Khác với lần đầu trở lại Sơn Mỹ vào tháng 10/2011, trong lần thứ hai về với vùng đất đau thương này nhân dịp 45 năm tưởng niệm ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai, Ronald Haeberle tự tin tản bộ về thăm từng đường làng, ngõ xóm, gặp lại nạn nhân còn sống sót sau buổi sáng kinh hoàng 16/3/1968. Ông ghi chép tỉ mỉ, chụp ảnh những nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai.
Sáng 16/3/1968, phóng viên ảnh chiến trường Ronald Haeberle theo chân một đơn vị quân đội Mỹ tiến vào làng Sơn Mỹ. Trên cánh đồng lúa chín vàng, nông dân đang làm việc, trong đó có nhiều phụ nữ, người già và cả trẻ con. Những người lính Mỹ lạnh lùng xả súng bắn chết hàng trăm nông dân rồi vào làng đốt nhà và tiếp tục bắn giết người già, trẻ con. Cuộc thảm sát bắt đầu từ 8h sáng và diễn ra trong 4 giờ. Cuối năm 1969, bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai được đăng trên tạp chí Life, lần đầu tiên công bố với thế giới sự thật kinh hoàng về cái chết của 504 con người vô tội. Trở lại Sơn Mỹ lần thứ hai, Ronald cho rằng, mình cần làm nốt phần việc còn lại để bày tỏ tấm lòng đối với những nạn nhân vô tội năm xưa.
Đi trên đường làng giữa đồng lúa đang ngậm sữa, ông Ronald chụp ảnh những nạn nhân sống sót. Ông bảo, cảnh bình yên này khiến cảm giác day dứt trong lòng nguôi ngoai đi nhiều.
Ông lần tìm những vị trí mà ông đã chụp những bức ảnh xảy ra vụ thảm sát ở làng quê Sơn Mỹ xưa.
Gốc cây Gòn ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, nơi 45 năm trước lính Mỹ sát hại cùng lúc 15 người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Ông cũng thăm lại giếng nước ở thôn Tư Cung , nơi cụ Trương Thơ bị lính Mỹ ném xuống. Theo ông Ronald, phóng viên khác cũng ghi lại hình ảnh lính Mỹ kéo ông Thơ ra khỏi nhà rồi ném xuống giếng sáng 16/3/1968.
Nhân dịp 45 năm tưởng niệm ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai, sáng 16/3, Ban quản lý khu chứng tích Sơn Mỹ phối hợp với Bảo tàng chiến tranh TP.HCM triển lãm hơn 100 bức ảnh với chủ đề "Tội ác chiến tranh Việt Nam".
Hai ông cháu cùng xem những bức ảnh chiến tranh ở khu chứng tích Sơn Mỹ. |
Theo VNE