Luật giao thông 'nửa mùa' ở Việt Nam

Thứ bảy, 07/11/2015, 08:41
Ý thức giao thông không tự hình thành, muốn có khuôn khổ cần có những chế tài đủ sức răn đe.

Chắc chắn không phải. Bởi lẽ con người nào khi sinh ra cũng đều sống theo bản năng, vì thế nếu không có những khuôn khổ giáo dục và pháp luật để rèn luyện, sẽ đi lệch. Như ở Việt Nam, mọi thứ đều không tới, giáo dục, chế tài đều "dở dở, ương ương", nên chạy ra đường cứ đường ai nấy đi, hồn ai nấy giữ. Đọc bài Giao thông kỳ lạ ở Nhật Bản của bạn Nguyên Khoa, tôi thấy buồn vì những thứ đáng lẽ ra cần phải như thế, lại trở nên xa xỉ và kỳ lạ với phần đông người Việt. Có phải chăng văn hóa giao thông ở Nhật Bản, Singapore hay thậm chí Lào, Campuchia được hình thành một cách tự nhiên, "đẻ ra đã có"?

Nhiều bạn cho rằng, không nên đem so sánh giữa Việt Nam với những đất nước phát triển như Nhật Bản, Singapore, vì điều kiện cơ sở hạ tầng của họ tốt hơn, làm gì cũng thuận tiện hơn. Xin thưa đó chỉ là những biện minh tự huyễn hoặc. Tôi chẳng cần nhìn đâu xa, ngay Lào, Campuchia thôi, đường phố của họ yên ắng không tiếng còi, người dân đi hiền lành nghiêm túc hơn, dù kinh tế của họ đang kém chúng ta. Đó, giờ lấy lý do gì nữa nào?

Bạn bè của tôi có người Việt sống ở Nhật lâu năm, có cả người Nhật sang Việt Nam làm việc đều nói, thực ra không phải ý thức của người Nhật tốt hơn người Việt Nam, mà do được giáo dục vào khuôn khổ từ bé, đồng thời pháp luật ở Nhật rất nghiêm, không ai dại gì mà phạm pháp.

Thầy giáo dạy tiếng Nhật của tôi hồi sinh viên từng nói, muốn ý thức giao thông tốt, thì cần biết xếp hàng. Ý thức xếp hàng là căn nguyên của mọi vấn đề. Trẻ em ở Nhật được dạy dỗ về vấn đề xếp hàng từ nhỏ, nên lớn lên, giảm dần đến triệt tiêu tính ích kỷ cá nhân, thành ra đi xe trên đường ai cũng nhường nhịn.

Về luật pháp, ở Nhật luật nghiêm, đồng thời việc thực thi cũng tới nơi tới chốn. Luật Việt Nam cũng nghiêm, nhưng khâu hành pháp chưa tốt. Ví như ở Nhật, uống rượu lái xe có thể bị phạt khoảng 60 triệu tiền Việt. Rồi tiếp theo những lỗi dẫn tới đình chỉ bằng lái, tịch thu có thời hạn và cao nhất là cấm lái xe suốt đời.

Chỉ hành động uống rượu khi lái xe ở các nước cũng có cách xử lý nghiêm hơn hẳn. Ví như ở Singapore say rượu lái xe bị phạt khoảng 3.500 USD và phạt tù 6 tháng, tái phạm tiếp có thể ngồi tù cả năm. Ở Đức trường hợp nghiêm trọng nhất cấm lái xe suốt đời, mà ở những nước này cấm lái xe thì biết đi bằng gì.

Ở Việt Nam có một điểm lạ, những thứ luật quy định rất nghiêm, thì người thực thi lại không tới, hay chỉ được một thời gian ngắn, nên mọi thứ cứ "nửa mùa". Còn nữa, ai cũng hô hào cần ý thức giao thông thế này thế nọ, nhưng khi đưa ra những chế tài nghiêm khắc, lại lên ca thán là không phù hợp hoàn cảnh kinh tế, xã hội. Bản thân tôi nghĩ, chẳng có gì là không phù hợp, đã sai trái còn muốn mặc cả sao?

Sai là sai, không có sai ít hay sai nhiều. Ví như đề xuất tịch thu xe máy nếu đi vào đường cao tốc. Tôi cho rằng hợp lý. Có người nói thế những nông dân cả nhà mới có một xe máy để mưu sinh, tịch thu của người ta lấy gì kiếm cơm. Vậy chẳng lẽ nông dân là được phạm pháp, là được sai trái ư?

Còn chuyện nhận thức, hiểu biết pháp luật người ta còn hạn chế, thì đó là việc của các cơ quan chức năng địa phương, cần tuyên truyền bằng nhiều biện pháp cho người dân hiểu. Có thể bỏ ra một quãng thời gian không phạt, chỉ nhắc nhở rằng "đến ngày này, ngày kia nếu anh vẫn vi phạm chúng tôi sẽ tịch thu", đến lúc đó có làm gì cũng hợp tình hợp lý. Địa phương nào không làm được việc, phạt thật nặng địa phương đó, xem có sợ không.

Không có gì hiệu quả bằng đánh vào kinh tế. Từ ý thức hình thành thụ động, dần dần qua thời gian, qua từng thế hệ, nó sẽ thành bản năng, thành văn hóa, như Nhật Bản hay Singapore hiện nay.

Theo VNE

Các tin cũ hơn