Tuyên bố này được đưa ra hôm qua, trong một loạt những ngôn từ quyết liệt của Bình Nhưỡng kể từ sau khi thử hạt nhân hồi tháng 2 và sau đó bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt.
"Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là thanh kiếm báu có sức mạnh vô song để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia", một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết thông qua hãng tin KCNA. "Vì thế, vũ khí hạt nhân là điều không thể tranh cãi ... chừng nào mối đe dọa hạt nhân cũng như chính sách thù địch của Mỹ còn tồn tại".
Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên
Triều Tiên đã liên tục đưa ra các cảnh báo tấn công phủ đầu và bằng hạt nhân chống các "đối thủ truyền kiếp" là Mỹ và Hàn Quốc, tiến hành các cuộc tập trận đáp trả việc diễn tập quân sự của Mỹ - Hàn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vừa tuyên bố sẽ triển khai 14 hệ thống tên lửa đánh chặn ở vùng Alaska để đối phó với nguy cơ ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.
Về việc thương lượng, Triều Tiên từng tham gia cuộc đàm phán 6 bên nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân, và nhiều lần tẩy chay đàm phán. Tuy nhiên thời gian gần đây nước này nhiều lần nhắc lại rằng vũ khí hạt nhân chính là mục tiêu tối thượng của Triều Tiên.
Một số nhà phân tích chiến lược khu vực từng cho rằng cuối cùng thì Triều Tiên sẽ từ bỏ hạt nhân để đối lấy các lợi ích kinh tế và quyền lợi khác. Giọng điệu cứng rắn của nước này, theo giới quan sát, là nhằm để đạt lợi ích tối đa. Tuy nhiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trong Hiến pháp sau vụ thử tháng 2, nhiều người tin rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ loại vũ khí này và có thể đi theo con đường của Pakistan.
Hôm thứ sáu, Triều Tiên đã thử hai quả tên lửa tầm ngắn ở bờ biển phía Đông. Còn trước đó, đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi thị sát các đảo tiền tiêu ở phía Tây Nam, gần nơi từng xảy ra các cuộc hải chiến gây chết người với Hàn Quốc.
Theo VNE