Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an, trao đổi với Tiền Phong chiều 15-3, nhân vụ đơn vị này vừa phối hợp lực lượng CSCĐ triệt phá sới bạc “khủng” tại địa bàn xã Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội) hôm 14-3.
Sau một thời gian tạm lắng, việc các sới bạc có quy mô, tổ chức dường như đang hoạt động rầm rộ trở lại. Điển hình là gần đây, Cục CSHS triệt phá 2 sới bạc khủng ở Từ Sơn, Bắc Ninh và Sóc Sơn, Hà Nội. Ông đánh giá thế nào về tình hình tội phạm này ngày càng trắng trợn?
- Tội phạm cờ bạc có thể kể ra 3 dạng: Thứ nhất là đánh bạc công khai tại các lễ hội; thứ hai là sử dụng công nghệ cao đánh bạc như nạn cá độ; và thứ ba là cờ bạc theo kiểu truyền thống, mở sới.
Dạng cờ bạc truyền thống thường có 2 hình thức, đá gà hoặc xóc đĩa. Qua các chuyên án cho thấy, đối tượng tổ chức sới đều là những tay cờ bạc chuyên nghiệp, đi theo là nhiều thành phần hồ lì, tín dụng, bảo vệ... Người vào sới hầu hết cũng là đối tượng cờ bạc chuyên nghiệp, phải nộp tiền hồ từ 500.000 – 1 triệu đồng.
Để tránh bị phát hiện, vây bắt, chủ sới liên tục thay đổi địa điểm, chủ yếu ở những địa bàn hiểm trở, giáp ranh, hoặc trên sông nước... Bản thân các con bạc cũng không biết trước địa điểm mở sới. Họ tập trung tại một địa điểm rồi sau đó mới được người của sới vận chuyển bằng ô tô, xe ôm... vào sới.
Theo tôi, loại tội phạm cờ bạc chuyên nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, tập trung đông đối tượng tham gia. Gần đây, nhiều sới bạc không còn hoạt động bí mật nữa, mà gần như công khai, ảnh hưởng ANTT ở địa phương.
Dẫn giải các con bạc về nơi tạm giữ. |
Không loại trừ có bảo kê
Hoạt động công khai, trắng trợn, vậy tại sao 2 sới bạc khủng trên chỉ bị triệt phá khi Bộ Công an vào cuộc? Các cấp chính quyền, công an cơ sở chẳng nhẽ không hay biết?
- Theo tôi, các cơ quan chức năng ở cơ sở cũng phát hiện dấu hiệu của các sới bạc, song có thể họ không đủ lực lượng để tổ chức vây bắt, hoặc không đủ điều kiện để vây bắt... Tôi ví dụ đã từng xảy ra nhiều vụ, khi bị công an đột kích, có con bạc hoảng loạn lao xuống sông, hoặc nhảy từ tầng cao xuống đất, bị thương vong.
Đó là điều rất đáng tiếc và nhiều khi nằm ngoài dự liệu của lực lượng đánh án. Hoặc cũng có nhiều vụ đối tượng chống trả quyết liệt người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng có sự bảo kê, làm ngơ của một số cán bộ chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương. Hoặc một số địa phương đùn đẩy trách nhiệm ở những địa bàn giáp ranh. Cũng có nơi thiếu trách nhiệm, chưa quan tâm đấu tranh tội phạm loại này...
Ông có thể nói rõ hơn về việc một số địa phương không coi trọng đấu tranh triệt phá nạn cờ bạc?
- Tôi ví dụ, có nơi coi cờ bạc chỉ như một tệ nạn, thắng thua ai chơi người đó chịu. Nhưng, tệ nạn này gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến ANTT. Nhiều gia đình tán gia bại sản, nợ nần chồng chất cũng vì cờ bạc. Cũng từ cờ bạc, xã hội hình thành đội quân bảo kê, đâm thuê chém mướn, siết nợ, tín dụng đen...
Qua phân loại, non nửa đối tượng tại 2 sới bạc trên đều có tiền án, tiền sự. Như vậy, phải xem cờ bạc đem lại hậu quả rất nặng nề và phải quyết tâm triệt phá.
Kiểu gì cũng phá được
Nhưng, như ông nói ở trên, các sới bạc lớn thường được đối tượng chuyên nghiệp tổ chức ở những địa bàn hiểm trở, việc triệt phá không đơn giản.
Tôi khẳng định, sới bạc dù tinh vi đến mấy lực lượng công an cũng triệt phá được hết. Quan trọng là công tác trinh sát, nắm tình hình phải thật kỹ lưỡng, lên danh sách các đối tượng tổ chức và quy luật hoạt động của sới, huy động đủ lực lượng vây bắt và có phương án hợp lý. Tôi ví dụ, trước đây Bộ Công an còn triệt phá thành công sới bạc tổ chức trên tàu ở phao số 0 ngoài biển...
Về phương hướng đấu tranh sắp tới, theo tôi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ từ Bộ Công an và các địa phương, địa phương cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa. Các đối tượng cầm đầu, có dấu hiệu tổ chức sới cần được quản lý chặt chẽ, các con bạc chưa đến mức xử lý hình sự phải đưa ra kiểm điểm trước dân để răn đe...
Cám ơn ông!
Theo PLTP