Ngư dân vớt cá chết trôi dạt vào vùng biển Quảng Trị. |
Theo Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp cho Cty Formosa, bên cạnh việc quan trắc tự động với 6 thông số ô nhiễm, nước thải của Formosa phải được quan trắc định kỳ một tháng một lần với 12 thông số và 3 tháng một lần với 28 thông số. Tuy nhiên, ngay cả khi thực hiện đúng các quy định này thì vẫn bỏ lọt những độc tố quan trọng, nhất là nitrit- một hóa chất cực độc có trong thành phần của nhiều loại hóa chất do Formosa nhập về, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Có ở đầu vào, không thấy kiểm tra ở đầu ra
Theo thông tin từ Hải quan Hà Tĩnh, Cty Formosa đã nhập 297 tấn hóa chất về sử dụng. Đại diện của Formosa cho biết, số hóa chất này dùng làm nhiều mục đích, trong đó có súc rửa đường ống nước thải. Các hóa chất đều thuộc nhóm độc và cực độc. Đáng ngại nhất là nhiều hóa chất chứa nitrit - một hóa chất rất độc đối với người và động vật, có thể gây chết, gây ngạt do máu không mang được oxy cho cơ thể, chẳng hạn như NALCO 8228 có chứa đến 30% là natri nitrit.
SPECTRRUS NX 1106 có chứa tối đa đến 60% natri nitrit. Các chất này đã được châu Âu và Mỹ khuyến cáo cấm tuyệt đối không được ăn, không được tái sử dụng, chỉ được sử dụng trong các hệ thống kín và đặc biệt phải được lọại bỏ trước khi ra môi trường vì chúng cực kỳ nguy hiểm.
Theo quy định trong Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước do Bộ TN&MT cấp cho Cty Formosa tháng 12/2015, có yêu cầu, Cty phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, quan trắc định kỳ một tháng một lần và quan trắc nguồn nước tiếp nhận. Việc quan trắc tự động được thực hiện hàng ngày tại vị trí đập quan trắc nước thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải công nghiệp với 6 thông số cơ bản là nhiệt độ, pH, COD, SS, tổng Nitơ và lưu lượng.
Quan trắc định kỳ được thực hiện theo tần suất một tháng một lần tại vị trí thu gom nước thải đầu vào hệ thống xử lý và nước thải sau xử lý tại đập quan trắc trước khi ra biển. Các thông số quan trắc thực hiện theo QCVN 52-2013/BTNMT về nước thải công nghiệp. Mẫu nước thải sẽ được phân tích theo 12 thông số, gồm nhiệt độ, pH, BOD, COD, chất rắn lơ lửng, tổng dầu mỡ khoáng, tổng phenol, tổng xyanua, tổng Nitơ, thủy ngân, Cadimi và Crom.
Ngoài ra, phải tiến hành quan trắc nguồn nước tiếp nhận tại vị trí vịnh Sơn Dương (phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bao gồm một vị trí cách vị trí xả nước thải sau khi xử lý 250 mét về phía bờ và một vị trí xả nước thải sau xử lý 250 mét ở ngoài khơi. Việc quan trắc này thực hiện ba tháng một lần với 28 thông số quan trắc theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ (QCVN 10/2008-BTNMT).
Đối chiếu các thông số ở ba lần quan trắc với danh mục hóa chất dùng để súc rửa đường ống (sau đó sẽ theo quy trình xử lý nước thải để thải ra biển), PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, quy trình quan trắc đã để lọt độc tố quan trọng là nitrit, chính là độc tố nhiều nhất và nguy hiểm nhất trong danh mục hóa chất mà Formosa nhập về.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, thật vô lý khi không đưa một chất độc như nitrit vào các thông số quan trắc trước khi xả thải ra môi trường. Nếu đúng là Formosa đã sử dụng số hóa chất này để súc rửa đường ống và thải ra biển thì nitrit là thủ phạm chính gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Hầu hết các hóa chất Formosa nhập về đều có thành phần nitrit mà quy trình kiểm soát lại bỏ lọt độc tố này.
Công cụ kiểm soát rất yếu
Tại sao cho phép lắp đặt ống ngầm xả thải khổng lồ dưới biển? Theo TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ TN&MT thì việc này khó tránh khỏi, các nước trên thế giới cũng làm vậy.
Ông Kinh cho biết, khi lắp đặt đường ống xả thải ở biển thì phải lắp dưới đáy vì lắp ở trên tầng mặt sẽ gây cản trở giao thông. Quan trọng hơn là nước thải của nhà máy nhiệt điện, cán thép có nhiệt độ cao nên xả ngay ở bờ, khả năng làm mát chậm hơn nhiều sẽ dẫn đến nhiệt độ thay đổi có thể làm cá chết hàng loạt.
Theo TS Vũ Thanh Ca, Vụ phó Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhiệm vụ chính của ống xả nước thải đối với khu luyện thép là thải nước làm mát, tức là nước nóng hơn môi trường. Yêu cầu khi xả nước nóng ra môi trường là phải đảm bảo nước này không làm thay đổi đáng kể nhiệt độ môi trường để không ảnh hưởng tới các hệ sinh thái biển.
Muốn làm điều này, phải bố trí đầu xả ở khá xa bờ, nơi có độ sâu nước khá lớn và nước nóng phải thải ra ở độ sâu lớn. Ở vị trí này, các điều kiện động lực như sóng, dòng chảy khá mạnh mẽ; nước nóng được thải ra sẽ đối lưu và xáo trộn mạnh với các lớp nước phía trên. Do vậy, nó làm thay đổi nhiệt độ nước ở môi trường xung quanh một lượng không đáng kể.
Ngoài ra, việc xả nước nóng ở xa bờ và khá sâu là để đảm bảo nguồn nước thải không bị dòng chảy mang vào gần bờ và bị hút lại để làm mát, do vậy giúp tăng hiệu quả cho quá trình làm mát. Việc đặt ống ngầm cũng sẽ giảm chi phí do đặt ở độ sâu lớn sẽ giảm tác động của sóng và không cần xây những chân đế quá cao.
Theo TS Nguyễn Khắc Kinh, điều quan trọng nhất chính là việc giám sát, kiểm soát nước thải trước khi ra môi trường. Theo ông Kinh, hiện nay công cụ giám sát xả thải ở Việt Nam còn yếu. Ông Kinh cho biết, Hàn Quốc họ có hệ thống kết nối từ nhà máy đến cơ quan quản lý. Có gì bất thường là báo về cơ quan quản lý ngay. Ở Formosa đã có quan trắc nhưng lại chưa kết nối về hệ thống của Sở TN&MT Hà Tĩnh! Thanh tra, kiểm tra vẫn là công cụ chính mà việc thanh tra không đơn giản và cũng không thường xuyên được.
Gửi mẫu ra nước ngoài nhờ phân tích Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, các phòng thí nghiệm ở Việt Nam đã phân tích được phần lớn hóa chất độc hại. Tuy nhiên, một số nhóm hóa chất chưa tìm được phòng thí nghiệm nào đủ năng lực thực hiện nên có thể phải gửi mẫu ra nước ngoài nhờ phân tích. |
Theo Tiền Phong