Khi câu chuyện của viên cảnh sát khu vực ở Hà Nội “phun nước bọt” vào mặt dân chưa kịp lắng thì gần đây nổi lên nhiều vụ việc gây bất bình dư luận.
“Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”
Có thể kể ra đây vụ cảnh sát khu vực phường 4, quận 6, TP.HCM quật ngã một người bán hàng rong đến mức phải nhập viện. Ở Đồng Nai là vụ bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, người chống “cát tặc”, tố cáo nhân viên ban quản lý rừng phòng hộ lạm quyền, hành hung. Tuy nhiên, khi Công an huyện Nhơn Trạch mời bà lên để làm rõ vụ việc thì bất ngờ lại còng tay và bắt bà để điều tra về một vụ “Chống người thi hành công vụ” xảy ra từ tháng 9-2015 nhưng không thông báo lý do cho gia đình bà.
Đặc biệt, vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán “Xin Chào”, bị Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM khởi tố, quyết tâm hình sự hóa vi phạm hành chính đã làm cho sự bất bình của dư luận dâng cao như giọt nước tràn ly. Nếu báo chí không lên tiếng, không có sự chỉ đạo can thiệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo TP.HCM, Viện trưởng VKSND Tối cao… thì số phận ông Tấn chưa biết sẽ ra sao!
Thật ra, chuyện người dân mới ra kinh doanh như ông Tấn chưa kịp xin phép, chưa nộp thuế là bình thường bởi trên thực tế, hoạt động kinh doanh rất khó thành công, phải mất vài tháng mới biết có tồn tại được hay không. Thế nên, mới kinh doanh được vài ngày mà ép các thủ tục để trừng phạt là làm khổ dân quá đáng.
Chính cách hành xử không thấu tình đạt lý của Công an huyện Bình Chánh, cùng với sự “phối hợp tích cực” của VKSND cùng cấp khi vội vàng phê chuẩn đề nghị khởi tố đã đẩy ông Tấn đối mặt với vòng lao lý. Hiện tượng “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”, hay “bằng mọi giá bảo vệ đội nhà” này dễ sinh ra thói lạm quyền, biến chuyện “nhỏ như móng tay” thành chuyện lớn.
Quyền lực phải được kiểm soát
Có một câu nói đã trở thành kinh điển: “Quyền lực nếu không được kiểm soát sẽ trở thành tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn tới sự tha hóa tuyệt đối”. Người dân trao quyền lực của mình cho nhà nước và đòi hỏi nhà nước sử dụng quyền lực đó để bảo đảm hài hòa lợi ích của mỗi cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, vì con người không ai là thánh, mang trong mình ít nhiều nhược điểm, thói vị lợi, vị kỷ nên nguy cơ lạm quyền luôn hiện hữu và sẵn sàng không kiềm chế khi sử dụng quyền lực.
Nói vậy để thấy khi quyền lực được trao cho những người có nhân cách, người tử tế, nó sẽ được sử dụng đúng mục đích, bảo vệ và đem lại lợi ích cho cộng đồng; ngược lại sẽ trở thành công cụ phục vụ cho những lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm, thậm chí trở thành công cụ của cái ác.
Với nhiều người, quyền lực là một “lực hấp dẫn” mà họ phải giành giữ, đánh đổi, bất chấp đó là nhân cách hay lòng tự trọng. Thế nhưng, quyền lực cũng là con ngựa bất kham sẵn sàng quật ngã những người không đủ bản lĩnh cầm cương. Quyền lực có thể đem lại sự công bằng, niềm hạnh phúc nhưng cũng có thể đem đến tai họa cho mỗi cá nhân, cho toàn xã hội.
Có thể nói tình trạng tha hóa quyền lực, lạm quyền, thói hư danh, hám danh, tham quyền trục lợi kéo theo sự suy đồi về đạo đức và nạn tham nhũng, hối lộ, lạm quyền ở Việt Nam vẫn chưa được đẩy lùi, nếu không muốn nói “tiếp tục diễn biến phức tạp”. Trong khi đó, các thiết chế kiểm soát quyền lực, phát huy quyền làm chủ của dân chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa tạo được áp lực đủ mạnh để đẩy lùi sự lạm quyền.
Vì vậy, để điều chỉnh hành vi của những người có quyền thì việc xây dựng quy tắc pháp luật với những chế tài, hình phạt nghiêm khắc và các thiết chế kiểm soát quyền lực hơn lúc nào hết phải kịp thời xúc tiến, là việc không thể không làm.
Phải nằm lòng nguyên tắc tối thượng là người dân được làm những gì pháp luật không cấm; còn người thực thi công vụ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. |
Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:
Phải chế tài thật nghiêm khắc Chuyện quán cà phê “Xin Chào” chính là điển hình và đỉnh điểm của tình trạng lạm quyền trong thi hành công vụ của một bộ phận cơ quan công quyền ở nhiều địa phương, nhiều ngành trong suốt thời gian qua. Tôi đã có ý kiến với cấp lãnh đạo về vụ việc này và đến nay, Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Viện trưởng VKSND Tối cao, VKSND TP.HCM đã có quyết định đúng đắn và xử lý vụ việc này để lấy lại lòng tin của nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng lạm quyền trong thi hành công vụ có nhiều nhưng nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự quá cồng kềnh, thủ tục hành chính nhiều nơi còn nhiêu khê; tình trạng cửa quyền, sách nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực… đang phổ biến ở không ít nơi. Để ngăn chặn, cần có cải tổ bộ máy hành chính, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính; song song đó, hoàn thiện, đổi mới thể chế và có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi sai trái. Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội, rằng nếu còn tình trạng 1 ông nông dân cõng 4 ông công chức béo thì lạm quyền trong thi hành công vụ còn diễn ra và người dân, doanh nhân còn khổ. Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an:
Bài học lớn Thực thi công vụ đều phải dựa trên nền tảng pháp luật. Vấn đề là do nhiều yếu tố như trình độ chuyên môn, hiểu biết hạn chế nên áp dụng chưa chuẩn hoặc do tâm chưa tốt cũng có thể dẫn đến sai. Đành rằng pháp luật chỉ đưa ra quy định chung còn thực tiễn thì rất phong phú... nên nhận dạng được đúng cũng không dễ. Cái chính ở đây là dư luận quan tâm người thi hành công vụ có tâm hay không? Vụ việc quán cà phê Xin Chào cũng phải xem xét như một bài học lớn đối với các lực lượng công an, viện kiểm sát.Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Hậu quả từ hệ thống hành chính tù mù Qua vụ việc truy tố chủ quán Xin Chào, có thể thấy nguy cơ rủi ro cao với các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh. DN Việt Nam không chỉ gặp khó khăn vì chi phí vốn cao, thủ tục hành chính phức tạp, chịu nhiều rủi ro do thay đổi chính sách và pháp luật mà còn phải canh cánh lo ngại về việc bị hình sự hóa nếu đụng chạm, không vừa ý một ai đó có chức, có quyền. Với hệ thống quy định tương đối phức tạp (như an toàn thực phẩm chẳng hạn), thủ tục mất nhiều thời gian, hệ thống hỗ trợ chưa hiệu quả nên rất nhiều hộ kinh doanh, DN nhỏ chưa quan tâm, không biết đủ thông tin về quy định pháp luật để thực hiện. Do nhiều quy định không phù hợp thực tiễn, khá phức tạp nên tình trạng không thực hiện đúng, đủ các quy định tương đối phổ biến. Người kinh doanh muốn nghiêm túc thực hiện đúng thì thiệt thòi, tốn kém so với đa số người không thực hiện. Từ đó dẫn đến một thực tế là dù có quy định nhưng người kinh doanh không thực hiện, thậm chí xem đây là việc làm bình thường. Điều này dẫn đến khi cơ quan nhà nước muốn “đụng” đến ai thì người đó vi phạm! Do vậy, rủi ro từ môi trường kinh doanh cũng có phần nguyên nhân từ chất lượng quy định pháp luật hiện nay còn thấp, chồng chéo, không phù hợp; trong khi trao quyền quá lớn cho các cơ quan, người thực thi công vụ. Hậu quả, không ít nhà kinh doanh chọn cách thức giảm rủi ro là tìm chỗ dựa “bảo kê” từ cơ quan công quyền, người thi hành công vụ. N.Quyết - B.Trân - P.Nhung ghi |