Người dân lo chuyện lạm quyền nổ súng là đúng

Chủ nhật, 17/03/2013, 15:10
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Vi Dân cho biết ban soạn thảo vẫn khẳng định nghị định (*) là cần thiết vì xuất phát từ yêu cầu trong công tác bảo vệ an ninh trật tự nói chung và quyền, lợi ích hợp pháp của người thi hành công vụ. 

Chống người thi hành công vụ
Lực lượng 141 Công an Hà Nội khống chế một đối tượng có vũ khí nóng trên đường Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: M.Trí

Ông Dân nói:

- Người thi hành công vụ được xác định không phải chỉ là công an mà còn là lực lượng kiểm lâm thực thi công vụ bảo vệ rừng, bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ ở biên giới, hải quan thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, cán bộ thuế..., kể cả những người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền huy động tham gia các hoạt động vì lợi ích công.

Việc quy định rõ ràng những hành vi chống người thi hành công vụ để nhắc cho lực lượng chức năng biết họ có quyền làm việc gì để bảo vệ mình, người khác khi đang thực thi công vụ. Nếu không có quy định cụ thể thì nhiều khi sẽ dẫn đến sự lúng túng của anh em trong khi xử lý.

* Rất nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép người thi hành công vụ được nổ súng có thể dẫn đến lạm quyền, xâm phạm đến tính mạng người khác. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Người dân lo ngại sự lạm quyền là hoàn toàn đúng. Ở đâu có quyền lực thì ở đó có sự lạm quyền, vì thế phải có biện pháp kiểm soát, cách thức để hạn chế, loại bỏ việc lạm quyền.

Người kiểm soát, giám sát trước hết là nhân dân, thứ hai là pháp luật, thứ ba là tự trong nội bộ các cơ quan có người thi hành công vụ phải giám sát, kiểm tra.

Ngay tại dự thảo nghị định đã có các điều khoản quy định nhằm loại bỏ, chế tài việc người thi hành công vụ lợi dụng nhiệm vụ để xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghị định nêu rõ những điều răn, điều cấm không được làm với nguyên tắc rất rõ ràng, không phải một chiều, chỉ bảo vệ người thi hành công vụ.

Trong Bộ luật hình sự đã có rất nhiều điều luật dành sẵn cho người thi hành công vụ, nếu vi phạm. Ví dụ điều 93 có khoản “giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp”, điều 107 có quy định “gây thương tích và tổn hại cho người khác trong khi thi hành công vụ”, hay các điều khoản về lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...

Về vấn đề nổ súng mà nhiều người quan ngại, chúng tôi cho rằng nổ súng là biện pháp cuối cùng. Việc nổ súng còn tùy thuộc vào hành vi tấn công của người vi phạm.

Ví dụ một đồng chí kiểm lâm kiểm tra một xe gỗ, nếu lái xe bỏ chạy thì có thể truy đuổi, nhưng nếu lái xe xuống xe tấn công quyết liệt thì rõ ràng việc tự vệ phải khác đi bằng cách sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí đã được trang bị. Nếu chỉ một người thi hành công vụ mà hàng chục đối tượng tấn công thì phải khác.

* Nhưng dự thảo nghị định đưa ra tình huống rất chung chung, chưa cụ thể hóa các mức độ nghiêm trọng như thế nào thì được phép nổ súng?

- Nghị định đã nêu trong các trường hợp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng... thì được phép nổ súng. Trên thực tế, tất cả người thi hành công vụ đều được trang bị kiến thức đủ để đoán định được những tình huống này. Việc cụ thể trường hợp này, trường hợp khác sẽ nằm trong quy trình công tác của từng ngành.

Còn thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ nói riêng và mọi người nói chung phải nhận thức được. Họ phải được đào tạo, phải có kiến thức pháp luật đảm bảo để phân biệt, phán đoán được tình huống.

Ví dụ, một cảnh sát giao thông đang làm việc, dừng xe đúng quy trình nhưng có khi bị đối tượng lao thẳng xe vào người hoặc xuống xe rút vũ khí tấn công ngay thì đó là rất nghiêm trọng chứ. Ai cũng hiểu hành vi đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nên có thể nổ súng.

Tùy từng loại hành vi tấn công mà người thi hành công vụ sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí cho phù hợp, và cái này đã được huấn luyện về pháp luật, về cách thức sử dụng vũ khí, các kịch bản chứ có phải động tí mà rút súng đâu.

* Một số cán bộ tại các cơ quan chức năng cho rằng dù có cơ sở pháp lý cho việc nổ súng thì họ cũng khó có thể xác định được trường hợp nào được phép vì chưa được đào tạo cụ thể về vấn đề này?

- Cùng với việc hoàn thiện nghị định này thì phải xây dựng đội ngũ những người thi hành công vụ rất bài bản. Trước hết phải đảm bảo thể chất, trình độ, năng lực, kiến thức pháp luật, nghề nghiệp, kỹ năng, biết rằng mình được làm gì và không được làm gì, có khả năng ứng xử tình huống để bảo vệ mình, bảo vệ người khác và hạn chế, tránh tối đa việc phải sử dụng vũ lực.

* Vừa qua, dư luận đã có nhiều góp ý, đóng góp, ban soạn thảo có tiếp thu những ý kiến này hay không?

- Trước hết tôi rất hoan nghênh, đánh giá rất cao các ý kiến từ các góc độ khác nhau. Các ý kiến đó là cơ sở để chúng tôi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng hơn. Chúng tôi sẽ có tập hợp hết các ý kiến, trên mạng, qua các báo, kể cả các bình luận để xem xét, từ đó mới có chỉnh lý sau này. Tôi cho rằng việc nhận được các ý kiến đóng góp đó là rất cần thiết, điều này cho thấy nghị định rất được quan tâm và cũng cần được ban hành.

“Không cần thiết”

Trong các số báo trước, Tuổi Trẻ đã giới thiệu ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật và luật sư về dự thảo nghị định (*) cho phép người thi hành công vụ được bắn trong một số trường hợp gặp người chống đối.

Tất cả đều cho rằng nghị định này là không cần thiết và sai thẩm quyền do các trường hợp được nổ súng đã được quy định rất cụ thể tại điều 22, pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã gặp nhiều thẩm phán, kiểm sát viên, kể cả những người trong ngành công an.

Câu trả lời chung là sự lo lắng về nguy cơ lạm quyền, trong đó đáng lưu ý nhất là ý kiến của thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM): “Khi dự thảo để cho lực lượng chức năng được bắn có nghĩa là người thi hành công vụ đã được cho quyền phán xét tính mạng của người khác thay tòa án.

Tôi cho rằng đây là một dự thảo quá nguy hiểm bởi cụm từ “dấu hiệu” trong khoản 2 điều 18 của dự thảo nghị định.

Từ “dấu hiệu” đến kết luận hành vi đó có nguy hiểm hay không là cả một quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Bất kể một công dân nào từ lúc có hành vi vi phạm pháp luật đến lúc bị kết tội đều phải trải qua nhiều bước khác nhau: điều tra, xét hỏi, truy tố, xét xử, thậm chí không chỉ xét xử một mà còn rất nhiều lần.

Thậm chí điều tra, truy tố, xét xử rồi mà vẫn còn oan sai chứ chưa nói đến việc có “quyền bắn” chỉ phụ thuộc vào nhận định chủ quan duy ý chí của lực lượng thi hành công vụ”.

Ngày 15/3, PV đã gặp lại ông Trần Vi Dân - đại tá, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo) - để nghe phản hồi của nơi đây.

TP.HCM: 10 năm, 134 vụ chống cảnh sát giao thông

Theo số liệu thống kê từ Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM, trong vòng mười năm (từ 2002 đến tháng 12/2012) trên lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông TP đã xảy ra 134 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó có 54 vụ xử lý hành chính, 80 vụ khởi tố hình sự, 86 đối tượng bị xử lý hành chính và 106 đối tượng bị truy tố xét xử.

Phần lớn các vụ cảnh sát giao thông chỉ bị thương tích phần mềm như bầm tím, xây xát ngoài da chứ chưa có trường hợp bị nguy hiểm đến tính mạng.

Trung đoàn cảnh sát cơ động là lực lượng tinh nhuệ nhất của Công an TP.HCM. Lực lượng này có nhiệm vụ tuần tra hằng đêm để kịp thời trấn áp và bắt giữ những đối tượng nghi vấn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho gần 10 triệu dân TP.

Trong gần một năm qua, từ tháng 4/2012 đến ngày 13/3/2013, chỉ xảy ra 26 vụ người dân có hành vi không hợp tác khi lực lượng cảnh sát cơ động làm việc.

Bộ Tư pháp chưa thẩm định

Ngày 15/3, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết bộ vẫn chưa nhận được dự thảo nghị định từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an.

“Theo nguyên tắc thì chúng tôi sẽ tham gia quá trình ban hành nghị định của Chính phủ ở hai công đoạn: một là cơ quan chủ trì soạn thảo gửi dự thảo để chúng tôi đóng góp ý kiến; hai là chúng tôi sẽ thẩm định dự thảo nghị định.

Với dự thảo nghị định trên thì chúng tôi được biết Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo, chưa gửi dự thảo để các bộ, ngành tham gia ý kiến và chưa đến quy trình thẩm định của Bộ Tư pháp.

Liên quan đến nội dung báo chí đề cập, chúng tôi sẽ đưa ra quan điểm chính thức khi góp ý kiến vào dự thảo, nhưng nguyên tắc là nội dung nghị định của Chính phủ phải phù hợp với quy định của pháp lệnh, nghị định nhằm hướng dẫn thực hiện chứ không phải mở rộng hoặc quy định thêm nội dung của pháp lệnh” - vị lãnh đạo này cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Việc báo chí, dư luận tham gia phản biện, góp ý ngay từ khâu dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật như thời gian qua là rất hiệu quả, giúp các cơ quan chủ trì soạn thảo phát hiện những điểm chưa phù hợp để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng việc ban hành chính sách, pháp luật”.

___________

(*) Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn