Nhiều hiến kế giúp TP.HCM lấy lại danh hiệu 'Hòn ngọc Viễn Đông'

Thứ bảy, 07/11/2015, 09:18
Sài Gòn từng được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông", thành phố mà nhiều quốc gia mơ ước nhưng hiện đã bị vượt mặt và thành "người bám đuổi".

Tại Hội thảo khoa học Quản lý Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM ngày 6/11, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho biết, 30 năm qua đất nước thay đổi mạnh mẽ nhưng chưa thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Thậm chí tụt hậu càng xa hơn mà trong đó có trách nhiệm của TP.HCM vì là đầu tàu cả nước.

TP.HCM nhìn từ trên cao

Theo ông, thập niên 60-70, Sài Gòn được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông", thành phố được định danh duy nhất ở khu vực. Trong khi Singapore lúc đó chỉ là đảo quốc hoang vu, Bangkok cũng ít người nhắc đến. Những quốc gia này lấy Sài Gòn như hình tượng để phát triển theo.

"TP.HCM hiện phát triển hơn nhiều so với thời Hòn ngọc Viễn Đông nhưng những bước tiến đạt được chưa tương xứng tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu đua tranh với các thành phố có vị thế, chức năng tương tự trên thế giới. Những thành phố như Bangkok, Singapore, Busan... đã vượt lên, dù TP.HCM có xuất phát điểm tốt hơn", ông Thiên nói.

Viện trưởng Kinh tế này cho rằng, quan điểm của Việt Nam những năm gần đây đã thay đổi và đây là cơ hội để đưa cả nước và TP.HCM lên đẳng cấp mới.

''Thay vì so ta với chính ta để thấy toàn thành tích lớn thì cách tiếp cận so với quốc tế đang thành xu hướng. Điều này giúp thành phố định vị chính xác mình ở đâu trong cuộc đua quốc tế. Nhất là khi đất nước bước vào hội nhập sâu rộng'', ông Thiên chia sẻ.

Để TP.HCM lấy lại danh hiệu "Hòn ngọc Viễn Đông", ông Thiên cho rằng cần 20-30 năm nữa và cần phải đổi mới tư duy, tạo đột phá mạnh để vượt lên. Ông Thiên đề xuất TP.HCM nên phát triển hướng vào hai mục tiêu là hiện đại và có bản sắc nhân văn.

Theo ông, để trở thành đô thị hiện đại, TP.HCM phải là thành phố công nghệ cao, có trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng, ưu tiên phát triển đô thị ngầm, chú trọng xu hướng đô thị hóa – ly tâm và chuỗi đô thị. Đồng thời phải xây dựng đô thị thông minh từ giao thông, giáo dục đến y tế và chính quyền. Tối thiểu hóa nạn ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm môi trường…

Về bản sắc nhân văn, thành phố phải phát huy được cá tính Nam Bộ, một "anh Hai" của cả nước, là nơi công bằng, chính trực. Con người phải có tính hào sảng, hào hiệp, vị tha, có tinh thần mạo hiểm, sáng tạo. Người dân tôn trọng luật pháp, minh bạch, lịch sự.

Phối cảnh một phần khu đô thị Thủ Thiêm.

Cùng quan điểm nâng đẳng cấp cho TP.HCM, Tiến sĩ Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - cho rằng, thành phố hội đủ các yếu tố để hình thành một đô thị toàn cầu. Ông dẫn chứng, các quốc gia như Singapore hay Malaysia đều đặt các thành phố trọng điểm của họ với tầm nhìn toàn cầu để phát triển.

Ông Hải đưa ra 8 điểm để đánh giá TP.HCM phù hợp với tiêu chí toàn cầu như: dân số, lưu lượng vận tải hàng không, mạng lưới tàu điện ngầm, thị trường chứng khoán, trung tâm khoa học công nghệ, địa điểm tổ chức các sự kiện lớn, tổ chức các hội nghị quốc tế và tầm quan trọng về di sản văn hóa.

Về hiện trạng, theo TS Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM - 30% diện tích thành phố ngang mặt nước biển. Mỗi khi có triều cường, khu quận 7, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh…bị ngập. Năm 2010 mức độ ngập là 1,45m thì năm nay đạt 1,68m. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nếu nước biển dâng 0,7-1m thì 80% dân số bị ảnh hưởng.

Từ năm 1990, thành phố chủ trương phát triển về phía Nam rồi hình thành KCX Tân Thuận, nhiệt điện Phú Mỹ và đặc biệt là khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Khu vực này phát triển năng động, khiến người dân về sinh sống đông đúc đã để lại di hại nghiêm trọng khi biến TP.HCM ngập nước nghiêm trọng.

Ông Hòa đề xuất nên xem lại việc phát triển thành phố quá nhiều và dày đặc về phía Đông và Nam trong khi phía Bắc vốn cao ráo, đất nhiều lại không đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển.

Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương – Nguyên phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc – cho rằng, đô thị thành phố hiện thiếu hoàn chỉnh. Biểu hiện qua việc không đảm bảo quy chuẩn về giao thông, thoát nước, hạ tầng cơ sở, cảnh quan đô thị và môi trường.

Kẹt xe, ngập nước là vấn đề TP.HCM cần giải quyết trong thời gian tới.

Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch UBND thành phố cảm ơn những tham luận đóng góp của các đại biểu. Những đóng góp này là cơ sở để thành phố xây dựng quy hoạch, định hướng mục tiêu một TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Trong những năm qua TP.HCM luôn giữ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế với mức tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đạt 9,6%, thu nhập bình quân năm 2014 đạt 5.131 đôla mỗi người. TP.HCM nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông và Tây Nam bộ, chiếm hơn 21% GDP và hơn 29% tổng thu ngân sách cả nước.

Theo VNE

Các tin cũ hơn