Mới đây, một fanpage đăng tải clip chưa đầy một phút, ghi lại cảnh nam thanh niên liên tục to tiếng, văng tục và nhổ nước bọt vào nhân viên an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Đoạn video nhanh chóng thu hút sự quan tâm trong cộng đồng mạng.
Người thanh niên (áo đen) chửi bậy, nhổ nước bọt vào nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh cắt từ clip. |
Hành động xấu vì không được vào đón người thân
Theo như trong clip, vào thời điểm ấy, cửa ra có rất đông hành khách qua lại, nhưng thanh niên này vẫn tiếp tục chửi bậy bằng những lời lẽ rất thô tục. Khi một vài hành khách có ý can ngăn, kéo ra ngoài, người này đã bất ngờ xông lên định đánh nhau với nhân viên an ninh.
Đoạn video khiến nhiều người bất bình bởi cách hành xử thiếu văn hóa. Đa số bình luận đều cho rằng, thái độ này là không thể chấp nhận được.
Facebook Mai Huỳnh cho biết: "Nhân viên an ninh tại các sân bay đều đã được học võ, dùng để khống chế đối tượng gây rối. Họ đang làm việc nên phải nhịn, chứ cỡ như bạn này nếu bị ra tay chỉ có nằm tại chỗ. Đừng có thiếu ý thức thế!".
Nguyễn Viết Trường bức xúc: "Thật xấu mặt. Đứng giữa chốn đông người mà có thể nói nhưng từ thô thiển đấy ra, đủ biết văn hóa đến đâu rồi. Những người thế này đi ra đường chỉ tổ gây rối".
Thành viên Trang Lê lên tiếng: "Anh này vừa không hiểu quy định ở sân bay, vừa vô văn hóa, lại hung hăng. Ăn mặc bảnh bao mà cư xử chẳng ra gì. Thật xấu hổ cho người trẻ Việt Nam".
Liên hệ với sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện cảng hàng không xác nhận sự việc trên là có thật. Tuy nhiên, nhân viên an ninh kia không muốn ra mặt.
"Sự việc này vẫn xảy ra hàng ngày, chưa có thương tổn gì, cũng không ảnh hưởng đến ai" - người này chia sẻ với Zing.vn. Anh giải thích, anh không ra tay vì hành khách mới dừng lại ở việc chửi bới, hăm dọa.
Anh Lê Phước - một nhân viên khác tại sân bay Tân Sơn Nhất - cung cấp thông tin, nam thanh niên này xin vào đón người nhà, song an ninh không cho. Ngay lập tức, anh ta phản ứng lại bằng cách khá vô văn hóa.
"Cậu ấy (nhân viên an ninh) cũng hiền nên coi như bỏ qua, chưa kể quy định ở sân bay là an ninh chỉ được hành động khi có dấu hiệu bạo lực. Thật ra, thông thường, trường hợp này có thể gọi lực lượng cơ động rồi, nhưng anh ấy bỏ qua thôi" - anh Phước nói.
Anh Phước thẳng thắn, chuyện tương tự xảy ra như cơm bữa tại sân bay. Cửa vào phòng chờ là nơi cách ly, nhưng nhiều người tiễn người thân rất hay đòi vào cùng. Cũng như vậy với phòng nhận hành lý, cửa ra sân bay, chỉ có hành khách vừa hạ cánh mới được phép đi lại.
"Riết rồi cũng quen, ý thức của nhiều bạn trẻ tệ lắm. Họ không hiểu luật và quy định nhưng sẵn sàng to tiếng mạt sát người khác. Công việc của chúng tôi ở đây mà để ý chắc một ngày phải gặp chục vụ thế này", anh nói thêm.
Nam thanh niên chỉ dừng lại khi có bạn bè can ngăn. Ảnh cắt từ clip. |
Người trẻ ích kỷ, vô ý thức nơi công cộng
Lời nhận xét của anh Lê Phước có lẽ cũng là lời muốn nói từ người lớn tuổi: Ý thức người trẻ ngày càng xuống cấp.
Các luống hoa bị dẫm nát tại chương trình Countdown chào năm mới; chen chúc, trốn vé, trèo tường vào hội chợ; vứt hạt hướng dương, đổ nước Coca ra ghế trong rạp chiếu phim; vừa đi đường vừa nói tục, chửi bậy... chỉ là một vài ví dụ điển hình về những hành vi thiếu ý thức nơi công cộng của giới trẻ.
Không những thế, tính ích kỷ, coi mình là nhất giữa đám đông cũng là tật xấu khỏ bỏ đối với thanh niên Việt Nam.
Trần Việt Hoàng (sinh năm 1999, học sinh lớp 11, Hà Nội) kể: "Hôm đó trong quán KFC, có bạn lấy tương ớt và ketchup làm dây vương vãi ra sàn, thế mà vẫn thản nhiên đi qua như không có chuyện gì. Mình lên tiếng nhắc nhở, còn bị bạn ấy 'cà khịa', gây chuyện.
Thật xấu hổ, theo mình, làm sai thì sửa, con người không thể nào cũng đúng. Nhưng hành vi của bạn ấy cứ như là người đúng hết vậy".
Thói quen vứt rác nơi công cộng có lẽ là tật xấu khó bỏ nhất. Mai Trang (học sinh THPT Trần Nhân Tông) nhớ lại: "Hôm đó, mình đi hội chợ, thấy hai bạn gái vừa ăn vừa vứt rác bừa bãi. Cả hai thải rác theo đường đi.
Khi được nhắc, một bạn nói, đây là đường chung, sẽ có người dọn. Thậm chí là 'mình phải vứt rác, lao công mới có việc để làm'. Vô cùng thất vọng luôn".
Mai Trang chia sẻ bức xúc: "Xinh xắn mà vô văn hóa như vậy. Vứt rác vào thùng rác khó lắm sao? Ai cũng như thế thì chả mấy hội chợ ngập rác. Không nghĩ đến người phải dọn rác vất vả, không nghĩ đến những bạn khác đến hội chợ phải chịu đựng chỗ rác các bạn ấy thải ra".
Thói ích kỷ của người trẻ còn thể hiện trên những phương tiện công cộng. Tùng Chi (học sinh lớp 10) cho hay, cô thường xuyên đi học bằng xe bus và không ít lần rất thất vọng vì các bạn nam hiện nay.
"Lên xe, mình sẽ nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai. Thế nhưng nhiều chàng trai đã lên xe là ngồi im, thấy cụ già đến gần cũng ngó lơ như không biết. Đến khi được nhắc còn nổi khùng lên.
Cũng biết lên xe tìm được chỗ ngồi là may mắn, nhưng mình là thanh niên khỏe mạnh, tại sao không nghĩ đến những người yếu hơn mình?", Chi bực bội nói.
Thói quen không coi ai ra gì ở giới trẻ còn thể hiện rõ ra trong gia đình và bạn bè. Thu Trà (sinh năm 1999, THPT Phan Đình Phùng) từng chơi với một cô bạn thân, cho đến khi chứng kiến cách bạn mình đối xử với người nhà.
"Bạn ấy bình thường rất xinh và đáng yêu. Nhưng khi ở nhà như biến thành người khác. Hạch sách, mắng mỏ mẹ, yêu cầu mẹ làm cái này cái kia, chê bai bố mẹ già, chậm tiến, không hiểu biết. Có thể gia đình chiều quá nên bạn ấy trở nên ích kỷ như vậy.
Ở lớp, mỗi khi có chuyện cần, bạn ấy bắt bằng được bạn bè giúp đỡ. Làm xong tất nhiên không được lời cảm ơn, thậm chí còn bị hạnh họe".
Thu Trà tâm sự, chỉ sau vài lần đến nhà bạn chơi, bao nhiêu ấn tượng tốt đẹp và tình cảm giữa hai người "tan thành mây khói". Trà cho rằng, cô không hợp với những người luôn cho mình là đúng, là nhất như vậy.
Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho lối sống của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Phải chăng ý thức người trẻ giờ đây đã xuống thấp như thế? Liệu chúng ta sẽ còn mất bao nhiêu luống hoa, phải nhặt bao nhiêu túi rác và lắng nghe bao nhiêu lời chửi tục của họ nữa?
Theo Zing