PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) trình bày bản dự thảo bộ tiêu chí đánh giá SGK giáo dục phổ thông gồm 4 yêu cầu, 14 tiêu chí về nội dung.
Trong các tiêu chí liên quan đến phần nội dung, một số tiêu chí được đánh giá khá mới, thể hiện sự đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Cụ thể, trong tiêu chí 7, 8 và 9, Bộ GD&ĐT yêu cầu SGK mới phải đảm bảo tính hiện đại, tính tích hợp và yêu cầu phân hóa, hướng nghiệp.
Theo ông Thống, chương trình đổi mới từ hướng nặng kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực nên khi viết sách tính tích hợp liên môn phải được coi trọng, có vấn đề phải được tích hợp xuyên chương trình như: giáo dục giới, an toàn giao thông. Một yếu tố phải đảm bảo là SGK phải đổi mới cách dạy, hình thành năng lực tự học cho học sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Hiện nay, một số nhóm tác giả đã bắt tay vào biên soạn SGK. Sau khi thống nhất được tiêu chí, ngoài bộ SGK của Bộ GD&ĐT biên soạn, đơn vị khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết nhiều bộ SGK khác.
Sau khi hoàn thiện, bộ sẽ có hội đồng thẩm định chất lượng. Đây là điều không hề mới, trên thế giới các nước có nhiều bộ SGK áp dụng dạy học là bình thường”.
Lý giải việc tại sao cùng lúc phải có nhiều bộ SGK, thứ trưởng Hiển cho rằng, trên thực tế một bộ sách không thể đáp ứng được toàn bộ chương trình, đặc trưng vùng miền. Hơn nữa, khi làm nhiều bộ SGK sẽ huy động được trí tuệ của toàn bộ xã hội.
Nếu chỉ có một bộ SGK, giáo viên, học sinh buộc phải dạy học theo bộ sách đó, khi có nhiều bộ họ có thể tìm hiểu, nghiên cứu để lựa chọn bộ sách nào phù hợp với địa phương, phương pháp giảng dạy của mình nhất.
Theo Tiền Phong