với chính cuộc chiến khủng bố đã diễn ra trên toàn cầu kể từ ngày 11-9-2001.
Những ai kêu gọi đóng cửa biên giới của EU để chống khủng bố hẳn phải hiểu rằng các kẻ khủng bố giờ đây không chỉ tới từ bên ngoài; kẻ thù sống ngay trong lòng các thành phố châu Âu. Mối đe dọa khủng bố là toàn cầu, nhưng những kẻ sát nhân lại địa phương!
Mối đe dọa khủng bố có thể tăng lên hay giảm đi, nhưng sẽ không biến mất chỉ sau những vụ bắt giữ một vài cá nhân khủng bố. Khi vẫn còn những người tự coi mình bị gạt ra bên lề xã hội, quá trình hội nhập của một bộ phận người di cư vào đời sống châu Âu còn đầy trắc trở, khi các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc, chính trị vẫn diễn ra đâu đó trên thế giới, khi một giá trị sống này cảm thấy bị một giá trị sống khác chèn ép và thua thiệt, thì đó vẫn sẽ là môi trường thuận lợi, là công cụ hữu hiệu để tuyển mộ nhân lực cho chủ nghĩa khủng bố.
Nhưng chủ nghĩa khủng bố không chiến thắng ở Brussels. Có thể “trái tim châu Âu” loạn nhịp trong chốc lát, nhưng ở thủ đô của Bỉ hay bất cứ nơi nào khác, cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn tiếp tục, chừng nào mà những giá trị nhân văn vẫn mạnh mẽ hơn nỗi sợ hãi, lòng hận thù và bạo lực không thể thay thế cho hòa bình, tình yêu trên trái đất này.
Theo QĐND