Vụ Quảng Ninh "ép" dùng Techcombank: Lạm quyền làm nát thị trường

Thứ ba, 14/10/2014, 08:07
Lại một cách điều hành quản lý kiểu lạm quyền, "ngăn sông cấm chợ" qua vụ tỉnh Quảng Ninh ra văn bản "ép" đơn vị trực thuộc dùng dịch vụ của Techcombank.

Sự việc UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các thành phố, huyện, thị xã trực thuộc phải sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản của Techcombank và tạo điều kiện cho ngân hàng quỹ tiền nhàn rỗi do tỉnh quản lý gây bức xúc trong dư luận.

PGS.TS Đỗ Đức Định – Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Kinh tế - xã hội lo ngại, việc UBND tỉnh Quảng Ninh ra công văn “kêu gọi” các đơn vị công quyền trực thuộc tỉnh sử dụng sản phẩm do Ngân hàng Techcombank cung cấp đã vi phạm nguyên tắc của một nền kinh tế thị trường cần có sự lưu thông, luân chuyển hàng hoá.

Chưa kể, những công văn kêu gọi kể trên cũng vi phạm cam kết hội nhập của Việt Nam, như cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về nguyên tắc không phân biệt đối xử. Trong cam kết WTO, theo nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử, nếu quốc gia, tỉnh, thành dành ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước, địa phương thế nào thì cũng phải có những ưu đãi tương tự cho những doanh nghiệp địa phương, quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Các đơn vị hành chính sự nghiệp tại Quảng Ninh phải sử dụng chuyển lương qua Techcombank

Theo ông, việc chính quyền mỗi địa phương có chính sách ưu đãi riêng để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp là chính đáng, đơn cử ưu đãi chính sách thuế, thời hạn thuê đất đai…. Còn cách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp bằng kiểu “ép” đơn vị trực thuộc phải dùng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng theo chỉ định, để “đảm bảo chương trình hợp tác giữa tỉnh với ngân hàng được triển khai hiệu quả”… lại là cách làm không phù hợp.

"Không rõ với văn bản hành chính mệnh lệnh kiểu này lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có đang làm việc không công cho ngân hàng?"- PGS Định đặt câu hỏi.

Ở khía cạnh quản lý hành chính, luật sư Trương Thanh Đức  - Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, đưa ra văn bản này thể hiện sự lạm quyền, quan liêu trong cách điều hành của cơ quan công quyền địa phương. Đây là biểu hiện rõ nhất của điều hành các vấn đề kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính.

Thậm chí PGS. Đỗ Đức Định còn quả quyết, lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Ninh đang gián tiếp làm nát sự thống nhất của thị trường, đưa thị trường trong nội tỉnh này trở lại thời kỳ ngăn sông cấm chợ trước đây.

“Vô hình chung họ đang quay trở lại với tư duy của thời kỳ kinh tế chỉ huy, thời kỳ mà người lãnh đạo ra mệnh lệnh và cấp dưới răm rắp làm theo. Làm vậy UBND tỉnh Quảng Ninh đã tạo ra một quy chế phân biệt đối xử với các ngân hàng khác hoạt động trên địa bàn. Tỉnh sẽ gặp trở ngại, thất bại nếu các doanh nghiệp, ngân hàng khác lên tiếng phản bác”- PGS.TS Đỗ Đức Định bình luận.

Ngoài chuyện lạm quyền, phân biệt đối xử thì liệu những công văn nêu trên có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh? Về điều này, luật sư Đức cho rằng, nếu những yêu cầu trên của tỉnh Quảng Ninh chỉ mang tính kêu gọi sự hưởng ứng một cách khéo léo hơn thì có thể chấp nhận, còn đưa ra thành văn bản lại là chuyện khác.

Ông Đức nói thêm, hình thức chính quyền địa phương ra văn bản yêu cầu, bắt buộc các đơn vị khác phải sử dụng dịch vụ của Techcombank đã làm mất đi tính cạnh tranh của các ngân hàng khác.

“Dù là ngân hàng lớn cỡ nào, dịch vụ tốt bao nhiêu nhưng cách phát triển dịch vụ như vậy xét ở góc độ nào đó trong ngắn hạn có thể ít nhiều có kết quả khi cái tên của tổ chức tín dụng đã được “xướng” lên vài lần. Nhưng về lâu dài thì cách phát triển như vậy sẽ có tác dụng ngược, không như mong muốn và ý định ban đầu “hỗ trợ nhau cùng phát triển” của cả 2 bên” – ông Đức bình luận.

Trao đổi chiều 13/10, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng cho biết, trong tuần này Cục sẽ cử đoàn công tác xuống làm việc với tỉnh Quảng Ninh về việc ra văn bản trên. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra kết luận văn bản của tỉnh Quảng Ninh có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không.

Theo thông tin mới nhất thì sau phản ánh của báo chí, tỉnh Quảng Ninh đã sửa lại công văn trên theo hướng chỉ đạo các đơn vị xem xét” sao cho “phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn tại từng đơn vị, địa phương đảm bảo quy định hiện hành.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn