Tống tiền cảnh sát giao thông: Trách nhiệm nhìn từ hai phía

Chủ nhật, 17/03/2013, 16:45
"Tôi đọc kỹ bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và bài “Tống tiền cảnh sát giao thông”, nhận thấy đây là một vụ án hình sự khá đặc biệt và hi hữu".
Tống tiền CSGT
Minh họa: Họa sĩ DAD

Khá đặc biệt và hi hữu vì đối tượng bị cưỡng đoạt tài sản là một số cảnh sát giao thông (CSGT).

Nếu quy buộc trong cáo trạng là xác thực, hành vi của các bị can nói trên đã phạm vào tội “cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại điểm (d) khoản 2 điều 135 Bộ luật hình sự với dấu hiệu duy nhất là chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng.

Tính chất hi hữu còn ở chỗ vụ án xảy ra từ tháng 4/2010, nhưng đến tận tháng 8/2012 cơ quan điều tra mới khởi tố vụ án và khởi tố các bị can.

Như mô tả trong cáo trạng, nhóm thanh niên “tống tiền” đã khảo sát địa điểm tổ tuần tra kiểm soát giao thông nói trên thường hay dừng xe để kiểm tra là đoạn quốc lộ 1 phía nam chân đèo Phước Tượng (thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc), ở khá xa khu dân cư, heo hút nơi ngã ba khu kinh tế Chân Mây, bên đường chỉ có ngôi nhà hoang.

Có thể đây là “cung đường” mà các tài xế lưu thông thường ngán ngại, đã đồn thổi thành dư luận về cách hành xử của lực lượng CSGT địa phương nên các bị can đã “điều nghiên” khá kỹ, lên kế hoạch và tổ chức bài bản, thể hiện quyết tâm thực hiện hành vi nhằm tống tiền một số CSGT nói trên.

Các bị can đã sử dụng phương tiện để lén lút quay phim các hành vi của CSGT làm “vật đổi chác”, đánh đúng vào tâm lý của nạn nhân như lời ông Nguyễn Ngọc Vinh trả lời báo Tuổi Trẻ là “do sợ những hình ảnh sai phạm trong quy trình làm việc bị lộ ra sẽ bị kỷ luật, điều chuyển công tác, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và gia đình nên chúng tôi đã chấp nhận chung chi cho kẻ tống tiền 120 triệu đồng”.

Vấn đề pháp lý đặt ra là điều 85 và 87 Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ của Bộ Công an và CSGT đường bộ có nhiệm vụ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình...

Khoản 2 điều 47 nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định CSGT đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ.

Không những vậy, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 27/2009/TT-BCA (C11) ngày 6/5/2009 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT, và mới đây được thay thế bằng thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012.

Theo đó, chắc hẳn một số cán bộ CSGT nêu trên đều phải nắm rõ và thực hiện đúng, đầy đủ và có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công trong quá trình tuần tra, kiểm soát; quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và điều lệnh công an nhân dân, phải tuân thủ quy định về các trường hợp được phép dừng phương tiện để kiểm soát.

Cần làm rõ địa điểm kiểm soát nêu trên có được ghi nhận trong kế hoạch được trưởng phòng hướng dẫn và tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục CSGT đường bộ - đường sắt hoặc trưởng phòng CSGT, trưởng công an cấp huyện trở lên phê duyệt hay không?

Qua hình ảnh quay phim của các bị can mà cáo trạng nêu, cho thấy có sự vi phạm một quy trình tối thiểu là sau khi kiểm soát xong, cán bộ tuần tra kiểm soát phải thông báo các hành vi vi phạm, hình thức và biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật cho người điều khiển phương tiện và những người trên phương tiện biết để chấp hành việc giám sát.

Đối với những phương tiện chở người từ 24 chỗ ngồi trở lên, thậm chí họ phải trực tiếp lên khoang chở khách để thông báo. Trường hợp không phát hiện vi phạm cũng phải thông báo và nói lời: “Cảm ơn ông (bà, anh, chị...) đã giúp đỡ lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ”.

Rõ ràng, có thể nhận thấy chính cách hành xử chưa đúng quy trình và chuẩn mực của một số CSGT như yêu cầu dừng nhiều ôtô cùng một lúc, CSGT không đưa tay chào khi gặp tài xế, không trực tiếp đến xe cơ giới để kiểm tra thực tế, tài xế ôm và bắt tay với CSGT, CSGT ôm tài xế và hút thuốc lá... đã trở thành “dung môi” xúc tác, một trong những nguyên nhân thúc đẩy hành vi phạm tội của các bị can. Vì thế, trách nhiệm liên quan vụ án này cần phải nhìn nhận từ hai phía - kẻ phạm tội và cả nạn nhân - là hàm ý như vậy.

Luật sư Phan Trung Hoài

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn