Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu rõ tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cơ bản được khống chế. Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất salbutamol của các công ty dược đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không còn sử dụng chất cấm. Hiện nay chỉ còn các trang trại sử dụng salbutamol thông qua các thương lái và nhân viên tiếp thị cám của một số công ty cung cấp trực tiếp.
Đến thời điểm hiện nay, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể (tháng 1/2016 là 9,8%, tháng 2 là gần 1,5%, tháng 3 là 0,66%).
Qua đợt cao điểm an toàn thực phẩm (từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016) cho thấy mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm đã có mức giảm đáng kể. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau chỉ chiếm hơn 5%; thịt vịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn là gần 2%.
Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm vi phạm với tỷ lệ cao hơn như thuỷ sản. Các chỉ tiêu về hoá chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn là gần 7,3%…
Bí thư Thăng: "Tôi không tin con số báo cáo thực phẩm mất an toàn chỉ vài %" |
Không thuyết phục về kết quả được báo cáo, trong phần phát biểu của các địa phương, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng thẳng thắn: “Số liệu các bộ ngành báo cáo làm tôi rất băn khoăn vì tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm rất tràn lan, phổ biến mà nói tỷ lệ thực phẩm không an toàn chỉ 1%, 5%, 7%... và đều giảm dần. Tôi xin lỗi là tôi không tin con số này, chắc vì cách lấy mẫu, đánh giá số liệu…”.
“Nếu các bộ ngành đã phối hợp tốt, địa phương cùng quyết liệt thực hiện luật và nói tình trạng vi phạm có giảm không thì tôi cho là không. Nguyên nhân số 1 là do không xác định được trách nhiệm, lâu nay các cơ quan quản lý không kỷ luật được ai cả, từ cấp quận huyện đến tỉnh thành, trong khi tình trạng vi phạm vẫn tràn lan. Không kỷ luật nên cả làng đều vui, ăn bẩn nhưng vẫn vui vì đã chết ngay ai đâu. Chỉ một vài vụ ngộ độc xảy ra, chưa thấm” – Bí thư Thăng không giấu giọng bức xúc.
Người đứng đầu cấp uỷ thành phố lớn nhất nước cũng cho rằng, thực tế việc quản lý, xử lý chưa nghiêm minh, còn tình trạng bao che, thông đồng với người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn vì lợi nhuận quá lớn. Ông Thăng đặt câu hỏi, đơn giản như việc quản lý các lò mổ, chẳng lẽ các cơ sở này hoạt động mà không ai biết? Nếu có một lò mổ trong khu dân cư thì âm thanh phát ra chắc hẳn phải ầm ầm lên chứ không thể nói cả làng xã, phường quận không ai biết.
Theo Bí thư Thăng, cần xử lý trách nhiệm các cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc lộn xộn trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm hiện nay, chứ nói là có sự phối hợp tốt mà một bộ cho nhập chất cấm lại không hỏi ý kiến bộ ngành khác, cần chỉ 10kg nhưng lại cho nhập đến 10 tấn thì… hoà cả làng.
Ông Thăng kiến nghị Chính phủ ban hành Chỉ thị với mục tiêu hướng tới là huy động toàn dân vào cuộc đấu tranh chống lại thực phẩm mất an toàn và phân công, phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương thực hiện, chịu trách nhiệm về việc này. Theo đó, ví dụ như lò mổ bất hợp pháp, mất vệ sinh phát hiện ở phường, xã nào thì Chủ tịch UBND phường, xã đó phải chịu trách nhiệm, địa phương, tỉnh thành có quá nửa số quận huyện để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm thì Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm.
Về tổ chức bộ máy, Chính phủ cần đồng ý cho các địa phương lập cơ quan tổng hợp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ cần chốt điều kiện không được tăng biên chế, nếu không thì cũng cần lập một Ban Chỉ đạo quốc gia về vấn đề này. Bí Thư Thăng cho biết ông đã đề nghị cho TP.HCM lập một cơ quan tổng hợp để nắm việc, được trả lời đó là quyền của địa phương nhưng vẫn phải… xin ý kiến Chính phủ.
Ông Thăng cũng kiến nghị nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm định với yêu cầu trước hết là phải trong sạch.
“Kêu gọi, vận động về đạo đức, tăng cường tuyên truyền nhưng trước hết phải từ những người thực thi công vụ chứ không phải người dân. Vì cán bộ làm không nghiêm nên người dân không tin. Đề nghị cho phép địa phương tổ chức lực lượng thanh kiểm tra, đề nghị đưa lực lượng cựu chiến binh tham gia vì với phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, các bác làm rất mẫn cán và không có động cơ vụ lợi” – Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị.
Ông Thăng cũng đề nghị quán triệt đến các bộ, ngành, địa phương là tổ chức quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng không “đẻ” thêm giấy phép con. Bí thư TP.HCM cũng đồng ý với kiến nghị của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội là cần tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này để đảm bảo tính răn đe.
Trước đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung xác nhận, trên địa bàn thủ đô, người nuôi trồng, chế biến thực phẩm vẫn dùng một số chất cấm gây nguy hại tới sức khoẻ người tiêu dùng. Ông Chung đề nghị quy định xử phạt, với cơ sở vi phạm lần 2, lần 3 thì không chỉ công khai danh tính trên phương tiện đại chúng mà còn cấm hoạt động trong một thời gian nhất định, tái phạm nhiều lần thì phải cấm hành nghề vĩnh viễn.
Chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị các bộ ngành phối hợp, công bố công khai việc nhập các chất cấm hàng năm để giám sát việc sử dụng, đường đi, địa chỉ đến của các loại chất này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “vặn” lại Hà Nội có sẵn sàng nhận toàn bộ số tiền phạt vi phạm thu được để đầu tư trang bị cho lực lượng kiểm soát, đấu tranh với thực phẩm bẩn và cam kết cải thiện tình hình? Chủ tịch Nguyễn Đức Chung quả quyết: “Hà Nội hoàn toàn đồng ý”.
Theo Dân Trí