TP.Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao (Trong ảnh: Xa lộ Hà Nội tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Đông thành phố) |
Sài Gòn trước năm 1975 từng được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông, nơi mà các nước trong khu vực như: Singapore, Thái Lan, Malaysia… nhìn về với một sự ngưỡng mộ, khao khát. Nhưng đến nay Sài Gòn lại tụt hậu không những so với khu vực mà còn thua một số tỉnh trong nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chính vì vậy, ngay những ngày đầu nhậm chức, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt vấn đề làm thế nào để giành lại vị thế dẫn đầu của TP? Báo Giao thông đi tìm câu trả lời từ những chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.
Bài 1: Doanh nghiệp phải là trung tâm
Khó khăn nhưng không thể không làm được
Đã từng là “Hòn ngọc Viễn Đông”, theo ông vì sao TP.HCM lại tụt hậu?
TS. Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế: Đã có những giai đoạn Sài Gòn phồn thịnh vì nền kinh tế từng theo thị trường. Nhưng rồi chúng ta chuyển sang cơ chế bao cấp, không có kinh tế tư nhân nên nhiều DN dần dần biến mất. Chỉ sau một thời gian chuyển đổi đó, nền kinh tế TP suy nhược, nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng vì nguyên liệu được phân bổ, công nhân thiếu việc làm, giá cả đắt đỏ, trẻ em suy dinh dưỡng, thuốc trị bệnh thiếu thốn, lạm phát tăng lên tới 700% - 800%... Chính quyền TP.HCM phải “chạy ăn từng bữa” cho 3,5 triệu dân.
Tại thời điểm đó, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã đích thân xuống tận các nhà máy tìm hiểu nguyên nhân và đã lập tức huy động sức dân tìm kiếm đầu vào cho nhà máy... Cũng từ đó mới có chuyện nông sản ở các tỉnh ĐBSCL đã được xuất khẩu. Bí thư Thành ủy lúc đó đã báo cáo T.Ư kết quả này và Bộ Chính trị đã nghiên cứu. Cho đến năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài ra đời đã góp phần tạo ra khung pháp lý cho việc hình thành nền kinh tế thị trường tại Việt Nam đến nay.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng hiện nay từng nói TP.HCM không thể mặc chung một cái áo như các tỉnh miền núi, đồng bằng vì đây là TP lớn, đầu tàu kinh tế, nên phải có cơ chế riêng. Phải kiên trì kiến nghị bằng được mô hình chính quyền đô thị, tiến tới xây dựng Luật TP.HCM giống như Luật Thủ đô. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, làm sao để TP.HCM lột xác, đột phá về kinh tế?
TS. Bùi Kiến Thành tốt nghiệp kinh tế tài chính tại Đại học Columbia, New York. Ông từng giữ các vị trí: Nguyên trưởng phòng Ngoại hối, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thời Ngô Đình Diệm; Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm quốc tế Mỹ American International Underwriters; Giám sát khu vực Chicago của Tập đoàn Tài chính Quốc tế Mỹ (American International Group, AIG)... |
Việc chúng ta chuyển đổi sang nền kinh tế nhiều thành phần cũng rất khó khăn nhưng đã làm được. Đến nay, để xây dựng một cơ chế riêng cho TP.HCM cũng sẽ khó khăn nhưng không thể không làm được, nhất là khi hướng tới TP.HCM sẽ là một đặc khu kinh tế.
Hình ảnh của TP.HCM hiện nay giống như Thượng Hải của nhiều năm về trước. Nhờ vào việc lột xác, cải cách chính sách, quản lý…Thượng Hải đã vực dậy từ đống tro tàn trở thành một TP giàu mạnh. Chúng ta nên nghiên cứu mô hình của họ.
Ngoài ra, TP.HCM phải có hệ thống hành chính thông thoáng để DN đến cửa công không phải bằng phong bì mà bằng sự sáng tạo trong phương án kinh doanh, có ích cho TP. Phải nghĩ ra được quy trình làm sao có được những sản phẩm chất lượng vàng, giá thành tốt. Nghĩ xem dịch vụ nào cần phát triển, cần được ưu tiên… Chính sách tiền tệ phải đi đến được với DN chứ không phải việc của DN thì DN lo, việc của ngân hàng, ngân hàng làm, để mỗi DN đều tiếp cận được nguồn vốn, mỗi dự án đều có vốn vay...
Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông |
Nghiên cứu mô hình hỗ trợ DN vừa và nhỏ
Trong bối cảnh hội nhập, đứng ở góc độ DN, theo ông làm sao để bứt phá?
Chúng ta cứ nói hội nhập để DN bán được nhiều hàng nhưng chúng ta bán cái gì? Sản phẩm nào mang thương hiệu Việt có chất lượng quốc tế? Hãy nhìn vào những DN ngoại đã và đang chiếm lĩnh thị trường nội địa, họ không chỉ có tiền mà còn có cơ chế tốt, quản trị tốt… Trong khi DN Việt hiện nay đều xuất phát điểm là tự phát kinh doanh và không được đào tạo bài bản. Thậm chí, chẳng có mấy DN hiểu được thế nào là giá thành cận biên. Mà không hiểu được giá thành cận biên thì làm sao tính được công suất và kinh doanh...
Ở trường học dạy quản lý đến nay vẫn dạy một học thuyết có từ 200 năm trước, về đầu tàu xe lửa. Trong khi hiện nay cả thế giới đang nói về bắn tên lửa thế nào. Thế nên phải nói rằng, lãnh đạo DN trong xu hướng này phải là những người hiểu biết chứ không thể để họ tự bơi như trước đây.
Cần làm gì để DN không còn phải tự bơi, thưa ông?
Sở dĩ tôi nói DN tự bơi là tính từ hồi những năm 1980 đến nay tại TP.HCM lượng kiều hối gửi về khoảng 100 tỷ USD. Nếu không có số tiền này thì nền kinh tế không thể phát triển như hiện nay, vì chúng ta lấy tiền đâu để kinh doanh, tiền đâu để khởi nghiệp. Vào những năm 1970 và 1980 chúng ta làm gì có tích lũy đâu. Vì thế đa số nhờ có tiền kiều hối lấy ra thành lập DN rồi tự bơi và tự học.
Nhưng hoàn cảnh mỗi giai đoạn mỗi khác. Sẽ thế nào nếu DN ngoại vào chiếm lĩnh thị trường nội địa? Sẽ thế nào khi người đứng đầu một DN được bê nguyên từ công chức Nhà nước, chưa từng kinh doanh… vào vị trí là người điều hành kinh doanh?
Tại Mỹ, ngay từ những năm 1930 họ đã thành lập Tổng cục DN vừa nhỏ, làm bà đỡ hỗ trợ các DN trẻ khởi nghiệp bằng cách đào tạo quản lý, đào tạo kinh doanh, thậm chí đào tạo cả các vấn đề kỹ thuật... Những người đứng đầu tổng cục này là những người từng điều hành các DN lớn nhưng đã về hưu sẽ giúp tư vấn cho DN khởi nghiệp.
Vậy nên, TP.HCM cần nghiên cứu mô hình này, xem cách thức hoạt động của tổng cục và làm theo. Từ đó, có thể giúp DN vừa và nhỏ từ vấn đề quản lý, đào tạo, kinh doanh đến vấn đề tín dụng…
Ông có cho rằng, Việt Nam có 90% là DN vừa và nhỏ nhưng không có nhiều DN lớn, DN mũi nhọn để chèo lái thị trường nên đây cũng là một trở ngại?
Tôi không cho rằng như vậy. Ngay cả Mỹ là quốc gia lớn nhưng đại đa số cũng là DN vừa và nhỏ, chiếm tới 70%-80% chứ đâu chỉ là các tập đoàn, DN lớn. Nhưng DN của họ dù nhỏ, dù vừa cũng làm ăn rất bài bản, chuyên nghiệp. Ở Việt Nam các DN tự thành lập vào sinh hoạt với nhau thành hiệp hội chứ không phải là tổng cục DN vừa và nhỏ là chiến lược của Quốc gia.
Cảm ơn ông!
Cần có các khu trung tâm công nghệ cao thật lớn Mặc dù có sự “tụt hậu” nhưng TP.HCM vẫn giữ được vị thế là trung tâm thương mại số 1 ở Việt Nam. Muốn giữ được vị thế Hòn ngọc Viễn Đông, nhiều vấn đề đặt ra hiện nay như hạ tầng cần thay đổi nhanh chóng hơn nữa. Mặc dù tuyến Metro sắp sửa đi vào sử dụng nhưng còn đó vẫn là kẹt xe, quá tải, đường thủy thô sơ... Hệ thống giao thông TP cũng cần thay đổi, chất lượng sống cần phải nâng cao. Các quy định pháp luật phải được thay đổi nhanh chóng để đi đến thông lệ quốc tế. Cùng với đó cần có các khu trung tâm công nghệ lớn hơn Công viên phần mềm Quang Trung hiện nay, hay trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ… TS Nguyễn Trí Hiếu |
Theo Báo Giao Thông